Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưa đầu mùa đã thấy lo

11:05, 30/05/2016

Từ đầu tháng 5, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Mưa đến xua tan cái oi bức, ngột ngạt của những ngày nắng nóng, nhưng cũng khiến mọi người lo đề phòng nước ngập, sét đánh, gió thổi tốc mái nhà...

 

Từ đầu tháng 5, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Mưa đến xua tan cái oi bức, ngột ngạt của những ngày nắng nóng, nhưng cũng khiến mọi người lo đề phòng nước ngập, sét đánh, gió thổi tốc mái nhà...

Trước tình hình nhiều nhà bị tốc mái, cây đổ từ đầu mùa mưa đến nay, các hộ dân ở TP.Biên Hòa đã ráo riết chuẩn bị đề phòng gió lốc, bảo vệ nhà cửa và hoa màu…

* Thấp thỏm với mưa gió

Cơn mưa đầu mùa ngày 5 và 6-5, TP.Biên Hòa đã có nhiều điểm, khu vực bị ngập nặng, như: đường Đồng Khởi; đường Nguyễn Ái Quốc, khu vực cầu Săn Máu; quốc lộ 51, đoạn thuộc phường Long Bình Tân; quốc lộ 1, đoạn trước Bệnh viện đa khoa Thống Nhất… Ngoài ra, toàn thành phố còn có 44 căn nhà bị tốc mái vì lốc xoáy. Riêng trận mưa chiều 19-5 đã làm 1 cây to cỡ 2 người ôm trong khuôn viên đình Nguyễn Tri Phương (KP.4, phường Bửu Hòa) bật gốc đè vào nhà dân và làm bật gốc 2 cây trứng cá trên đường Nguyễn Văn Trỗi.

Cây ở đình Nguyễn Tri Phương đổ đè vào nhà dân ngày 19-5.
Cây ở đình Nguyễn Tri Phương đổ đè vào nhà dân ngày 19-5.

Nhà ở gần chỗ cây to trong đình Nguyễn Tri Phương bị đổ, ông Huỳnh Ngọc Hoàng chia sẻ: “Trời đang mưa lớn thì tui nghe ở bên ngoài có một tiếng “ầm” rất lớn. Chạy ra xem, tôi thấy cây to trong đình bị bật gốc đè lên nhà kế bên. May mà lúc đó không có ai ở trong nhà và cây cũng chỉ đè nứt tường, chứ không thì chẳng biết ra sao. Từ đầu mùa mưa đến nay, mấy khu phố quanh đây cũng có mấy nhà bị tốc mái; may là chưa có ai bị gì, mái tôn cũng được gia cố lại hết rồi”.

Anh Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Phước Tân) thì lo ngại đi làm qua đoạn dốc 47 lúc trời mưa, vì ở đoạn này có một số cây lớn lộ ra cả bộ rễ, gốc cây do làm đường và mưa gió. Mọi người qua đây đều lo lắng không biết khi nào thì cây đổ, nhất là khi các cây này nằm cạnh đường dây điện.

Ông Nguyễn Ngọc Danh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai, cho biết hiện công ty đang cắt tỉa những cành cây, nhánh cây mọc vươn ra đường, ngang đường dây điện, đường dây viễn thông. Công ty cũng tăng cường kiểm tra, nhanh chóng khắc phục sự cố và cắt hạ ngọn cây xuống điểm an toàn. Ngoài ra, công ty còn đang trồng thay thế những giống cây không phù hợp bằng các giống cây chịu được gió mạnh, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thời tiết.

Trong khi đó, những hộ dân sống dọc các tuyến đường: Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc (đoạn gần Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất)… lại đau đầu vì chuyện ngập nước. Nhiều người cho hay, hễ trời mưa là các khu vực này bị ngập; chưa kể nước cống theo mưa bốc lên làm ảnh hưởng sinh hoạt của mọi người.

Bà Nguyễn Thị Bích Hoa (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Nhà tôi bán tạp hóa, mỗi lần mưa lớn là các tấm bạt, mái hiên di động lại lung lay, có khi đổ sập xuống luôn. Mà nhà tôi nằm trong diện quy hoạch nên có muốn xây mới cũng không được, chưa kể nhà gần quốc lộ 1, gió thổi lồng lộng, cây ven đường chẳng biết khi nào đổ xuống. Nhiều đêm nằm ngủ mà vẫn thấp thỏm, sợ mưa lúc đêm khuya, không ai để ý lại bị tốc mái hay cây đổ”.

* Chủ động đầu mùa mưa

Năm 2015, có những thời điểm mưa lớn kèm theo mưa đá, lốc xoáy. Như cơn mưa lớn kèm lốc xoáy ngày 21-4-2015 ở huyện Thống Nhất đã làm gần 100 ngôi nhà, trại heo bị tốc mái, nhiều cây xanh bị gãy đổ. Trong đó, có nhiều nhà bị sập và bị tốc mái hoàn toàn, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hay tại huyện Trảng Bom, vào mùa mưa 2015, nhiều xã bị ngập liên tục, ảnh hưởng đời sống nhân dân và gây thiệt hại lớn cho kinh tế địa phương.

Trước những thiệt hại do mưa lớn lốc xoáy gây ra, bước vào mùa mưa năm nay, nhiều gia đình đã chủ động gia cố nhà cửa, cắt tỉa các cành cây không đảm bảo an toàn; khơi thông cống rãnh để phòng ngập úng.

Những cột điện và đường dây điện, đường dây viễn thông bị mưa gió làm nghiêng ngả, không đảm bảo an toàn cũng dần được thay thế.

Những cột điện cũ bị nghiêng đang dần được thay thế để đảm bảo an toàn cho người đi đường
Những cột điện cũ bị nghiêng đang dần được thay thế để đảm bảo an toàn cho người đi đường

“Cứ vào mùa mưa thì một số gia đình tiến hành cưa các cành cây lớn, đóng đinh gia cố mái nhà, kiếm bao cát chất lên cho vững. Khu nào nhà hay bị ngập do mưa lớn thì đào rãnh thoát nước tạm, xây 2-3 hàng gạch lên chống ngập cho qua mùa mưa. Mấy nhà ven sông thì tranh thủ cưa cây, cắt cành rồi kè lại phần đất trong nhà sát bờ sông vì sợ sạt lở khi nước lớn” - ông Nguyễn Tiến Sâm (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) cho hay.

Riêng các hộ trồng, bán cây cảnh ở TP.Biên Hòa thì từ khoảng 3 tuần nay trở nên hết sức bận rộn. Với những cây lớn chưa bán thì phải ràng dây, chống cọc cho khỏi đổ. Còn những vườn cây có trồng, bán bonsai thì càng lo lắng hơn, vì sợ mưa gió lớn ảnh hưởng đến những gốc cây bạc triệu.

“Cứ vào mùa mưa là thợ trong vườn của tôi rất bận rộn, vừa lo chống gió lốc cho vườn vừa đi cắt cành, chống lại cây ngã xiêu vẹo cho khách; nhiều lúc không có người làm, phải nhờ người nhà của khách phụ một tay. Có cây đã trồng gần 10 năm, rễ đã có chỗ bám, nhưng gió mạnh quá làm đổ như thường; cổ thụ còn muốn lung lay, huống gì cây kiểng cao 5-6m. Bây giờ người trồng cây (hoa) ở đâu cũng lo hết, mấy ông bạn tôi trồng mai ở Thủ Đức cũng lo lỡ chậu cây bị đổ, gãy thì biết lấy đâu ra đền cho khách vào dịp tết” - ông Đặng Văn Hùng (ngụ phường Tân Hiệp) tâm sự.

Đăng Tùng

 

 

Tin xem nhiều