Báo Đồng Nai điện tử
En

Máu đã đổ trên những cánh rừng

11:08, 21/08/2017

Để rừng không còn "cháy máu", máu của các cán bộ, nhân viên kiểm lâm đã phải đổ trên những cánh rừng. Đã có rất nhiều vụ chặt phá cây rừng, săn bắt động vật hoang dã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, nhưng vì nguồn lợi từ rừng mà nhiều đối tượng "lâm tặc" vẫn tìm mọi cách khai thác rừng.

Để rừng không còn “cháy máu”, máu của các cán bộ, nhân viên kiểm lâm đã phải đổ trên những cánh rừng. Đã có rất nhiều vụ chặt phá cây rừng, săn bắt động vật hoang dã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, nhưng vì nguồn lợi từ rừng mà nhiều đối tượng “lâm tặc” vẫn tìm mọi cách khai thác rừng. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải có giải pháp mạnh để giữ lại màu xanh của rừng.

Hạt Kiểm lâm Biên Hòa nhận cá thể cu ly người dân giao nộp. Ảnh: K.T
Hạt Kiểm lâm Biên Hòa nhận cá thể cu ly người dân giao nộp. Ảnh: K.T

Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo phát triển và bảo vệ rừng của tỉnh (nay là Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020) xác định phải tìm mọi cách để bảo vệ rừng trước sự xâm hại của “lâm tặc”. Thời gian qua, mặc dù có sự bảo vệ của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương, nhưng rừng vẫn bị “lâm tặc” tìm cách khai thác khiến rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”.

* Rừng vẫn “cháy máu”

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 50 vụ, 55 đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; chuyển cho các cơ quan khác xử lý 61 vụ, 57 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm: hơn 153m3 gỗ các loại; hơn 100 cá thể động vật các loại cùng nhiều dụng cụ và tang vật liên quan.

Đầu năm 2017, tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú (thuộc địa bàn huyện Định Quán), lực lượng kiểm lâm phát hiện có 8 cây gỗ trắc bị “lâm tặc” đốn hạ. Theo nhận định của cơ quan chức năng, bọn “lâm tặc” đã lợi dụng các cây gỗ trắc nằm rải rác trong rừng nên lén lút khai thác.

Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định được 3 nhóm đối tượng ngụ ở 2 huyện Định Quán và Xuân Lộc có liên quan đến việc chặt phá gỗ trắc; hiện cơ quan điều tra đang củng cố chứng cứ để xử lý các đối tượng này.

Trước đó, vào ngày 13-9-2016, Tổ kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng của huyện Vĩnh Cửu đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng Đỗ Văn Hạnh (25 tuổi) và Nguyễn Thanh Sang (26 tuổi), cả 2 đều ngụ xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), đang vận chuyển 1 cá thể tê tê nặng 3,5kg, 1 cá thể trăn nặng 6kg và 2 cá thể cheo cheo nặng 2,4kg.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố đối với 2 bị can Hạnh và Sang để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ đồng vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 129 vụ, 138 đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, đã khởi tố điều tra 8 vụ, 13 bị can về các hành vi: mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ…

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

* Máu của kiểm lâm đã đổ

Cuộc chiến với “lâm tặc” luôn là vấn đề “nóng” đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, lực lượng chính vẫn là đội ngũ kiểm lâm đang ngày đêm tuần tra kiểm soát, chốt chặn tại các vị trí xung yếu để bảo vệ rừng trước sự tàn phá của “lâm tặc”. Để giữ rừng, đảm bảo an toàn cho các loại động vật quý hiếm, đã có lúc máu của cán bộ kiểm lâm phải đổ.

Vào chiều 20-4, Tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên do ông Phạm Quốc Vinh (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Núi Tượng) làm tổ trưởng cùng với ông Vũ Văn Khôi (Trạm phó Trạm Kiểm lâm Núi Tượng) và 2 kiểm lâm viên Lê Quang Toàn, Đinh Sỹ Trí đang đi tuần rừng tại Tiểu khu 32, Vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc địa bàn xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) thì phát hiện một nhóm 4 người dắt theo 3 con chó xâm nhập rừng trái phép. Khi tổ tuần tra yêu cầu những người này dừng lại để kiểm tra thì họ bất hợp tác.

Ông Vinh chạy đến khống chế đối tượng đi sau cùng trong nhóm người xâm nhập rừng trái phép thì bị đối tượng này rút dao ra chống trả và đâm 2 nhát vào bụng.

Trước tình huống nguy hiểm ấy, lực lượng kiểm lâm nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo thì các đối tượng này bỏ chạy. Ông Vinh sau đó được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng. Sự việc đã được trình báo Công an huyện Tân Phú vào cuộc điều tra.

Ngoài vụ Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Núi Tượng Phạm Quốc Vinh bị đâm trọng thương, từ năm 2016 đến nay còn có 2 vụ chống người thi hành công vụ là lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xảy ra trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán.

Trước sự manh động của các đối tượng “lâm tặc”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết lợi nhuận từ việc khai thác rừng, săn bắt động vật rừng mang lại rất lớn nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp quy định của pháp luật mà tìm cách xâm nhập rừng để khai thác trái phép.

“Trong 1 đêm, một người nếu vận chuyển trót lọt 1 chuyến gỗ có thể kiếm được 6-7 triệu đồng. Chính vì lợi nhuận cao nên “lâm tặc” rất manh động và liều lĩnh. Có những lúc phát hiện có người xâm nhập vào rừng khai thác gỗ, chúng tôi đã huy động lực lượng chốt chặn hết các cửa rừng, nhánh sông, nhưng để bắt được các đối tượng lâm tặc cũng gặp rất nhiều khó khăn” - ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, để việc xử lý “lâm tặc” có hiệu quả hơn, lực lượng công an địa phương phải hỗ trợ đội ngũ kiểm lâm trong công tác điều tra, truy xét. Đặc biệt, đối với các vụ chống người thi hành công vụ là lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cần phải được xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.

Bàn về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng cho rằng tình trạng chống người thi hành công vụ là lực lượng quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua diễn biến khá phức tạp; các lực lượng chức năng đã vào cuộc nhưng kết quả vẫn chưa thực sự thuyết phục.

Trong khi đó, tình hình quản lý và bảo vệ rừng vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng quan ngại. Bên cạnh các đối tượng “lâm tặc” tìm cách khai thác rừng, các chủ hộ nhận quản lý rừng vẫn còn thiếu sự hợp tác; có nơi, có lúc còn xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm rừng, phản đối, chống đối lực lượng chức năng…

Ông Đặng Hồng Tăng cũng đề nghị các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng công an phải xử lý nghiêm và quyết liệt đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ. Đối với đội ngũ kiểm lâm, phải nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng; trong công tác tuần tra, xử lý phải nâng cao cảnh giác và phải thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp hơn.

Trần Danh

Tin xem nhiều