Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh giúp ích cho đời

11:05, 29/05/2016

Sau khi lăn lộn với đủ thứ nghề, vào năm 2002, cựu chiến binh (CCB) Phùng Văn Hùng (ngụ xã Long An, huyện Long Thành) đã quyết định mở xưởng cưa ở Long Thành.

Sau khi lăn lộn với đủ thứ nghề, vào năm 2002, cựu chiến binh (CCB) Phùng Văn Hùng (ngụ xã Long An, huyện Long Thành) đã quyết định mở xưởng cưa ở Long Thành.

Ông Trịnh Ngọc Núi (trái) Phó chủ tịch Hội CCB huyện Long Thành, tham quan xưởng cưa của ông Phùng Văn Hùng.
Ông Trịnh Ngọc Núi (trái) Phó chủ tịch Hội CCB huyện Long Thành, tham quan xưởng cưa của ông Phùng Văn Hùng.

Từ một cơ sở kinh doanh non trẻ, khó khăn chồng chất, hơn 10 năm sau, gia đình CCB Hùng đã vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực cho các phong trào ở địa phương.

* Học kinh nghiệm từ chiến trường

Tháng 2-1983, ông Phùng Văn Hùng rời quê hương Ninh Bình nhập ngũ và làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Trong vai trò lái xe chở quân, lương thực, vũ khí… ra trận, ông đã không ít lần chạm mặt với các toán phục kích của quân Khmer Đỏ và suýt hy sinh.

“Trên chiến trường ác liệt, không ít lần tôi đối diện với hiểm nguy và nếu không có sự may mắn thì tôi đã nằm lại Campuchia từ năm 1983. Nhưng có một may mắn là khi còn ở trong rừng Campuchia, tôi học được cách đánh giá các loại gỗ, thông thạo tính chất gỗ. Khi về nước, có thời gian công tác tại Phòng Kỹ thuật thuộc Viện Thiết kế (Bộ Công nghiệp nhẹ) nên tôi càng thành thạo về gỗ hơn, giúp ích cho việc khởi nghiệp xưởng cưa sau này” - ông Hùng chia sẻ.

Đầu năm 2000, sau khi đến vùng rừng tạp và các lô cao su già đang chuẩn bị thanh lý thuộc huyện Cẩm Mỹ và Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tìm tòi hướng đi mới, ông Hùng quyết định vay vốn về Long Thành lập xưởng cưa và bắt mối với những nơi thanh lý gỗ, các công ty xây dựng để tìm đầu ra. Khi ông mới vào nghề, từ việc mua cây đến xẻ gỗ, kiếm hợp đồng đều hoàn toàn thủ công, manh mún. Nhưng sau vài năm, thấy lượng bạn hàng ngày càng tăng, đơn đặt hàng càng nhiều và lượng gỗ đầu vào khá dư dả, ông Hùng quyết định đầu tư thêm cơ sở vật chất.

“Lúc mới mở xưởng cưa, tôi không đủ tiền lấy hàng và cho khách gối đầu hàng. Lúc đó, tài sản nào có thể cầm được tôi đều đem thế chấp mà vẫn thiếu trước hụt sau. Được anh em hội viên CCB của xã, huyện và các bạn đồng ngũ ngày xưa giúp đỡ, tôi đã có đủ vốn làm ăn lâu dài, xây dựng nhà xưởng vững chắc, mua sắm thêm thiết bị, thuê thêm nhân công, mà tất cả nhân công của tôi đều là con em CCB trong xã, huyện, vừa giúp họ có việc làm vừa có đội ngũ nhân công đáng tin cậy” - ông Hùng bộc bạch.

* Giúp đỡ cộng đồng

Từ xưởng cưa nhỏ gia công lẻ tẻ với số vốn nay thiếu mai hụt, ông Hùng đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận các công ty, doanh nghiệp lớn để mở rộng quan hệ làm ăn. Sau khi có những hợp đồng cung cấp gỗ thành phẩm các loại, mỗi năm ông thu về khoảng 7 tỷ đồng. Sau khi khấu hao mọi chi phí, ông Hùng có thu nhập “cứng” trên 700 triệu đồng/năm.

Phó chủ tịch Hội CCB huyện Long Thành Trịnh Ngọc Núi đánh giá: “Vươn lên từ 2 bàn tay trắng, đến khi có cơ sở kinh doanh vững vàng, CCB Phan Văn Hùng đã tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Công việc đều đặn ở xưởng cưa của ông cũng tạo công ăn việc làm cho một số con em CCB khó khăn. Trong năm 2015, ông Hùng được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng chứng nhận CCB sản xuất - kinh doanh giỏi. Điều này đã khích lệ tinh thần hội viên CCB trong huyện vươn lên phấn đấu làm giàu chính đáng”.

Với 12 công nhân, sau khi học nghề vững vàng, họ vẫn tiếp tục gắn bó với xưởng vì mức lương ông Hùng trả khá tốt (khoảng 7 triệu đồng/tháng) và chưa khi nào chậm trễ. Các công nhân làm việc tại xưởng cưa cho biết, dù công việc lao động tay chân khá vất vả, nhưng xưởng cưa gần nhà và mức lương tốt nên mọi người đều gắn bó với ông Hùng từ rất lâu rồi.

“Từng trắng tay nên tôi hiểu rất rõ cảnh thiếu thốn. Vì vậy, khi đã có cơ nghiệp ổn định, tôi đã tham gia các hoạt động của địa phương, của Hội CCB huyện để chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hầu như năm nào tôi cũng góp khoảng 20 triệu đồng cho các quỹ tình thương, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo… Nói thật, tôi được như ngày nay cũng nhờ có sự hỗ trợ rất lớn của các hội viên CCB, nên hàng năm tôi đều tìm cách giúp đỡ các hội viên khác để họ thoát nghèo. Dù số tiền đóng góp không thể giúp được một hộ vươn lên thoát nghèo, nhưng với đồng vốn của nhiều người góp lại có thể làm được điều này” - ông Hùng chia sẻ.

Trong những hoạt động góp phần giúp huyện Long Thành hoàn thành nông thôn mới, ông Hùng đã hiến hơn 120m2 đất ven quốc lộ 51 để làm đường đi cho những hộ dân gần đó. Những năm qua, ông đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa 5 căn nhà tình thương cho đồng đội với tổng số tiền trên 75 triệu đồng.

Ông Hùng chia sẻ, công việc làm ăn ngày càng khó khăn, nhưng không vì vậy mà các hoạt động xã hội của ông giảm bớt. Hầu như năm nào ông cũng là một trong những mạnh thường quân đóng góp tích cực vào các hoạt động từ thiện của Hội CCB các cấp và của địa phương.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều