Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện 5 anh em mồ côi

07:10, 03/10/2017

Chuyện tình dở dang, bà Nguyễn Thị Phương gửi con trai Nguyễn Văn Đức cho mẹ ruột Nguyễn Thị Bình (ngụ huyện Cẩm Mỹ) nuôi dưỡng rồi đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Thọ Chín, lần lượt sinh thêm 4 cô con gái: Hương, Hợp, Hằng và Hà.

Chuyện tình dở dang, bà Nguyễn Thị Phương gửi con trai Nguyễn Văn Đức cho mẹ ruột Nguyễn Thị Bình (ngụ huyện Cẩm Mỹ) nuôi dưỡng rồi đi thêm bước nữa với ông Nguyễn Thọ Chín, lần lượt sinh thêm 4 cô con gái: Hương, Hợp, Hằng và Hà.

Vắng anh và chị, 2 em Hợp (phải) và Hằng tự học, chăm sóc nhau.
Vắng anh và chị, 2 em Hợp (phải) và Hằng tự học, chăm sóc nhau.

Cuộc sống khó nghèo cộng với bệnh tật, bà Phương và ông Chín lần lượt qua đời, bỏ lại 5 đứa con thơ. Câu chuyện 5 anh em mồ côi: Đức, Hương, Hợp, Hằng và Hà tự bảo bọc nhau ở cái xóm nhỏ thuộc tổ 7, ấp 10, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) đã làm nhiều người cảm động.

* Anh, chị là trụ cột

Nguyễn Thị Bình (bà ngoại của anh em Nguyễn Văn Đức) cho biết bà không muốn tách rời 5 anh em Đức ra mỗi đứa một nhà. Do bé Hà quá nhỏ (mất mẹ lúc mới 1 tuổi), cần có người lo lắng, chăm sóc kỹ hơn nên phải ở với bà và dì. Ngày Hương xa nhà đi học đại học, anh Đức thay em chăm sóc 2 em Hợp và Hằng. Trong tình cảnh ấy, bà và mọi người chỉ biết làm như vậy nên rất mong các cháu hiểu và thương yêu nhau hơn.

Ngày Nguyễn Thị Lan Hương (18 tuổi) rời mái nhà đầy ắp tình thương do cha mẹ để lại ở ấp 10, xã Xuân Tây để đến TP.Hồ Chí Minh học đại học thì vai trò trụ cột gia đình được giao cho người anh trai cùng mẹ khác cha.

Vốn là anh thợ hồ giỏi giang, anh Đức (28 tuổi) ngày đi làm, trưa ghé về nhà trông nom chuyện học hành của các em và không quên đèo sau xe máy bó lá cây, cỏ để chăm 3 con dê do chính quyền xã Xuân Tây hỗ trợ.

Anh Đức cho biết khi mẹ và cha dượng qua đời, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do Hương gánh vác. Còn anh ở với bà ngoại để trông nom ngoại già và bé Hà chỉ mới hơn 1 tuổi. Từ lúc mới học lớp 9, Hương đã tỏ ra là người chị lớn trong nhà, biết quán xuyến chuyện ăn ở, học hành của 2 em Hằng và Hợp trong ngôi nhà do mẹ và cha dượng để lại.

Trời còn sớm tinh mơ, Hương đã thức dậy lo bữa sáng cho 2 em để kịp giờ đến trường. Tan buổi học, Hương không về nhà mà đến tiệm bánh phụ việc để kiếm tiền. Xong việc ở tiệm bánh, Hương còn nhận việc bóc vỏ trứng kiếm thêm thu nhập.

Khi chưa làm ở tiệm bánh, Hương làm rất nhiều việc tạm bợ để có thu nhập lo cho 2 em, như: phụ việc tại các quán ăn, đám cưới; nhận hạt điều về bóc vỏ… Dù bận rộn việc học hành và chăm em, mỗi tháng Hương cũng kiếm được gần 2 triệu đồng.

