Báo Đồng Nai điện tử
En

Vòng tay hoàn lương (Bài cuối)

09:08, 11/08/2013

Để người lầm lỡ thêm quyết tâm hoàn lương, gia đình và cộng đồng cần có sự tin yêu, lòng vị tha và là bệ đỡ vững chắc cho họ trên bước đường hoàn lương nhiều chông chênh, trắc trở.

Để người lầm lỡ thêm quyết tâm hoàn lương, gia đình và cộng đồng cần có sự tin yêu, lòng vị tha và là bệ đỡ vững chắc cho họ trên bước đường hoàn lương nhiều chông chênh, trắc trở.

V.D. (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) vốn là một thanh niên tốt. Tháng 4-2012, trên đường đi làm về ngang Khu công nghiệp Amata, D. gặp 2 thanh niên cướp giật tiền của một nữ công nhân vừa rút tiền lương từ trụ ATM. Không ngần ngại, D. vừa đuổi theo bọn cướp, vừa tri hô nhờ người đi đường giúp đỡ. Đuổi hơn 1km, D. đạp xe bọn cướp ngã ra đường, sau đó được thêm sự hỗ trợ của dân phòng, bọn cướp đã bị bắt. Với thành tích này, D. đã được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.

* Ấm áp vòng tay gia đình

Thế nhưng, mấy tháng sau, chỉ vì tuổi trẻ bồng bột, D. đã trở thành kẻ phạm tội. Trong lúc nóng giận vì bị đồng nghiệp nhiều lần xúc phạm nặng trước mặt mọi người, D. đã chụp con dao ở căn-tin và vung lên… Với tội gây thương tích, D. phải lãnh án 5 năm tù, thụ án tại Trại giam Huy Khiêm.

Đại diện Công an phường Long Bình xem xét máy tiện gỗ của anh S.L. (phường Long Bình), được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự.
Đại diện Công an phường Long Bình xem xét máy tiện gỗ của anh S.L. (phường Long Bình), được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự.

Từ một kỹ sư điện có tương lai rộng mở, trở thành phạm nhân khép mình sau song sắt, những ngày đầu bị cách ly với xã hội, D. thấy đời mình dường như chấm hết. Một số bạn bè thường ngày thân thiết, nay xa lánh khiến D. càng thêm mặc cảm. Nhưng trong bước ngoặt khó khăn của cuộc đời, gia đình D. đã không bỏ rơi D., mà họ luôn yêu thương, nâng đỡ tinh thần.

Cha mẹ, chị gái thay phiên đến trại giam thăm nom, động viên D. Mỗi lần thăm, không chỉ gửi thực phẩm, họ còn gửi cho D. những loại sách dạy làm người, khơi gợi điều thiện, ứng xử văn hóa.[links(right)]

“Được sự yêu thương của gia đình, tôi đã nhận ra được rất nhiều điều. Làm người có lúc lầm lỡ, quan trọng là phải biết nhận ra và sửa chữa. Từ ngày vào đây, tôi luôn phấn đấu tốt để sớm trở về. Có thể, với tiền án trong lý lịch, tôi sẽ gặp khó khăn khi trở về hòa nhập với cộng đồng, nhưng tôi không mất niềm tin vào cuộc sống. Tôi nhất định tiếp tục sống tốt, không phụ niềm tin của cha mẹ và chị gái” - D. khẳng định chắc nịch.

* Vươn lên từ sự hỗ trợ của cộng đồng

21 tuổi, đang là công nhân kỹ thuật, có một cuộc sống ổn định mà nhiều người mơ ước, chỉ vì rượu mà anh S.L. (ngụ phường Long Bình) đánh mất tương lai tươi sáng. Năm 2003, sau khi đã uống rượu, không kiểm soát được bản thân, trên đường về nhà, anh đã nhảy ra chặn xe của một người đi đường… Bị kết án 18 tháng tù vì tội cướp giật, L. phải trải qua những ngày mất tự do trại Trại giam B5. Mấy lần L. cùng với bạn tù được ra ngoài làm việc, người “bên ngoài” đều nhìn những bộ “đồng phục sọc” của họ với ánh mặt nghi kỵ, khiến anh rất mặc cảm, thấy mình như cặn bã của xã hội, từ đó sinh ra chán nản.

Thế nhưng, một sự kiện lớn xảy ra đã làm anh phải thay đổi quan niệm. “Khoảng năm 2004, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Tới vào thăm trại. Khoảng cách giữa một lãnh đạo tỉnh với phạm nhân như chúng tôi xa vời vợi, vậy mà ông đối với chúng tôi rất chân tình, không hề phân biệt. Ông xuống tận nơi bắt tay chúng tôi, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, động viên mọi người khi ra tù phải phấn đấu tốt hơn để không phụ lòng tin tưởng, mong mỏi của gia đình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, ngay cả vị lãnh đạo tỉnh cũng kỳ vọng mình trở thành người đàng hoàng, vậy tại sao mình lại xem thường, hạ thấp giá trị của mình? Từ đó, trong lòng tôi luôn tự nhủ sẽ sống tốt hơn để được người khác tôn trọng” - anh L. bồi hồi nhớ lại.

Ra tù, với tiền án cướp giật, anh đi xin việc nhiều nơi, nhưng không công ty nào nhận. Giữa lúc khó khăn, một số người đến rủ rê anh làm chuyện phi pháp, nhưng L. cương quyết tránh xa, quyết tâm làm lại cuộc đời. Rồi L. cũng tìm được người yêu thương, có được cô con gái xinh xắn, gia đình đã trở thành điểm tựa vững chắc, mạnh mẽ để anh phấn đấu vươn lên. Thế nhưng, cái nghèo cứ mãi đeo bám anh, bởi dù có tay nghề tốt, nhưng cái lý lịch tì vết vẫn cản trở anh có được việc làm ổn định.

Trong những ngày khó khăn ấy, Trung úy Phạm Văn Sỹ (cảnh sát khu vực) vẫn luôn gần gũi, tìm cách hỗ trợ anh trên con đường hoàn lương. Sau nhiều lần tìm hiểu, Trung úy Sỹ đã mạnh dạn đề xuất Ban Chỉ huy Công an phường đưa L. vào danh sách vay vốn 20 triệu đồng từ Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự. Một cán bộ công an phường cho anh mượn thêm 15 triệu đồng. Nhận được số tiền lớn, có tay nghề mộc, L. đã đầu tư máy móc để gia công hàng ngày tại nhà. Chăm chỉ làm việc, anh có thể kiếm 300-500 ngàn đồng/ngày. “Có gia đình là động lực, lại được sự hỗ trợ, động viên của các anh công an, tôi thấy vững vàng hơn rất nhiều. 10 năm nay, tôi đã lánh xa con đường cũ, làm lại cuộc đời. Giờ có cuộc sống ổn định như thế này, tôi thật không còn mong mỏi gì hơn” - anh L. chân tình cho biết.

* Gieo hạt mầm thiện lương

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng công an phường Long Bình, nhận xét sự kỳ thị của cộng đồng là trở ngại lớn khiến người lầm lỡ khó hoàn lương. Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án tù, khi trở về rất khó hòa nhập cộng đồng, bởi không xin được việc làm tại các doanh nghiệp, lâm vào bế tắc sẽ dễ có khuynh hướng tái phạm, nhất là khi bị rủ rê, lôi kéo. Vì thế, đối với những người có hoàn cảnh ngặt nghèo, mong muốn hoàn lương, thật sự cần việc làm để sống lương thiện, công an phường đã tìm cách giúp họ có thể xin việc.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội Giáo dục - hồ sơ Trại giam Huy Khiêm, cho biết để khơi gợi động lực phấn đấu của phạm nhân, trại đã xây dựng 20 căn “nhà hạnh phúc”. Những phạm nhân chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt, ngoài việc được gia đình thăm nuôi theo quy định, còn được lãnh đạo trại tạo điều kiện cho gặp gỡ riêng với vợ (chồng) tại “nhà hạnh phúc”, lấy gia đình làm nguồn động viên mạnh mẽ, vững chắc đối với phạm nhân.

Trung tá Nam cũng cho biết, với những phạm nhân chấp hành án tù trở về, Ban Chỉ huy Công an phường chỉ đạo cảnh sát khu vực phải thường xuyên quan tâm động viên, hỗ trợ khi cần thiết, nhằm tạo thêm điều kiện để đối tượng có thể hoàn lương. Từ năm 2012 đến nay, Công an phường Long Bình đã đề xuất cho 5 đối tượng được vay vốn từ nguồn Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự, bình quân 20 triệu đồng/người. Dịp Tết Nguyên đán 2013, công an phường còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà những gia đình có con em là phạm nhân đang chấp hành án, động viên gia đình tiếp tục là chỗ dựa cho phạm nhân cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.

“Con đường hoàn lương chông chênh lắm, trong khi kẻ xấu thì liên tục lôi kéo, nếu người tốt lại bỏ rơi thì người hoàn lương rất dễ sa ngã. Người hoàn lương trở về con đường sáng không chỉ đem lại niềm vui gia đình, mà còn bớt được một mối nguy hiểm, bất ổn cho cộng đồng, góp phần mang lại bình yên cho xã hội. Vì thế, quan tâm, hỗ trợ người hoàn lương không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà người dân, cộng đồng cũng cần góp sức. Điều đó cũng thể hiện truyền thống vị tha, nhân hậu, “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại” của dân tộc ta” - Trung tá Nam tâm sự.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều