Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện người bán báo

10:06, 16/06/2013

Dù gặp buổi khó khăn, những người làm nghề phát hành, bán báo vẫn tất bật với công việc làm cầu nối thông tin giữa tòa soạn với bạn đọc.

Dù gặp buổi khó khăn, những người làm nghề phát hành, bán báo vẫn tất bật với công việc làm cầu nối thông tin giữa tòa soạn với bạn đọc.

Có mặt ở đại lý phát hành báo Huỳnh Hiệp (nằm trên đường 30-4, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa, đại lý báo lớn nhất ở TP.Biên Hòa từ mấy chục năm nay) từ 3-4 giờ sáng mỗi ngày là các đại lý, sạp báo lớn, nhỏ và đội ngũ đông đảo những người bán dạo. Những tờ báo vừa ra “lò” còn thơm mùi mực in đã được xếp gọn gàng thành từng chồng lớn, người lấy chỉ cần thông báo số lượng báo, số đầu báo sẽ được chất hàng lên xe đi ngay. Tiếng người nói rôm rả, tiếng bước chân chạy thình thịch hòa cùng tiếng xe vào ra nhộn nhịp tạo nên thứ âm thanh đặc trưng của “chợ” báo này.

* Phát “sốt” với từng sự kiện

Cơn mưa đêm tầm tã vừa ngớt, bà Trần Thị Yên (58 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) lại lục đục đánh chiếc xe máy cà tàng đến đại lý phát hành báo Huỳnh Hiệp để nhận báo. Điệp khúc ấy, sáng nào cũng lặp lại khi chồng con bà đang giấc ngủ ngon.

Dù vất vả nhưng hơn 10 năm qua, ông Võ Văn Thành (73 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn gắn bó với nghề bán báo dạo.
Dù vất vả nhưng hơn 10 năm qua, ông Võ Văn Thành (73 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn gắn bó với nghề bán báo dạo.

“Tuổi Trẻ 60, Thanh Niên 50, Đồng Nai 50…”, giọng người làm ở đại lý nói to. Bà Yên vừa choàng tay ôm lấy báo, vừa nói: “Nghề này như chạy đua với thời gian, càng nhanh thì báo bán càng nhiều. Với những sự kiện lớn trong nước hay thế giới, như: world cup, thi đại học, thi tốt nghiệp THPT, công an phá những vụ án lớn…, mình cũng phát “sốt” theo. Những hôm như thế, báo lấy bao nhiêu cũng không đủ bán”.

Nhìn những thao tác đếm, chia, đóng báo... nhanh chóng, thuần thục đến từng chi tiết nhỏ chỉ trong vài phút của ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi, chủ sạp báo gần ngã tư Amata), chúng tôi thấy ông như đang chạy đua với thời gian. “Bạn đọc xem báo sớm lắm, độ 5 giờ sáng là có người mua rồi. Vậy nên tôi phải chuẩn bị chu tất mọi thứ để thông tin báo chí đến sớm với họ. Bán báo cũng như người viết báo, hơn thua nhau bởi sự nhanh chậm” - ông Dũng tâm sự.

So với nhiều người bán báo khác, sạp báo của ông Dũng có số lượng khách hàng đặt báo thường xuyên khá lớn, có lúc báo chưa kịp ghim xong đã được bán hết vèo. Mỗi sáng sớm, ông Dũng đến nhận báo từ đại lý và đi giao cho những gia đình gần phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) rồi mới quay về điểm bán. Vì thế, gần 20 năm hành nghề bán báo, ngày nào khách hàng của ông cũng được nhận những tờ báo thật sớm.

“Thị trường báo chí Đồng Nai không thua kém ở TP.Hồ Chí Minh. Khi có những vụ án lớn xảy ra, bạn đọc quan tâm dữ lắm. Có hôm, nhà in hay đại lý phát hành giao báo chậm, để khách đợi lâu tôi cũng áy náy dữ lắm. Nghĩ đến việc họ chờ mỗi sáng, tôi dường như không còn thấy mệt mỏi, mà như bị cuốn theo sự kiện. Vừa rồi, cái vụ cơ quan công an bắn chết tướng cướp có 5 lệnh truy nã Võ Hoàng Điệp, người mua báo cũng sốt sắng tìm đọc dữ lắm” - ông Dũng nói thêm.

Ông Huỳnh Hiệp, người có trên 50 năm trong nghề bán báo cũng đã bao lần “sốt” lên với các sự kiện. Số lượng báo đóng đi cho hơn 40 sạp báo lớn, nhỏ trong tỉnh, nhưng chỗ ông chỉ có hơn 2 giờ đồng hồ để thực hiện. Đó đúng là một cuộc chạy đua đúng nghĩa... Đến 7 giờ sáng, mọi công việc xem như hoàn tất, ông thảnh thơi ngồi bên ly cà phê tếu táo: “Nghề này lấy đêm làm ngày, cực nhưng vui. Bước sang tuổi 81, hiện tại cơ ngơi này tôi đã dành lại cho người con trai”.

* Càng ngày càng khó

Để báo đến được tay bạn đọc, ngoài các đại lý phát hành và sạp báo, những người bán báo dạo luôn là chiếc cầu nối thông tin nhanh, kịp thời. Với những người làm nghề này, họ mong ngày nắng nhiều hơn mưa, bởi ngày nắng báo mới bán được nhiều.

Anh Thái Văn Bảo (34 tuổi, bán báo dạo cho khách ở các quán cà phê trên đường Cách mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu…, TP.Biên Hòa) không nhớ nổi mỗi ngày anh đi qua bao nhiêu con đường ở TP.Biên Hòa. Những người làm nghề như anh lúc nào cũng phải di chuyển không ngừng, từ sáng sớm cho đến khi bán hết báo. “Trời đang bước vào mùa mưa, mùa khổ cực nhất với những người bán báo dạo, vì luôn nơm nớp nỗi lo ướt báo. Nhưng dù có cực, có vất vả thì mình vẫn không bỏ công việc này” - anh Bảo nói.

Ký trả lại phần báo bán còn “ế” cho đại lý phát hành báo ở TP.Biên Hòa.
Ký trả lại phần báo bán còn “ế” cho đại lý phát hành báo ở TP.Biên Hòa.

Khi trời chưa hửng sáng, những người bán báo dạo đã bắt đầu đến đại lý lấy báo, rồi len lỏi khắp các bến xe, công viên, quán cà phê vỉa hè… Trong thời buổi làm ăn khó khăn này, khi mà người dân đã có thói quen đọc báo mạng thay cho báo giấy, nghề bán báo dạo lại gặp khó.

Ôm chồng báo trên tay, họ đến bất cứ nơi đâu, dù mưa dầm hay nắng đổ, khi bước chân đã rệu rã. Trên chiếc xe đạp cũ nát, chị Thiết (31 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) rướn người đạp từng bước nặng nề leo dốc. Khuôn mặt chị hốc hác, sạm đen vì nắng, đôi mắt thâm quầng, mí mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Chị ngồi bệt xuống lề đường đại lý Huỳnh Hiệp lẩm bẩm: “Cả ngày hôm qua chỉ kiếm được 70 ngàn đồng, còn 8 tờ nữa không biết bán cho ai. Khoảng 2 năm trở lại đây, thu nhập từ công việc này không còn khá nữa” - chị tâm sự.

 Ông Huỳnh Ngọc Hải Hồ (50 tuổi, đại lý phát hành báo Hải Minh, huyện Nhơn Trạch), cho biết: “Do hệ thống phát hành chưa thật thuận lợi nên số lượng Báo Đồng Nai đến tay bạn đọc ở đây còn rất ít. Những vụ án lớn xảy ra trên địa bàn, nhiều người mua không có nên phải đọc chung một tờ báo. Thậm chí, chúng tôi phải phô-tô thành từng tờ để ai cũng có thể đọc được báo”.

Bây giờ, trên khắp các đường phố, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người bán báo dạo kiêm bán vé số. Báo khó bán hơn, nên họ kẹp thêm xấp vé số bán dạo để tăng thêm thu nhập. Nhẩm đếm số báo còn sót lại trên tay, chị Thiết kể thêm: “Chúng tôi phải lấy ít báo lại, chậm nhất bán đến trưa là chạy về trả lại số báo ế. Sau giờ đó, thông tin nguội ngắt không ai mua. Thay vì đọc báo, họ sẽ xem ti vi, lướt báo mạng”.

Nghề bán báo dạo vốn nhọc nhằn, thầm lặng, nhưng nếu một ngày không có họ thì thị trường báo chí trở nên kém hấp dẫn. Cả ngày cuốc bộ hàng chục cây số, mỗi tờ báo bán được, người bán dạo chỉ bỏ túi vài trăm đồng, nhưng vẫn có nhiều người gắn bó lâu bền với công việc này. Từ các đại lý phát hành, sạp báo đến những người bán báo dạo, chưa bao giờ họ hết “sốt”, hay thờ ơ với các sự kiện nóng hổi trong nước và thế giới. Còn bạn đọc thì vẫn còn người bán báo.

Thanh Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều