Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng kẻng trên đồi Mặt Trăng

09:07, 07/07/2014

Xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) là một trong những địa phương có mô hình "Tiếng kẻng an ninh" đem lại nhiều hiệu quả và được nhân rộng ra các xã lân cận. Đến nay, gần 40 năm từ khi tiếng kẻng đầu tiên được gióng lên ở đồi Mặt Trăng (ấp Lò Than, xã Bảo Bình), số vụ trộm cắp, mất trật tự trên địa bàn xã đã giảm rất nhiều.

Xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) là một trong những địa phương có mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đem lại nhiều hiệu quả và được nhân rộng ra các xã lân cận. Đến nay, gần 40 năm từ khi tiếng kẻng đầu tiên được gióng lên ở đồi Mặt Trăng (ấp Lò Than, xã Bảo Bình), số vụ trộm cắp, mất trật tự trên địa bàn xã đã giảm rất nhiều.

Ông Lương Thế Trụ thực hiện động tác đánh kẻng.
Ông Lương Thế Trụ thực hiện động tác đánh kẻng.

Và hơn hết, đây là một trong những cách tích cực giúp lực lượng chức năng giữ gìn trật tự ở địa phương. Theo lời ông Mai Công Suất, nguyên Trưởng công an xã Bảo Bình, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã có ở đây gần 40 năm. Nó xuất phát từ sáng kiến của một người dân để phối hợp cùng các hộ dân xung quanh phòng ngừa tình trạng trộm cắp nông sản diễn ra phức tạp ở địa phương lúc bấy giờ.

* Mô hình tự phát

Ông Lương Thế Trụ (80 tuổi, ngụ ấp Lò Than, xã Bảo Bình), người đã sáng tạo ra mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, chia sẻ những ngày đầu sau giải phóng, tình trạng trộm cắp nông sản diễn ra rất nhiều ở khu vực nay thuộc các xã: Bảo Bình, Long Giao, Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ). Nhiều lần chứng kiến cảnh hàng chục người ùa vào vườn rẫy lấy đi nông sản mà chủ vườn không làm gì được, ông Trụ đã cùng mọi người xung quanh tìm cách giải quyết dứt điểm chuyện này.

“Ngày đó, xung quanh đây chỉ có rừng và rẫy của dân, nhà này cách nhà kia cả trăm mét, nên khi có chuyện xảy ra không kêu ai được. Sau giải phóng mấy ngày, trong lúc lái xe máy kéo chạy quanh rẫy, tôi phát hiện có một trái bom lớn đã được tháo hết thuốc bên trong. Khi đó tôi nghĩ nên sử dụng vật này như một cái kẻng để báo hiệu cho người dân khi xảy ra tình trạng trộm, cướp nông sản. Tôi đã cùng một người nữa khiêng trái bom lên trên xe rồi chở về nhà. Sau khi bàn bạc với các hộ xung quanh, chúng tôi tìm thêm các vật dụng để làm kẻng rồi quy ước tín hiệu. Mỗi khi tiếng kẻng được gióng lên, mọi người sẽ chạy đến nơi phát ra tín hiệu để giúp đỡ” - ông Trụ đưa chúng tôi ra xem chiếc kẻng đặc biệt được đặt bên hông nhà rồi giải thích từng quy ước tín hiệu.

* 39 năm vang tiếng kẻng an ninh

Đưa chúng tôi lên sân thượng nhà mình, ông Trụ chỉ tay về phía những ngọn đồi xung quanh rồi cho biết, do địa hình hiểm trở, cộng với việc dân cư sinh sống thưa thớt nên nơi đây rất dễ trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Nhưng với những hiệu lệnh kẻng thì người dân sẽ nhanh chóng đến và đoàn kết để chống lại bọn trộm, cướp. Ở khu vực đồi Mặt Trăng, chỉ có 4 con đường để xe cơ giới có thể ra vào, nếu có việc xảy ra thì mọi người sẽ chia nhau chốt chặn các trục đường này để vây bắt kẻ xấu.

“Những ngày mới giải phóng, dân cư ở đây thưa thớt nên rất cần sự đoàn kết để đối phó với nạn trộm, cướp. Bây giờ, công nghệ thông tin phát triển, nhà nhà đều có điện thoại, nhưng chúng tôi vẫn sử dụng tiếng kẻng để phát tín hiệu vì sự tiện lợi và âm vang của kẻng sẽ nhanh chóng thông báo sự việc cho mọi người biết” - ông Lương Thế Trụ chia sẻ.

Như vào năm 2012, nhờ tiếng kẻng an ninh của khu vực ấp Lò Than mà Công an xã Bảo Bình đã bắt được 7 đối tượng trộm cắp và 3 đối tượng truy nã đang tìm cách lẩn trốn ở khu vực đồi Mặt Trăng. Hay trước đó, vào năm 2010, khi người dân trong ấp nhận được tin báo của công an xã về một đối tượng “đua nóng” xe máy chạy về phía ấp, mọi người liền đánh kẻng báo hiệu và vác gậy ra chặn đường, vây bắt kẻ trộm xe.

Sau hơn 35 năm thực hiện, đến năm 2010, Công an xã Bảo Bình đã tiến hành kiểm tra và củng cố thêm hệ thống kẻng của ấp Lò Than, sau đó phát triển thêm một mô hình tương tự ở ấp Tân Bảo kề bên.

“Năm 2010, khi tiến hành củng cố lại mô hình, chúng tôi đã quy ước lại hệ thống tín hiệu kẻng, đồng thời tập huấn cho người dân cách khống chế những đối tượng trộm cắp, cướp giật… Do khu vực đồi Mặt Trăng ở xa UBND xã, đường sá khó đi, nhất là vào mùa mưa, nên có những trường hợp lực lượng công an xã không xuống vây bắt đối tượng gây án kịp thời. Khi đó, hệ thống kẻng an ninh và chính sức lực của mọi người dân nơi đây mới có thể ứng phó kịp thời trước các tình huống bất ngờ” - ông Võ Hồng Tâm, Trưởng công an xã Bảo Bình, nhấn mạnh.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều