Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành nhà Hồ và bài học lòng dân

11:06, 03/06/2016

Thanh Hóa vẫn được mệnh danh là vùng đất "bốn vua, hai chúa" (bốn vua: Tiền Lê, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn; hai dòng chúa: Trịnh, Nguyễn. Trong đó, ngoài di tích Lam Kinh - nơi phát tích của triều Tiền Lê, thì Thành nhà Hồ gắn liền với triều đại nhà Hồ cũng là một di tích nổi tiếng không thể bỏ qua.

Thanh Hóa vẫn được mệnh danh là vùng đất “bốn vua, hai chúa” (bốn vua: Tiền Lê, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn; hai dòng chúa: Trịnh, Nguyễn. Trong đó, ngoài di tích Lam Kinh - nơi phát tích của triều Tiền Lê, thì Thành nhà Hồ gắn liền với triều đại nhà Hồ cũng là một di tích nổi tiếng không thể bỏ qua.

Nằm cách TP.Thanh Hóa 45km, Thành nhà Hồ (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) là một công trình chính trị - quân sự kiên cố với kiến trúc bằng đá độc đáo, có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam lẫn cả vùng Đông Nam Á. Ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là một trong 62 di tích quốc gia đặc biệt.

Theo tư liệu, Thành nhà Hồ được xây vào năm 1397 dưới triều Trần, do Nhập nội phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương Hồ Quý Ly chỉ huy. 3 năm sau (1400) Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra triều đại nhà Hồ. Việc xây dựng thành là một những bằng chứng cho thấy ý định cướp ngôi của Hồ Quý Ly đã được chuẩn bị từ rất sớm (Thanh Hóa là quê hương của Hồ Quý Ly). Quả nhiên sau khi thành lập nhà Hồ, Hồ Quý Ly dời kinh đô về Thanh Hóa, gọi là Tây Đô, còn thành Thăng Long (Hà Nội) được đổi tên là Đông Đô.

* Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Thành nhà Hồ xây dựng ở vị trí đặc biệt hiểm yếu, nằm giữa 2 con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vây quanh là hệ thống núi non hiểm trở: Đốn Sơn, Yên Tôn, Hắc Khuyển, Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sĩ, Kim Ngọ, Ngưu Ngọa, Voi. Tuy nhiên, Tây Đô chỉ có lợi thế về phòng ngự quân sự, còn về ý nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa thì không thể so sánh với Thăng Long. Chọn Thanh Hóa làm thủ đô, có lẽ Hồ Quý Ly cũng nhận ra rằng lòng dân - nhất là ở Thăng Long, không ủng hộ triều đại nhà Hồ nên đã lui về Tây Đô. Ngoài ra, việc dời đô còn nằm trong chiến lược phòng thủ đối với nhà Minh.

Thành nhà Hồ tuân theo nguyên tắc thành lũy thời đó, gồm 2 lớp thành nội và thành ngoại. Thành ngoại đắp bằng đất với khối lượng gần 100 ngàn m3, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần 50m bao quanh. Thành nội gần như hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m, chu vi trên 3,5km, phía ngoài xây bằng đá, bên trong đắp đất được nện chắc, có bốn cửa: Nam, Bắc, Đông, Tây xây theo kiểu vòm cuốn. Điểm độc đáo của Thành nhà Hồ là được xây dựng bằng những khối đá rất lớn, mỗi khối nặng trung bình 10-16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép công phu, xếp đan xen theo kiểu “múi bưởi” tạo nên sự liên kết kiên cố để tránh rung chấn lớn như động đất, đặc biệt là không hề có chất kết dính.

Điều bất ngờ khác là quần thể Thành nhà Hồ với chu vi trên 3,5km, rộng khoảng 150 hécta được xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng, có thể thấy được sự tài hoa của đội ngũ “kỹ sư” cùng sự nhọc nhằn, vất vả của binh lính, người dân bị điều đi làm phu xây dựng thành. Cô Thủy, hướng dẫn viên tại di tích Thành nhà Hồ cho biết khi đào các hố thám sát tại di tích Thành nhà Hồ, có những nơi phát hiện hàng rổ xương ngón tay người, là “di tích” của phu xây dựng bị các phiến đá kẹp đứt ngón tay. Bao nhiêu binh lính, dân chúng đã đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí xương máu để xây dựng nên Thành nhà Hồ hùng vĩ trong thời gian ngắn như thế?

* Bài học lòng dân

Thành nhà Hồ gắn chặt với triều đại nhà Hồ. Về triều đại này, các nhà sử gia đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đánh giá “công và tội” của Hồ Quý Ly, người sáng lập ra vương triều Hồ.

Thực chất, ở giai đoạn cuối của triều đại nhà Trần đã bộc lộ hoàn toàn sự thối nát, mâu thuẫn và bất ổn trong xã hội, việc Hồ Quý Ly thay đổi triều đại đã suy tàn cũng là xu thế tất yếu chung của lịch sử. Từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới, Hồ Quý Ly đã thực thi hàng loạt chính sách cải cách toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục với những biện pháp mới mẻ, táo bạo nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng xã hội do triều Trần để lại. Nhà Hồ cũng bộc lộ rõ ràng lập trường không đầu phục nhà Minh, không chấp nhận làm tay sai cho chế độ quân chủ ở phương Bắc, đồng thời chuẩn bị cho cuộc đối kháng lâu dài thể hiện qua việc xây dựng Thành nhà Hồ. Trong 4 cửa của Thành nhà Hồ, cửa lớn nhất là cửa Nam (hướng về phía Nam). Vì sao cửa Nam được chọn là cửa chính? Đây là một trong những tư duy ngầm biểu thị tư tưởng chống lại sự lệ thuộc vào “Thiên triều” phương Bắc của các triều đại nước ta dưới thời phong kiến.

Theo sử sách ghi lại, Thành nhà Hồ có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... rất nguy nga, tráng lệ chẳng khác gì kinh đô Thăng Long. Ngoài ra, trong quần thể còn nhiều kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật, như: Đàn Nam Giao, đền nàng Bình Khương, đền thờ tướng quân Trần Khát Chân, đền Tam Tổng, đình Đông Môn, chùa Giáng, chùa Du Anh…

Trải qua 600 năm với nhiều biến động, Thành nhà Hồ hiện nay vẫn sừng sững với thời gian dù đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở. Những đoạn hào bao quanh thành cùng một số lũy ngoài cho đến nay vẫn còn. Tuy nhiên, các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại Đàn Nam Giao và đôi tượng rồng đá rất đẹp, dài 3,62m, dự đoán trước đây đặt trên nền chính điện nhưng hiện nay đôi rồng này đều bị chặt đầu mà không rõ nguyên nhân, để lại phía sau rất nhiều nghi vấn và lời đồn đoán.

Nhưng vì sao với những thành tựu đó, triều đại nhà Hồ vẫn sụp đổ, không được lòng dân ở trong nước dẫn đến thất bại trong công cuộc kháng chiến chống quân Minh? Có thể thấy, công lao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ to lớn của triều Trần trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đã trở thành “tượng đài” trong lòng dân, nên cách lật đổ nhà Trần để chiếm ngôi một cách bạo ngược mà không có sự làm công tác “tư tưởng” để dân chấp nhận triều đại mới, “danh không chính, ngôn không thuận” của Hồ Quý Ly đã khiến dân chúng bất bình, các sử gia cũng không công nhận tính chính thống của triều đại nhà Hồ. Trong cai trị, nhà Hồ cũng không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của dân, không biết khoan thư sức dân, thể hiện sự bạo ngược của nền quân chủ chuyên chế khi liên tục bắt binh lính, phu phen xây dựng các công trình, trong đó đỉnh cao là Thành nhà Hồ, bất kể đời sống người dân lúc ấy vô cùng khốn khó. Câu chuyện về nàng Bình Khương có chồng là Cống sĩ bị chết khi xây dựng Thành nhà Hồ, nàng đã đập đầu chết theo và được dân chúng lập đền thờ, phần nào cho thấy sự oán hận của người dân đối với công trình “thành xây xương lính, hào đào máu dân” của nhà Hồ.

Các hiện vật của di tích Thành nhà Hồ.
Các hiện vật của di tích Thành nhà Hồ.

Một yếu tố khác trong nguyên nhân thất bại của nhà Hồ, đó là không tin dân và không dựa vào dân. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần có thể nói là cuộc chiến của toàn dân, trong khi đó nhà Hồ hoàn toàn dựa vào thành lũy, vào sức mạnh quân sự (Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ Quý Ly đã nghiên cứu đúc được súng) để đối kháng với quân Minh, vì thế đã thất bại dù thế của quân Minh không thể mạnh bằng quân Nguyên Mông thuở trước. Đây là bài học trả bằng xương máu, bằng 20 năm nước ta bị nhà Minh đô hộ “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.

Không biết ngày xưa khi vất vả xây dựng thành, người dân đã oán hận ra sao, nhưng ngày nay di tích Thành nhà Hồ là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân Thanh Hóa. Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, Thành Nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật về tài hoa và trí tuệ của người dân Việt.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều