Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Tàu gỗ vượt đại dương

10:10, 19/10/2016

Góp phần to lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân năm 1975, những chiến sĩ của đoàn tàu không số Lữ đoàn 125 năm xưa đã làm nên nhiều chiến công huyền thoại.

Góp phần to lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân năm 1975, những chiến sĩ của đoàn tàu không số Lữ đoàn 125 năm xưa đã làm nên nhiều chiến công huyền thoại. Nếu việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng được thế vận cục diện chiến trường thì những thắng lợi của đoàn tàu không số khẳng định ý chí làm chủ biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tàu không số chở vũ khí vào miền Nam.
Tàu không số chở vũ khí vào miền Nam.

55 năm trước, bằng con tàu gỗ thô sơ nhỏ bé, những chiến sĩ đầu tiên của đoàn tàu không số dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đã chở 30 tấn vũ khí vượt đại dương cập bến Cà Mau an toàn, đánh dấu sự thắng lợi đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cà Mau gọi, chúng tôi trả lời

Đã bước sang tuổi 85, nhưng ông Huỳnh Văn Mười (còn gọi là Mười Tiến) vẫn nhớ rõ những ngày tháng chiến đấu ác liệt nhất trên tàu không số. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cựu thuyền trưởng tàu không số, Thiếu tá Huỳnh Văn Mười kể lại, cuối năm 1960, phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân miền Nam rộng khắp, nhất là sau phong trào đấu tranh ở Bến Tre bùng nổ. Trước nhu cầu vũ khí cho chiến trường miền Nam rất lớn và vô cùng cấp bách, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam bộ chuẩn bị bến bãi và đưa thuyền ra Bắc để tiếp nhận vũ khí, đồng thời nghiên cứu con đường vận chuyển chiến lược trên biển để sử dụng lâu dài.

Từ cuối năm 1961, đầu năm 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của các tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh (trong đó có thuyền gỗ Cà Mau do đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách) đã ra đến miền Bắc an toàn. Con đường vận chuyển trên Biển Đông khẳng định là “có thể đưa vũ khí vào được”.

Ngày 11-10-1962, con tàu gỗ đầu tiên có tên Phương Đông 1 do các đồng chí: Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên đã cùng 12 cán bộ, chiến sĩ xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng) hải trình vào Vàm Lũng (tỉnh Cà Mau). Trên con tàu gỗ nhỏ bé ấy chở 30 tấn vũ khí, đạn dược.

Ngày 23-10-1961, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Từ đây, những “đoàn tàu không số” đã vượt bao gian khổ, hiểm nguy để vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, đạn dược và 80 ngàn lượt cán bộ, tạo nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.

Trước ngày rời bến, Phó thủ tướng Phạm Hùng căn dặn: “Đây là chuyến đi cực kỳ quan trọng, nếu gặp địch phải mưu trí, khôn khéo, trường hợp xấu phải hủy hàng, hủy tàu để giữ bí mật con đường. Các đồng chí nên nhớ, người đi lo một, người ở nhà chờ tin lo mười”. Lời động viên của đồng chí Phạm Hùng vừa là mệnh lệnh vừa chân thành sẻ chia với các chiến sĩ trước khi vượt biển.

Trước ngày vượt biển, thuyền trưởng Một và mọi người đã thề vì Tổ quốc sẵn sàng hy sinh: “Ngay sau đây, cán bộ, chiến sĩ tàu Phương Đông 1 chúng tôi vượt biển, chở vũ khí, đạn dược cho miền Nam chiến đấu. Đây là con tàu đầu tiên. Cuộc chiến đấu này sẽ vô cùng khó khăn, gian khổ. Chúng tôi xin thề, sẽ quyết tâm vượt biển đưa 30 tấn vũ khí đến nơi an toàn. Cho dù phải hy sinh tính mạng, những tấn vũ khí này phải được chuyển vào Nam. Cà Mau gọi, chúng tôi trả lời”. 14 cán bộ, chiến sĩ bắt tay nhau siết chặt.

Theo kế hoạch, tàu Phương Đông 1 hải trình 5 ngày là đến Vàm Lũng, nhưng gặp sóng to, gió lớn và vòng trách tàu địch bố phòng tuần tra nên mất 9 ngày mới đến nơi. Ngày thứ 8, khi tàu đến vùng biển Cà Mau thì tàu địch bám theo rồi đánh điện hỏi: “Tàu nào? Từ đâu tới?”. Thấy không trả lời, chúng bắn pháo dữ dội. Thuyền trưởng Một đã lệnh cho tàu tăng tốc, chỉ huy bộ đội căng buồm hỗ trợ cho máy, lướt nhanh về phía trước. Một tổ chuẩn bị bom thủy lôi thả xuống biển, chờ tàu địch tới giật nổ. Tất cả vào vị trí chiến đấu, các loại súng AK, lựu đạn, bộc phá được huy động tối đa, trường hợp không thoát thì nổ 3 trái bom, hủy tàu.

“Trước tình thế hiểm nguy ấy, anh Một nói với anh Dĩa: nếu thủ tiêu tàu, anh em cắt dây nhảy xuống biển bơi vào bờ báo cáo với Trung ương, còn lại để tôi lo. Hành động dũng cảm của anh Một sau đó được phổ biến rộng rãi trong đội ngũ thuyền trưởng tàu không số. Tôi cũng học tập được nhiều kinh nghiệm vòng tránh tàu địch, thả hàng cập bến từ anh” - ông Mười Tiến kể lại

 Gần một đêm rượt đuổi trên biển, tàu Phương Đông 1 đã nghi binh cắt đuôi tàu địch, nhanh chóng vào bến. Trên con tàu gỗ đầu tiên nhỏ bé ấy, 30 tấn vũ khí đã được chở vào bến Vàm Lũng an toàn.

Đoàn tàu không số ra đời

Ngay sau khi chuyến tàu gỗ chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng an toàn, Quân ủy Trung ương tiếp tục triển khai những chiếc tàu của Đoàn 759 cải hoán thành tàu đánh cá. “Đây là những tàu không có số hiệu cố định. Sáng có số hiệu này, nhưng ngày mai lại mang số hiệu khác. Để tránh sự kiểm soát gắt gao của địch, cứ một chuyến đi biển tàu lại thay đổi màu sơn; có lúc phải thay đổi dọc đường vận tải. Lúc đó, các chiến sĩ giã lá xoan đắng, trộn với xi măng trát vào thành tàu. Đêm hành quân, ngày trà trộn vào tàu đánh cá của ngư dân địa phương để tránh bị phát hiện” - ông Mười Tiến cho biết.

Phát huy kết quả của Phương Đông 1, những con tàu thứ 2, 3, 4 tiếp nối chở vũ khí, đạn dược từ Bắc vượt đại dương vào bến bãi Cà Mau rồi chuyển cho chiến trận Khu 9 an toàn. Trên những con tàu đó là đội quân cảm tử “thà chết không lùi bước”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà các thuyền trường Lê Văn Một, Huỳnh Văn Mười là những người như thế.

“Sau chuyến vận chuyển vũ khí thành công vào bến Vàm Lũng an toàn, Bác Hồ đã gửi điện biểu dương khen ngợi Đoàn 759. “Các đồng chí hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc” - ông Mười Tiến nhớ lại.

Mai Thắng

Bài 2: Tiếp bước huyền thoại

 

Tin xem nhiều