Báo Đồng Nai điện tử
En

Để rừng xanh mãi

10:01, 18/01/2019

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) có diện tích khoảng 120 ngàn hécta trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom. Trong đó, 3 xã: Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) nằm trọn trong vùng đệm của Khu bảo tồn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) có diện tích khoảng 120 ngàn hécta trải rộng trên địa bàn nhiều xã thuộc các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom. Trong đó, 3 xã: Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) nằm trọn trong vùng đệm của Khu bảo tồn.

Kiểm lâm viên Hoàng Văn Phong và Nguyễn Vĩnh Trường (Trạm kiểm lâm Suối Ràng) tuần tra rừng.
Kiểm lâm viên Hoàng Văn Phong và Nguyễn Vĩnh Trường (Trạm kiểm lâm Suối Ràng) tuần tra rừng.

Với nhiều nỗ lực, rừng Khu bảo tồn càng được giữ gìn, không bị tác động tiêu cực. TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn khẳng định, đó là nhờ sự phối hợp tốt giữa Khu bảo tồn với các địa phương trong mục tiêu bảo vệ rừng, đảm bảo đời sống, thu nhập cho người dân vùng đệm và lòng hồ Trị An.

* Màu xanh cuộc sống

Ông Nguyễn Văn Ngoan, Phó trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 3, xã Mã Đà bộc bạch, đường rừng nối với trung tâm xã, các ấp, khu dân cư nay đã được đầu tư, đổ đá cấp phối tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn; đồng thời cũng giúp cho công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, phòng chống cháy rừng dễ dàng hơn.

Để tạo điều kiện cho người dân sinh sống nơi vùng đệm, hằng năm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hỗ trợ cho 12 câu lạc bộ xanh tại các ấp của xã vùng đệm 40 triệu đồng/câu lạc bộ để sửa chữa đường, khoan giếng, xây dựng các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, đơn vị còn hỗ trợ địa phương có quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học; cấp học bổng cho học sinh nghèo, trao nhà tình thương cho hộ nghèo...

Bám rừng Mã Đà lập nghiệp từ năm 1983, ông Ngoan nếm trải đủ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống vì bệnh tật, đói kém của người dân đi rừng. Hết giai đoạn cưa củi, đốt than thuê cho các đơn vị khai thác rừng để xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An, ông Ngoan và nhiều người dân đến từ các tỉnh miền Tây, miền Bắc chuyển sang nghề đánh bắt cá nơi lòng hồ Trị An khi công trình Nhà máy thủy điện Trị An hoàn thành.

Mực nước lòng hồ Trị An ngày một dâng cao, lấn dần phần diện tích sản xuất, ông Ngoan cứ vậy dời chòi lên mé rừng để ở và trồng trọt. Năm 2000, cây xoài và cây ăn trái bắt đầu được nông dân xã Mã Đà trồng đại trà. Nhờ vậy, cuộc sống của dân rừng Mã Đà bắt đầu đổi thay, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Bà Lê Thị Ngọc Nga, Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết, với nỗ lực của Khu bảo tồn, chính quyền địa phương, người dân sinh sống nơi vùng đệm đã chuyển những vùng đất xấu trồng mía, mì, bắp sang trồng cây ăn trái, cây có múi, giúp cho nhà nông thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng/hécta/năm. Cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm... được tỉnh, huyện, xã đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới nên cuộc sống của người dân sinh sống nơi vùng đệm ngày càng khá giả, phát triển.

Là người con của rừng già Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm, già làng Năm Nổi (ngụ xã Phú Lý) bộc bạch: “Từng chứng kiến sự hoang tàn của những cánh rừng già Khu bảo tồn bị chiến tranh và bàn tay con người vì miếng cơm manh áo mà tàn phá, nay thấy rừng già được phục hồi màu xanh, cuộc sống của người dân trong vùng đệm ngày càng ổn định sung túc, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, chung tay bảo vệ rừng nên lòng già rất vui”.

* Góp sức giữ rừng

Tiếng quốc ca vang lên giữa không gian yên tĩnh của Trạm kiểm lâm Trung ương Cục làm cho buổi lễ kết nạp Đảng cho 2 kiểm lâm viên Nguyễn Hoàng Phương (Trạm kiểm lâm Suối Ràng) và Trần Quốc Tuấn (Trạm kiểm lâm Dakinde) thêm ý nghĩa. Anh Tuấn bộc bạch, năm 2016, anh được Khu bảo tổn tuyển dụng và phân công về Trạm kiểm lâm Dakinde công tác. Tại đây, anh được các kiểm lâm viên đàn anh dìu dắt từng bước chân, kinh nghiệm tuần tra rừng, giao tiếp với người dân. Nhờ vậy, anh sớm trưởng thành, tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm trong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nay tự hào được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Tuyến đường sáng- xanh - sạch - đẹp ở ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Tuyến đường sáng- xanh - sạch - đẹp ở ấp 2, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).

“Lời thề của các đảng viên trẻ luôn nhắc nhở mỗi người khi chọn nghề kiểm lâm phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng bảo vệ rừng trong mọi tình huống” - ông Thái Ngô Đức, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Suối Cốp chia sẻ.

Gần 30 năm gắn bó với những cánh rừng già Khu bảo tồn, ông Đức hiểu khá rõ về đời sống của người dân nơi vùng đệm thuộc các cánh rừng mình quản lý. Ông Đức cho biết trước kia vì cuộc sống khó khăn nên người dân ở vùng đệm hay lén lút vào rừng để khai thác tài nguyên rừng như: hái ươi, chặt mây, săn bẫy thú nhỏ... Nay đời sống của người dân khá hơn nhờ chính sách hỗ trợ vốn, an sinh xã hội của địa phương, của Khu bảo tồn nên vấn đề xâm hại rừng, động vật rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của người dân được hạn chế tối đa.  Đặc biệt, việc xây dựng thành công nông thôn mới của chính quyền các xã vùng đệm thật sự giúp cho người dân vùng đệm an cư, lập nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.

Ông Năm Hòa (ấp 5, xã Mã Đà) là một người tích cực tham gia Câu lạc bộ xanh của ấp, nhận công việc phòng chống cháy rừng mùa nắng, phát dọn thực bì cho Trạm kiểm lâm Rang Rang. Ông Năm Hòa bày tỏ, càng gắn bó với rừng ông càng thấy rõ lợi ích từ rừng mang lại cho cuộc sống của người dân vùng đệm. Đó là môi trường sống trong lành, lý tưởng mà không phải nơi nào cũng có, khu dân cư an ninh trật tự, tình người thân thiết.

Vào mùa xuân khi cây rừng thay áo mới, trên những tuyến đường ven rừng các xã vùng đệm Hiếu Liêm, Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) xuất hiện thêm nhiều căn nhà mới. TS.Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn trải lòng: “Rừng sẽ xanh hơn khi mỗi người dân cũng là người bảo vệ rừng và chính sách phát triển, bảo vệ rừng, sự đa dạng sinh học của rừng hài hòa với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh của các xã vùng đệm”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều