Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngỡ ngàng trên đỉnh Phù Vân

10:12, 02/12/2016

Trong một dịp chuyện trò với vị sư già ở chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), lần đầu tiên tôi được nghe câu ca dao: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành". Và qua những câu chuyện của nhà sư kể, tôi hình dung ra một non cao Yên Tử từng có tên là Bạch Vân Sơn với "bốn mùa mây bay khói tỏa, bốn mùa trầm mặc linh thiêng"  chắc phải quanh năm bao phủ bởi làn mây trắng.

Trong một dịp chuyện trò với vị sư già ở chùa Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), lần đầu tiên tôi được nghe câu ca dao: “Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”. Và qua những câu chuyện của nhà sư kể, tôi hình dung ra một non cao Yên Tử từng có tên là Bạch Vân Sơn với “bốn mùa mây bay khói tỏa, bốn mùa trầm mặc linh thiêng”  chắc phải quanh năm bao phủ bởi làn mây trắng.

Một du khách từ Đồng Nai đang “lê lết“ chinh phục đỉnh Phù Vân. Ảnh: B.THUẬN
Một du khách từ Đồng Nai đang “lê lết“ chinh phục đỉnh Phù Vân. Ảnh: B.THUẬN

Thế nhưng, tôi thật hết sức bất ngờ khi bước chân đến di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử vào một ngày cuối thu rực rỡ nắng vàng, còn bầu trời thì xanh ngắt.

Non thiêng yên tử

Nghe kể rằng, trước đây việc hành hương lên non thiêng Yên Tử là một kỳ công. Bởi đỉnh Bạch Vân Sơn dù chỉ cao 1.068m so với mặt nước biển, nhưng khách hành hương phải lội suối, trèo đèo, băng rừng, vượt qua dốc đá với đoạn đường dài hơn 6 ngàn m mới lên đến đỉnh. Còn độ dài lộ trình để thăm viếng đủ 9 ngôi chùa, một tháp và 4 am thì tính ra phải đến 16.954m.

Bia chùa Đồng.
Bia chùa Đồng.

Người đi du ngoạn Yên Tử bây giờ rất khỏe, đường lên núi đã có 2 tuyến cáp treo, mới đến chân núi đã có xe điện chở vào khu vực ga cáp treo thứ nhất nằm cạnh chùa Giải Oan. Vậy mà vượt qua tuyến cáp treo Hoàng Long dài 1.294m để tản bộ một đoạn quanh Tháp Tổ, chùa Hoa Viên, thác Bạc, chùa Một Mái... nằm ở lưng chừng núi, tôi và những người bạn đồng hành mồ hôi nhễ nhại. Tiếp tục ngồi lên tuyến cáp treo thứ 2 có tên Bạch Long dài 879m mà thời gian ngồi trong cabin lại lâu hơn tuyến trước đến 5 phút để đến An Kỳ Sinh - nơi có tượng đá kỳ bí của một đạo sĩ Trung Hoa với những giai thoại truyền kỳ khá lạ lùng mà độ thực hư không xác định được.

Từ An Kỳ Sinh lên đến đỉnh núi chỉ còn đoạn đường 721m. Khoảng cách này tuy không dài nhưng chênh vênh trên độ cao 300m toàn dốc thẳng đứng, chỉ có đá và những vạt rừng trúc lúp xúp bao quanh. Vượt qua đoạn dốc này để lên đỉnh là một thử thách gay go, khiến không ít người phải bỏ cuộc giữa chừng. Chúng tôi phải động viên nhau, rồi vừa leo vừa thở bằng đủ mọi cách và… nghỉ mệt, gần một giờ sau cũng lên đến đỉnh núi Yên Tử.

Trên chóp đỉnh là chùa Đồng nổi tiếng, được khởi dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV) và được trùng tu vào năm 2007 thành một ngôi chùa hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, nặng 70 tấn có hình dáng một đài sen. Ngôi chùa đúc đồng với 5 ngàn chi tiết chạm khắc này được xem là chốn linh thiêng nhất trong non cao Yên Tử - nơi đất, trời và người hòa hợp (thiên - địa - nhân) với dưới chân là đất Phật, trên đầu là cổng trời. Do vậy, những ai đã vượt qua hàng ngàn bậc đá lên được đỉnh Yên Tử (còn được gọi là đỉnh Phù Vân, tức mây trôi lềnh bềnh, lãng đãng sương khói quanh năm) hầu như thảy đều ngất ngây trong tâm trạng “mênh mang mênh mang Phù Vân - Yên Tử ”…

Đạo pháp đồng hành dân tộc

Ngôi chùa Đồng trên đỉnh Phù Vân.
Ngôi chùa Đồng trên đỉnh Phù Vân.

Riêng tôi thấy mình có cái may mắn của một ngày cuối thu nắng đẹp, trời trong được đứng trên đỉnh Phù Vân nhìn thấy bức tranh kỳ vĩ vùng Đông Bắc Tổ quốc với phía xa xa là dòng sông Bạch Đằng lịch sử và cạnh kề đó là hình bóng thấp thoáng mấy hòn đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long… Và rồi cũng trong trời thu lung linh ánh nắng vàng trên non thiêng Yên Tử, tôi chợt “ngộ” ra được một điều vì sao vua Trần Nhân Tông sau 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông (năm 1285 và năm 1287) đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia lên Yên Tử tu hành. Các sử gia cho rằng: vua Trần đi tu không phải trốn đời mà để nhập thế cứu đời. Nhiều dẫn chứng cho thấy vị vua lên ngôi vua ở tuổi 20 đã biết tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của nước Đại Việt nhỏ bé để bảo vệ non sông trước đội quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thời bấy giờ; đặc biệt là đã hòa giải thành công nhiều vấn đề phức tạp sau chiến tranh để xây dựng Đại Việt thành nhà nước thịnh vượng, kiến tạo ra một thời kỳ rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. Và đến năm 35 tuổi, ngài từ bỏ ngai vàng với tâm niệm: “Làm vua chỉ chăn dân trăm họ, làm Phật cứu độ cả muôn loài” để chọn Yên Tử làm nơi kết nối muôn dân bằng tinh thần Phật giáo, dung hợp được các tông phái Phật giáo Đại Việt bằng thiền phái Trúc Lâm.

Tôi còn thấy ở Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập thiền phái Trúc Lâm một nhãn quan quân sự rất thiên tài khi chọn “cao điểm” 1.068m của non thiêng Bạch Vân Sơn với đỉnh Phù Vân mây nổi làm “con mắt” canh chừng biên cương phía Bắc. Phải chăng chính đây cũng là tư tưởng “đạo pháp gắn liền với dân tộc” của vị Đệ nhất Thiền sư khai sáng dòng Phật giáo nhập thế mang bản sắc Việt Nam?

Kỳ bí mai vàng yên tử

Bia chùa Đồng.
Bia chùa Đồng.

Trong không khí yên bình của ngày cuối thu, tôi còn nhận ra ở trên đỉnh Phù Vân một màu xanh tươi của rừng trúc. Loài trúc trên non cao này khá đặc biệt, thấp lùn nhưng mọc thẳng, bền bỉ và mang dáng thanh cao, tao nhã, cách nay hơn 700 năm từng được Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông lấy tên Rừng Trúc để đặt cho thiền phái của mình là Trúc Lâm. Cùng với những vạt trúc mọc thành rừng, tôi còn nhìn thấy một số cây sú, cây vẹt và trên các triền đá còn có cả dấu tích của vỏ ốc biển, vỏ sò… Lạ hơn nữa, tôi thấy… rêu vàng trên non xanh Yên Tử. Đã từng ngỡ ngàng nhìn thấy rêu đỏ bám trên những phế tích cổ xưa trong “thành phố ma” trên đỉnh Tà Lơn (Bokor) bên xứ Campuchia, tôi cũng không khỏi bất ngờ trước những mảng rêu vàng rực trên đỉnh Phù Vân.

Ngoài trúc xanh, rêu vàng, trên non thiêng Yên Tử còn có những loài thực vật quý hiếm, trong đó nổi bật là những cây sứ cổ thụ trồng quanh Huệ Quang kim tháp (được xem là tháp tổ, xây dựng năm 1309 để lưu giữ xá lỵ Phật hoàng sau khi ngài viên tịch), thâm u hơn là đoạn từ am Lò Rèn lên độ cao 200m được gọi là “con đường tùng” luôn rợp bóng bởi một rừng tùng cổ thụ trên 200 cây. Nhưng ấn tượng nhất về nơi ra đời của một thiền phái mang đặc tính Việt và từng là trung tâm Phật giáo của nhà nước Đại Việt là mai vàng Yên Tử. Mai vàng vốn là loài hoa tết của phương Nam nắng ấm, thế mà đã lặng lẽ hiện diện giữa non ngàn “bốn mùa mây bay khói tỏa” suốt hơn 700 năm qua để hình thành nên những quần thể “Hoàng Mai đại lão” kiên cường bám cheo leo bên vách đá, tỏa hương khoe sắc giữa mùa xuân.

Mấy năm gần đây, mai vàng Yên Tử được các nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật giúp nhà vườn hạ sơn loài mai độc đáo này ra khắp địa bàn phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công thuộc TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) - nơi trải dài khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều