Báo Đồng Nai điện tử
En

Tranh nhau hái nấm “giật”

09:06, 24/06/2013

Sau vài cơn mưa, các khu rừng tràm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu xuất hiện rất nhiều nấm tràm. Lúc này, chị Ba Tia (ngụ ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) và những người hái nấm bước vào mùa thu hoạch nấm tràm đầu tiên trong năm.

Sau vài cơn mưa, các khu rừng tràm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu xuất hiện rất nhiều nấm tràm. Lúc này, chị Ba Tia (ngụ ấp 2, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) và những người hái nấm bước vào mùa thu hoạch nấm tràm đầu tiên trong năm.

Nấm tràm có tên khoa học là Tylopilus felleus, nhưng dân hái nấm lại gọi nó là nấm “giật”. Theo chị Ba Tia, chị quen miệng gọi nó là nấm “giật”, bởi nó chỉ xuất hiện 3 đợt trong năm và mỗi đợt kéo dài không quá tuần lễ. Người dân phải giành giật nhau hái và giành giật cả với những cơn mưa dầm, kẻo nấm tàn.

* Mùa nấm “giật”

Trời vừa sáng, mẹ con chị Ba Tia đã xới tung khu vườn tràm 4 năm tuổi của ông Hai Đệ (xã Trị An) để tìm nấm “giật”. Chị Ba Tia lơ lớ tiếng Kinh thỏ thẻ: “Mỗi đợt nấm “giật” xuất hiện chỉ kéo dài trong vòng một tuần lễ, nên tui phải tranh hái bán, chậm chạp là tụi nhỏ lẹ tay hái hết”.

Người dân đang vào các vườn tràm hái nấm “giật”.
Người dân đang vào các vườn tràm hái nấm “giật”.

Mỗi ngày, mẹ con chị Ba Tia hái được 15kg nấm “giật”, mỗi ký được chủ vựa mua 14 ngàn đồng. Chị Ba Tia cho hay, nấm “giật” chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn, là nơi để nấm “giật” phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm.

Lúc này, chị Ba Tia và những người hái nấm bước vào mùa thu hoạch nấm “giật” đầu tiên trong năm. “Tụi tui đi riêng lẻ hoặc từng nhóm 4-5 người để tìm nấm. Rừng tràm thì bạt ngàn, nhưng nấm chỉ nở rộ có 3 đợt ngắn ngủi trong tháng 5 và 6, nên ai cũng tranh thủ hái cho kịp, không thì nó tàn” - chị Ba Tia bộc bạch.

Nấm “giật” hình thù khá đa dạng, tai màu tím nhạt, tròn và béo múp. Có cây tím thâm, mới nhú, lại búp tròn, nấm nhỏ còn gọi là nấm búp trông giống như cây. Nấm lớn có hình như cái ô, có màu tím như màu quả măng cụt. Nói chung, nấm “giật” bên ngoài có màu nâu tím, bên trong trắng mịn, hình dáng rất đẹp, nhưng vị thì đắng.

Ở cuối góc vườn tràm của ông Hai Đệ, chúng tôi thấy lố nhố đám trẻ đang hái nấm cùng với cha mẹ. Chúng tôi tiến lại gần thì vài đứa đã ôm thau, giỏ chạy đi nơi khác. Sau khi gọi mấy đứa nhỏ lại dặn dò đi sang vườn ông Ba Chắc cách đó vài chục mét hái, chị Liễu mới chịu trò chuyện với chúng tôi. Chỉ tay vào thau nấm gần ký vừa hái được, chị Liễu nói: “Tính ra, ngày công hái nấm cũng bằng đi làm cỏ thuê. Người hái giỏi, mỗi ngày có thể hái được 10kg, kiếm được khoảng 140 ngàn đồng. Lý do tụi tui tạm gác việc làm thuê để đi hái nấm “giật” vì nhìn thấy chúng mọc khắp nơi trong vườn tràm, tiếc của trời ban nên ham hố đi hái”.

Còn chị Lê (cùng đi hái nấm với chị Liễu) thì tỏ bày, nấm “giật” thường mọc trên lớp lá mục dưới tán rừng tràm, nhất là ở các khu rừng tràm nằm ở sườn đồi, ven các con suối. Vào mùa hè, khi những cơn mưa trút xuống những khu rừng tràm, cũng là lúc nấm đua nhau mọc lên. “Năm nay có 3 đợt hái nấm “giật”, gồm: đợt 1 ngày 20-5; đợt 2 ngày 5-6 và đợt 3 ngày 20-6. Mỗi đợt hái được trong 1 tuần lễ thôi” - chị Lê giải thích thêm.

* Khoái khẩu dân Sài Gòn

Dù bận rộn thu mua nấm “giật” do những đứa trẻ mang đến bán, chị Hà (ngụ ấp 2, xã Trị An) vẫn nở nụ cười khi tiếp chuyện với chúng tôi. Chị cho biết, vựa của chị thu mua mỗi ngày vài tạ nấm “giật” do người dân trong vùng mang đến bán. Mỗi ký chị thu vào 14 ngàn đồng, bỏ sỉ cho mối ở TP.Hồ Chí Minh giá 30 ngàn đồng/kg. “Tui phải trừ hao hụt và dự trù hàng dội chợ bị hư hỏng, hoặc người mua không đến nhận hàng” - chị Hà giải thích sự chênh lệch hơn gấp đôi giữa giá mua và bán nấm “giật”.

Còn chị Ngọc, chủ vựa thu mua nấm “giật” ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) thì cho hay, dù mua giá chỉ bằng nửa giá bán, nhưng chị thường hay bị lỗ vốn do dân TP.Hồ Chí Minh giở chứng, không đến nhận hàng với đủ lý do. “Mình làm ăn với họ cũng chụp giật như người hái nấm giành giật nhau vậy” - chị Ngọc thổ lộ.

Trẻ em luôn thích thú với mùa nấm “giật”.
Trẻ em luôn thích thú với mùa nấm “giật”.

Rồi chị Ngọc bày cho chúng tôi cách chế biến món nấm “giật”. Nếu ăn bình dân thì luộc nấm như luộc măng rừng để cho hết vị đắng rồi ăn. Dân TP.Hồ Chí Minh thì nấu nấm “giật” với gà giò. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái đã chuẩn bị sẵn vào, nồi nước luộc gà trở thành món súp nấm. “Những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng có cảm giác giòn, xốp, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẩn cứ lan dần. Húp miếng nước súp ngọt lừ mùi vị của nấm và thịt gà, lúc này vị của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh. Chính cái vị đắng này mà nhiều người đâm ghiền món nấm “giật”.  Chị Ngọc hướng dẫn cách chế biến và thưởng thức món thịt gà nấu nấm “giật”, làm chúng tôi phải nuốt nước bọt.

Là “đại gia” ở TP.Hồ Chí Minh về huyện Vĩnh Cửu lập trang trại, anh Hậu tỏ ra là dân sành điệu món nấm “giật”. Anh cho biết, không chỉ là món ăn ngon, bổ dưỡng, nấm “giật” còn có tác dụng chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu, thanh nhiệt, giải độc. “Nấm “giật” còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon, dùng để nấu với rau tập tang (hoặc rau lang) cùng với tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt... Các món ăn nấu từ nấm “giật” có vị đắng đặc trưng, nhưng ăn rất ngon” - anh Hậu nói.

Mặc cho dân TP.Hồ Chí Minh sành nấm “giật” của mình, cu Hải vẫn lon ton theo chị Ba Tia tranh nấm với những người hái khác. Em hăng hái đến mức, mỗi khi gặp được đám đất rộng dày đặc nấm “giật” thì ngồi bệt xuống đất, kéo lê mông bị toác cả đáy quần, tay thì nhổ nấm lia lịa. “Con không hái thì họ hái hết. Hái không hết thì mưa cũng làm cho chúng nở toét loét phải bỏ. Những ngày nấm “giật” nở, các chú cứ vào vườn tràm tìm thì gặp rất nhiều trẻ con, người lớn lật lá tìm nấm “giật” mà chụp hình” - Hải nói xong, toe toét miệng cười ôm thau nấm chạy vụt đi chỗ khác hái tiếp...

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều