Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tiếp bước huyền thoại

11:10, 21/10/2016

55 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và luôn tự hào là những người tiếp bước Đoàn tàu không số năm xưa.

55 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và luôn tự hào là những người tiếp bước Đoàn tàu không số năm xưa. Dù thời chiến hay thời bình, dù bảo vệ đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 hay trực chiến tại chỗ, trong bất kỳ tình huống nào họ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là những người lính ở đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ghe cá của ngư dân Bình Định cặp mạn tàu 624 xin cấp nước ngọt.
Ghe cá của ngư dân Bình Định cặp mạn tàu 624 xin cấp nước ngọt.

Đến thăm tàu 624, Hải đội 812, Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân trong những ngày đầu tháng 10-2016, khi CBCS trên tàu đang chuẩn bị cho chuyến đi biển mới, Thuyền trưởng, Đại úy Nguyễn Tấn Hạnh nói với chúng tôi: “Nhiệm vụ chính của lính hải quân là giữ gìn biển, đảo của quê hương. Khi có lệnh là ra khơi, bất kể nhiệm vụ gian khổ thế nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Dẫn chúng tôi chui xuống hầm máy tàu và khoang chứa vật chất cấp cứu, Đại úy Hạnh chỉ tay về phía chiếc băng ca rồi nói: “Ngoài lương thực thực phẩm và tư thế sẵn sàng chiến đấu, trên tàu luôn có cáng cấp cứu và thuốc men sẵn sàng, vì ra biển tất cả mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra. Cấp cứu ngư dân, bệnh nhân phải có cáng, vận chuyển bộ đội phải có xuồng. Trong điều kiện sóng gió giữa biển khơi, mọi công tác chuẩn bị phải chu đáo triệt để”.

Cho đến bây giờ, sau 26 năm thành lập, CBCS trên con tàu 624 không nhớ chính xác tàu đã hải trình được bao hải lý an toàn, bao lần đến điểm đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, bao lần cứu hộ cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển, song lần chuyển bệnh nhân từ Nhà giàn DK1/2 xuống tàu đi Trường Sa cấp cứu trong điều kiện sóng to gió lớn thì không thể nào quên.

“Trong đội tàu vận tải hùng hậu của Vùng 2 Hải quân, tàu 624 được mệnh danh là “cá kình” đầu đàn trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc. Dù neo đậu ở cảng, hải trình sông, hay lênh đênh trên biển xa, đảo vắng, chủ nhân trên con tàu ấy không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; mà còn tự hào là những người tiếp bước những con tàu không số của Lữ đoàn 125 Hải quân anh hùng” - Trung tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Hải đội 812, nói.

Đại úy Hạnh kể lại, khoảng thời gian này năm 2015, tàu 624 làm nhiệm vụ trực tuần tiễu canh gác tại vùng biển thềm lục địa phía Nam. Thời điểm đó sóng cấp 10, kèm theo gió mùa Đông Bắc tràn về làm cho sóng càng dữ dội. Con tàu 624 có trọng tải 450 tấn được mệnh danh “cá kình của biển” cũng phải chồm lên, ngụp xuống và cơ động chống sóng gió. Sóng to gió lớn không nấu được cơm, CBCS phải ăn lương khô, mì tôm trừ bữa. Có chiến sĩ vừa gắp đũa mì tôm lên miệng đã bị sóng đánh ngã nhào ngoài lan can. Nhiều chiến sĩ nôn thốc nôn tháo vì say sóng. Trong khi CBCS chuẩn bị bàn giao ca trực mới thì nhận được điện từ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân: “Trên nhà giàn có người đau tụy cấp, nếu để lâu tính mạng sẽ nguy kịch, lệnh tàu 624 bằng mọi cách đưa bệnh nhân đi Trường Sa cấp cứu”.

Sau khi hội ý ban chỉ huy, thống nhất phương án “vớt người”, thuyền trưởng lệnh tàu hạ xuồng, tổ cấp cứu vào nhà giàn đón bệnh nhân. Những con sóng lừng cao như mái nhà đổ ập vào mạn tàu, chiếc xuồng nhỏ bé bị sóng quật lên, dìm xuống. Ngày thường đưa người từ nhà giàn xuống tàu đã khó, sóng gió càng khó khăn hơn. Để bảo đảm an toàn, các chiến sĩ Nhà giàn DK1/2 đã dùng dây cao su cột chặt bệnh nhân vào cáng, một đầu cáng cột dây rồi thả xuống biển từ độ cao sàn công tác 13m. Trên nhà giàn, tất cả mọi người lo lắng, còn dưới xuồng, Thuyền trưởng Hạnh vừa lái xuồng lách sóng để tránh chui vào chân đế nhà giàn, vừa trấn tĩnh bộ đội bình tĩnh xử lý tình huống. Khi cáng bệnh nhân vừa chạm xuồng, bỗng một con sóng lừng đẩy cáng bệnh nhân ra xa. Nhanh như cắt, Đại úy Hạnh chụp đầu dây, rướn người kéo lại. “Cú” kéo ấy đỡ được cáng không rơi xuống biển, nhưng vai trái của anh bị giãn dây chằng. Sau khi bệnh nhân lên xuồng, Đại úy Hạnh tiếp tục chỉ huy tổ xuồng đưa người bệnh lên tàu an toàn trước khi trời tối.

“Trong nhiều lần cứu hộ cứu nạn, đó là lần tôi xúc động nhất. Giữa biển mênh mông, tính mạng con người nhỏ như hạt cát, nếu không nhanh trí thì cả bệnh nhân và tổ xuồng sẽ chìm xuống biển. Nhờ cấp cứu kịp thời, chiến sĩ ấy đã qua cơn nguy kịch và bây giờ đã phấn đấu thành quân nhân chuyên nghiệp” - Đại úy Hạnh kể lại.

Tự hào lính trẻ

Phòng truyền thống của Lữ đoàn 125 Hải quân trưng bày hàng trăm hiện vật, tư liệu lịch sử về Đoàn tàu không số. Có cuốn nhật ký của thuyền trưởng đã úa vàng, tập tài liệu không còn nguyên vẹn, chiếc mũ thuyền trưởng còn một nửa, chiếc áo thủy thủ rách phần yếm ngực. Đó là những chứng tích về chiến thắng hào hùng của những lần vượt biển, sự xả thân bất tử của đội cảm tử quân tàu không số mãi không bao giờ phai nhạt. Tất cả hiện vật, tinh thần chiến đấu quả cảm các chiến sĩ tàu không số năm xưa đang được các thế hệ CBCS Lữ đoàn 125 hôm nay lưu trữ để từ đó, tự hào tiếp bước.

Trung tá Phạm Văn Hùng, Chính trị viên Hải đội 812, cho biết: “Lữ đoàn 125 nói chung và CBCS Hải đội 812 nói riêng, luôn tự hào về truyền thống của đoàn tàu không số. Đây là dịp để chúng tôi ôn lại truyền thống chiến đấu, tinh thần dũng cảm của các thế hệ thuyền trưởng, chính trị viên ngày trước. Những chiến công của đoàn tàu không số năm xưa là hành trang để thế hệ chúng tôi hôm nay noi theo và tiếp bước”.

Tự hào được học tập, rèn luyện ở đơn vị 2 lần được phong anh hùng, chiến sĩ pháo thủ Phạm Hồng Hải thuộc tàu 624 chia sẻ: “Dịp kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi được giáo dục truyền thống của Lữ đoàn 125. Qua những câu chuyện kể, tôi xúc động và khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của những người lính đoàn tàu không số. Năm xưa, các bác, các anh hy sinh xương máu thì ngày nay chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn. Nếu phải hy sinh cho biển đảo quê hương yên bình, tôi sẽ sẵn sàng”.

55 năm trước, trên đường Hồ Chí Minh trên biển là những con tàu không số với những người lính Lữ đoàn 125 “thà chết không lùi bước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hôm nay, trên “con đường” ấy là những con tàu hải quân hiện đại của Lữ đoàn 125 với những thuyền trưởng sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, như: Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hạnh, máy trưởng Lê Thanh Hiền. 55 năm qua, dù sóng gió có lấp đi “con đường mòn” trên biển, nhưng tinh thần chiến đấu, ý chí kiên cường giữ biển, đảo của thế hệ cha anh mãi là sức mạnh để CBCS tàu 624 tiếp bước. Dẫu sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời bình không kém phần gian khổ và hy sinh, song các anh vẫn kiên trung tự tin tiếp bước huyền thoại đoàn tàu không số năm xưa.

Mai Thắng

 

 

 

Tin xem nhiều