Nay Hương vào đại học, anh Đức phải để bà ngoại và em Hà cho người dì ruột (chị bà Phương) chăm sóc, còn anh đến nhà mẹ chăm sóc 2 em Hợp và Hằng ăn học. Anh Đức bộc bạch, do học không giỏi nên mới đến lớp 7 thì anh nghỉ học. Trong khi đó, 4 người em gái: Hương, Hợp, Hằng và Hà đều học giỏi, ngoan ngoãn nên anh cố gắng làm lụng để thay mẹ và dượng chăm lo cho các em khi Hương đi học xa nhà.

Đi học về, em Hằng (lớp 7) lại phụ các anh chị lấy lá, cỏ cho dê ăn.
Đi học về, em Hằng (lớp 7) lại phụ các anh chị lấy lá, cỏ cho dê ăn.

* Ước mơ mồ côi

Dù mồ côi cha mẹ, cuộc sống vật chất thiếu thốn, nhưng 4 người em của anh Đức đều là học sinh giỏi qua các năm học. Ngày Hương vào đại học thì Hợp lên lớp 10, Hằng lên lớp 7 và Hà lên lớp 3. Nhờ học giỏi, cả 4 em gái mồ côi của anh Đức đều được học bổng khuyến học của trường, xã và các tổ chức xã hội.

Anh Đức tâm sự, 3 em gái: Hương, Hợp và Hằng của anh đều được tài trợ học bổng từ cấp học phổ thông đến đại học. Nhờ học bổng, tiền phụ cấp hàng tháng (dành cho trẻ mồ côi) và sự giúp đỡ thường xuyên của chính quyền, xã hội mà 3 em: Hợp, Hằng và Hà không phải vất vả như Hương trước đây, phải vừa học vừa làm.

Hương đi học xa nhà, quyền giữ túi tiền của gia đình được anh Đức giao cho em Hợp quản lý, sử dụng chi tiêu.

Em Hợp cho biết tiền học bổng, trợ cấp xã hội của 3 chị em mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng. Số tiền này cộng với tiền làm thuê của anh trai Đức và gạo, quà trợ cấp từ các tổ chức, đoàn thể, chính quyền, 3 chị em Hợp đủ gói ghém cho cuộc sống và chuyện học tập. Tuy vậy, mỗi ngày Hợp chỉ dám chi 50 ngàn đồng cho mọi sinh hoạt trong nhà.

Vì chăm sóc các em, ước mơ làm chiến sĩ Công an nhân dân của Hương phải gác lại để tương lai trở thành nữ bác sĩ thú y (Hương đang học Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh). Tuy vậy, Hợp vẫn đang viết tiếp ước mơ trở thành chiến sĩ công an thay chị Hương khi em đang bước vào lớp 10 với thành tích 9 năm liền là học sinh giỏi. Còn em Hằng thì mơ ước được làm cô giáo trường làng để dạy dỗ các em nhỏ có hoàn cảnh như mình. Trong khi đó, bé Hà còn quá nhỏ nên chỉ mong muốn được tiếp tục đến trường như các chị.

Để tiếp sức cho ước mơ của 5 anh em Đức, chính quyền xã Xuân Tây và Ban điều hành ấp 10 quyết định cấp 3 con dê giống cho anh em Đức nuôi. Biết anh em Đức không có điều kiện làm chuồng, Đoàn thanh niên ấp, xã đi vận động cây, tôn về làm chuồng. Nay 3 chú dê đã mang thai và hứa hẹn một đàn dê nho nhỏ để các em viết tiếp ước mơ dưới sự dìu dắt của anh Đức.

Ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng quá cố Phương - Chín nơi vườn rẫy tổ 7, ấp 10, xã Xuân Tây ngày càng ấm lên tình thương yêu và khát vọng. Ông Cao Đại Thành, Trưởng ấp 10, xã Xuân Tây, ví von 5 anh em Đức như chồi non mọc lên từ cây già được cưa tỉa. Những cái chồi non ấy được sự chăm sóc, chở che tốt của xã hội và chính quyền sẽ vững chãi, giá trị không thua kém thời xuân son so với cây cha mẹ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều