Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi trẻ Chơro sẵn sàng vì Tổ quốc

07:03, 05/03/2018

Chỉ còn 2 ngày nữa, các thanh niên: Thổ Tường, Thổ Ngọc Tuấn và Thổ Bình (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) lên đường nhập ngũ. Cả 3 bạn trẻ vẫn đang cố gắng tranh thủ những ngày ngắn ngủi còn lại phụ giúp gia đình việc nương rẫy.

Chỉ còn 2 ngày nữa, các thanh niên: Thổ Tường, Thổ Ngọc Tuấn và Thổ Bình (ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) lên đường nhập ngũ. Cả 3 bạn trẻ vẫn đang cố gắng tranh thủ những ngày ngắn ngủi còn lại phụ giúp gia đình việc nương rẫy.

Ra quân, cựu quân nhân Thổ Hiền (phải) lập nghiệp bằng việc buôn bán tại chợ Bảo Vinh để tích lũy vốn nuôi giấc mơ làm ông chủ nhỏ.
Ra quân, cựu quân nhân Thổ Hiền (phải) lập nghiệp bằng việc buôn bán tại chợ Bảo Vinh để tích lũy vốn nuôi giấc mơ làm ông chủ nhỏ.

Xã Bàu Trâm giàu truyền thống cách mạng, những người con Chơro tại các khu định canh - định cư 2 ấp Bàu Sầm và Bàu Trâm bao năm nay vẫn nối tiếp nhau làm nhiệm vụ vẻ vang của tuổi trẻ khi có lệnh nhập ngũ. Người có uy tín Thổ Thân (ngụ ấp Bàu Sầm) khoe cháu ngoại của ông (Thổ Tường) tình nguyện nhập ngũ đợt này làm ông rất vui. Nếu Thổ Tường đi bộ đội và được phục vụ lâu dài trong quân đội, ông mừng hơn cả chuyện nhà có nhiều lúa và trâu, bò.

* Lời đóng đinh

Học hết lớp 9, Thổ Tường ở nhà phụ giúp cha mẹ (ông Thổ Ngân và bà Thị Bé) làm rẫy để nuôi em. Năm 18 tuổi, Thổ Tường trổ mã thành chàng trai Chơro sức vóc vạm vỡ nên giúp ông Thổ Ngân được nhiều việc nhà và điều khiển chiếc máy xới để xới đất, chở hàng thuê.  Ông Thổ Ngân luôn hãnh diện với dân làng Chơro trong khu định canh - định cư ấp Bàu Sầm vì có con trai khỏe mạnh, ngoan hiền và hiếu thảo.

Người có uy tín Thổ Thân (ngụ ấp Bàu Sầm, xã Bàu Trâm) chân chất tâm sự rằng thanh niên Chơro trong khu định canh - định cư của ông sau khi đi bộ đội về ai cũng “bảnh” (giỏi) hết. Đó là điều làm ông  mừng, tự hào cho tuổi trẻ Chơro khi ghi tên mình vào danh sách tòng quân, xứng đáng với niềm tin của dân làng Chơro và sự mong đợi của chính quyền: “Tự hào lúc đi và hãnh diện khi trở về”.

Mùa tuyển quân năm 2018, Thổ Tường bước vào tuổi 19. Khi hay tin con trai có đơn tình nguyện nhập ngũ, ông Thổ Ngân ít nhiều có sự phân vân, nhưng được cha vợ (ông Thổ Thân, người có uy tín của ấp) phân tích thì ông bớt buồn và thêm vui. Vì vậy, khi ngày nhập ngũ cận kề, Thổ Tường chưa chịu ở nhà nghỉ ngơi mà vẫn quyết theo cha thu hoạch xong ruộng lúa vụ đông - xuân đang chín vàng.

Ông Thổ Thân nói với chúng tôi, khi Thổ Tường đủ điều kiện nhập ngũ trong lần khám sức khỏe năm rồi, ông đã vận động con viết đơn tình nguyện, rồi ông đem đọc trước dân làng để thông báo cho mọi người biết chuyện Thổ Tường đi bộ đội đợt này là sự thật, lời Thổ Tường đã hứa, quyết tâm với dân làng, chính quyền, đoàn thể như cây đinh đóng chắc vào thân cây, không thể rút ra. Do đó, đợt này Thổ Tường trúng tuyển nghĩa vụ là tự nguyện nhập ngũ, không trốn tránh vì bất cứ lý do nào hết.

Dân làng Chơro xã Bàu Trâm nhiều đời nay luôn biết giữ lời hứa, lời thề với Đảng, với chính quyền và dân làng. Ngày dân làng Chơro bị kẻ thù dồn ép vào ấp chiến lược, hay xua đuổi vào rừng sâu vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Nay nước nhà độc lập, tự do và xã Bàu Trâm hoàn thành nông thôn mới nên con em Chơro của xã càng có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Năm 2018, xã Bàu Trâm có 17 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, trong đó có 3 thanh niên là con em đồng bào Chơro tại 2 ấp Bàu Trâm và Bàu Sầm lên đường nhập ngũ đợt này.

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Bàu Trâm Nguyễn Sỹ Dũng cho hay đợt này xã được TX.Long Khánh giao chỉ tiêu thanh niên nhập ngũ cao nhất so với các năm. Dù chỉ tiêu giao cao, nhưng xã vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Đó là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác vận động thanh niên nhập ngũ từ các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ấp đến xã, người có uy tín và gia đình thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ.

Hạn chế các cuộc vui với bạn bè sau ngày tết, chàng trai Chơro Thổ Bình (19 tuổi) chỉ dám quẩn quanh khu định canh - định cư để giữ sức khỏe chờ lệnh lên đường khi ngày nhập ngũ cận kề.

Thổ Bình cho biết trong tết anh đã chấm dứt việc đi khoan giếng thuê xa nhà. Để có tiền phụ giúp cha mẹ trước ngày lên đường tòng quân, Thổ Bình vẫn nhận công việc thu hoạch lúa, tiêu thuê. “Tôi vui vì những ngày qua liên tục được các cô chú trong ấp, xã và người già trong làng liên tục đến nhà thăm hỏi động viên. Còn chuyện kinh tế gia đình, hiện có cha gánh vác, các đoàn thể giúp đỡ nên tôi rất yên tâm” - Thổ Bình tâm sự.

* Tiếp bước đàn anh

Cựu quân nhân Thổ Hiền (ngụ ấp Bàu Sầm) được đồng bào Chơro và thanh niên trong khu định canh - định cư ấp Bàu Sầm ngưỡng mộ sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về.

Người có uy tín Thổ Thân (giữa) nhiệt tình cùng Ban điều hành ấp Bàu Sầm, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã tuyên truyền về nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ.
Người có uy tín Thổ Thân (giữa) nhiệt tình cùng Ban điều hành ấp Bàu Sầm, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã tuyên truyền về nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ.

Vốn là chàng trai Chơro giỏi giang từ nhỏ, xuất ngũ trở về, Thổ Hiền bám chợ Bảo Quang cùng mẹ già bán gà vịt, cá đồng. Mỗi ngày từ 3 giờ sáng anh đã thức dậy, ra chợ làm gà, vịt bỏ cho các mối quen. Trời bắt đầu hửng nắng, Thổ Hiền giao sạp hàng cho mẹ buôn bán để đi kéo cá mua từ các ao nuôi của người dân đem về bỏ mối, bán lẻ. Sau chục năm bám chợ Bảo Quang mưu sinh, Thổ Hiền đã dành dụm được số vốn kha khá cho riêng mình, nhưng anh vẫn là chàng Chơro kén vợ dù nay đã 32 tuổi.

Anh Thổ Hiền tỏ bày lúc chưa đi bộ đội, anh còn làm dân quân thường trực xã nên chẳng làm được gì nhiều để giúp gia đình, vì suy nghĩ còn nông cạn. Nhờ môi trường bộ đội mà anh biết nghĩ suy, tính toán cách thức làm kinh tế phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình. Hiện anh ấp ủ giấc mơ làm chủ nhà máy xay xát lúa gạo, chủ tiệm mộc nhỏ để tạo việc làm cho thanh niên.

Cựu quân nhân Thổ Thanh Thủ (ấp Bàu Trâm) cũng là một gương sáng để lớp đàn em Chơro trong làng, khu định canh - định cư học tập. Xuất ngũ về, anh Thủ vẫn tham gia công tác ở Ban Chỉ huy quân sự xã và được địa phương tạo điều kiện cho đi học trung cấp thú y. Học xong, anh Thủ được một công ty lớn về chăn nuôi ở tỉnh Bình Dương mời về làm việc với lương 10 triệu đồng/tháng nên Ban Chỉ huy quân sự xã và địa phương tiếp tục tạo điều kiện. Qua điện thoại, anh Thủ bộc bạch nhờ môi trường quân đội mà tuổi trẻ Chơro có điều kiện tốt để chứng tỏ bản lĩnh, định hướng tương lai, nghề nghiệp tốt nhất.

Với hơn chục quân nhân xuất ngũ trở về mỗi năm, chính quyền xã Bàu Trâm cùng với quân đội, Nhà nước tạo điều kiện phát huy sức trẻ, nghề nghiệp. Với các quân nhân dân tộc Kinh hay Chơro ở xã Bàu Trâm sau khi rời quân ngũ, câu chuyện lập thân, lập nghiệp ngày trở về thành công mãi là tấm gương, sự ngưỡng mộ của thế hệ thanh niên, như: Thổ Tường, Thổ Ngọc Tuấn và Thổ Bình chuẩn bị vác ba lô lên đường tòng quân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều