Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tủ sách pháp luật phát huy hiệu quả

11:07, 30/07/2012

Hiện 100% xã, phường, trị trấn và khoảng 20% ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh xây dựng được tủ sách pháp luật. Nhưng hiện nay, bạn đọc của tủ sách pháp luật phần đông là cán bộ địa phương. Riêng người dân thì “ngại” đến tìm hiểu, bởi các lý do: không có nhu cầu, tài liệu còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn...

Hiện 100% xã, phường, trị trấn và khoảng 20% ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh xây dựng được tủ sách pháp luật. Nhưng hiện nay, bạn đọc của tủ sách pháp luật phần đông là cán bộ địa phương. Riêng người dân thì “ngại” đến tìm hiểu, bởi các lý do: không có nhu cầu, tài liệu còn hạn chế, chưa thật sự hấp dẫn...

Để người dân tìm đến tủ sách pháp luật, qua đó phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật là vấn đề các cơ quan tư pháp cần quan tâm.

* Nguồn cung cấp kiến thức pháp luật cho dân

Tại đám giỗ của gia đình, anh Năm Xung (khu 7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) tranh luận với bạn nhậu Hai Thành về hành vi quỵt nợ của bà Chín Le trong xóm không phải hành vi hình sự. Trong khi đó, do tù mù pháp luật nên Hai Thành cãi chày, cãi cối: “Có ô dù thì dân sự, còn dân đen như tụi mình thì đi tù cả đám”. Trước thái độ của Hai Thành, anh Năm Xung liền lấy Bộ luật Hình sự (BLHS - mượn từ tủ sách pháp luật của văn phòng khu 7) ra cho bạn nhậu xem điều 140 BLHS (quy định về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và điều 139 BLHS (quy định về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) và khẳng định chắc nịch: “Luật đã quy định cụ thể như vậy, dính vào điều khoản quy định của bộ luật là đi tù, không có ô dù nào che nổi”.

Ban Dân tộc tỉnh trao tủ sách pháp luật cho văn phòng ấp 8, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ.
Ban Dân tộc tỉnh trao tủ sách pháp luật cho văn phòng ấp 8, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện giữa Năm Xung và Hai Thành, ông Nguyễn Văn Ngói, Trưởng khu 7, thị trấn Vĩnh An cho biết, khu phố đã tự trang bị một tủ sách pháp luật cho người dân đến tìm hiểu khi có nhu cầu. “Tủ sách là nơi lưu trữ tư liệu, tra cứu tư liệu để phục vụ công tác. Các văn bản pháp luật, sách, báo, tài liệu về trồng trọt, chăn nuôi… được cấp trên tặng, cấp. Chúng tôi tập hợp lại và cất vào tủ sách. Cán bộ trong khu hoặc bà con có nhu cầu thì tự do đến tìm hiểu” - ông Ngói nói.

Trong những lần cùng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai bàn giao tủ sách pháp luật cho các địa bàn vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, chúng tôi được ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, việc trang bị tủ sách pháp luật cho các địa bàn này nhằm từng bước nâng cao kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin về các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Bên cạnh đó, tủ sách còn cung cấp các kiến thức liên quan đến phong tục tập quán, văn hóa, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, giáo dục truyền thống… “Với 50 đầu sách, chúng tôi tin sẽ cung cấp cho đồng bào các dân tộc nơi đây vốn kiến thức cơ bản nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kinh nghiệm cần thiết để bà con tham khảo, áp dụng vào thực tiễn đời sống. Tuy vậy, để tủ sách phát huy hiệu quả cao nhất, nơi để tủ sách phải có bàn đọc sách, cán bộ trực”- ông Bảo nhấn mạnh.

* Để người dân tìm đến tủ sách pháp luật

Tủ sách pháp luật được đầu tư với mục đích: phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; cung cấp các kiến thức về khoa học, kỹ thuật, sức khỏe, phòng chống dịch bệnh… cho nhân dân. Trung bình, mỗi tủ sách có giá trị đầu tư ban đầu từ 5-6 triệu đồng (gồm: tủ và sách). Hàng năm, các tủ sách được địa phương, ngành tư pháp hỗ trợ kinh phí khoảng 2 triệu đồng để mua thêm sách, tài liệu.

Ông Nguyễn Văn Út, cán bộ Phòng Tuyên truyền (Sở Tư pháp) cho biết, Sở và các Phòng Tư pháp ở địa phương luôn có trách nhiệm tập huấn cho cán bộ địa phương về công tác quản lý, khai thác, hướng dẫn và đề xuất mua sắm tài liệu… “Việc chuyển tủ sách pháp luật từ xã về các ấp để người dân dễ dàng tiếp cận, phục vụ đúng đối tượng, tạo thêm kênh tuyên truyền pháp luật đến với nhân dân thời gian tới là điều nên làm” - ông Út có ý kiến.

Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Tư pháp TP.Biên Hòa cho biết, ngoài việc người dân tự tìm đến nơi đặt tủ sách pháp luật để tham khảo, cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật (tư pháp - hộ tịch) còn chủ động tuyên truyền những nội dung có trong tủ sách qua loa đài, các buổi họp dân và lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền khác.

Tuy vậy, tại buổi lễ nhận bàn giao tủ sách pháp luật ở ấp 8, xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), ông Huỳnh Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã tâm sự, với tủ sách pháp luật của xã, bà con vẫn còn e ngại đến tìm hiểu. Hy vọng, khi tủ sách pháp luật được đầu tư về tận các ấp thì tâm lý đó sẽ được khắc phục. Tương tự, ông Nguyễn Văn Ngói cho biết, lượng bạn đọc là người dân đến mượn sách, báo, tài liệu tham khảo tại chỗ hoặc mượn về nhà không nhiều...

Qua tìm hiểu tại nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, nhiều địa phương, cơ quan bố trí tủ sách pháp luật còn mang tính hình thức, đặt tủ sách ở vị trí không thuận tiện, người quản lý tủ sách do kiêm nhiệm nên khi người dân có nhu cầu đến tìm hiểu thì bận việc, hoặc có thái độ gây khó dễ; người dân thì không biết tủ sách pháp luật được địa phương đầu tư cho cả mình tham khảo…

Trao đổi với chúng tôi khi có quan điểm cho rằng, việc tồn tại các tủ sách pháp luật hiện nay là lãng phí, ông Lưu Văn Toàn - cán bộ tuyên truyền Phòng Tư pháp TP.Biên Hòa có ý kiến, tủ sách pháp luật chỉ là một trong rất nhiều kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà tỉnh đề ra. Mỗi kênh tuyên truyền đều xác định rõ đối tượng để nhắm đến. Tuy nhiên, hiện đối tượng tìm đến tủ sách pháp luật phần đông là cán bộ, đảng viên, trong khi nhân dân lao động vẫn chưa mặn mà đến tìm hiểu… thì chúng ta cũng phải xem xét lại cách tổ chức, đưa vào hoạt động các tủ sách trong thời gian qua. “Từ tủ sách, cán bộ nắm chắc pháp luật, chính sách phổ biến lại cho dân chỉ là một mục tiêu. Mục tiêu còn lại là tự người dân tìm đến tủ sách để nâng cao kiến thức pháp luật. Lúc ấy, tủ sách sẽ phát huy hiệu quả đúng với mục tiêu đầu tư. Nó chỉ lãng phí khi tạo ra mà không có ai sử dụng, làm kiểng mà thôi” - ông Toàn khẳng định.

Ông Huỳnh Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Thừa Đức cho biết: “Việc bố trí tủ sách pháp luật ở xã hay ấp đều hướng đến đối tượng quần chúng nhân dân, quan trọng là họ có nhu cầu tìm hiểu hay không. Theo tôi, lượng kiến thức trong các tủ sách pháp luật không hạn hẹp, mà đủ sức đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng. Quan trọng là cách tuyên truyền như thế nào để người dân hiểu đó là tủ sách phục vụ mình, chứ không phải tủ sách dành riêng cho cán bộ”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ tư pháp xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) có ý kiến, ngoài tủ sách pháp luật của UBND xã (phường, thị trấn), các ấp (khu phố) cũng phải được đầu tư tủ sách pháp luật. Như vậy, người dân sẽ dễ tiếp cận hơn. Còn bà Lương Mai Phương Thảo, cán bộ tư pháp phường An Bình (TP.Biên Hòa) thì chia sẻ, với khái niệm tủ sách nên tủ sách pháp luật khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ của mọi người, đối tượng. Tuy nhiên, trong giới hạn của nó, tủ sách pháp luật hiện vẫn phát huy được hiệu quả. Nó chỉ lãng phí khi người quản lý tủ sách thiếu trách nhiệm (khi được giao nhiệm vụ quản lý), không đưa vào khai thác đúng mục đích và hướng dẫn của cấp trên. Riêng người dân, họ không tìm đến tủ sách chỉ khi nào trong tủ sách chưa có cái họ cần tìm, hoặc họ có hình thức tìm hiểu khác nhanh hơn, thuận tiện hơn tủ sách pháp luật ở ấp, xã.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều