Báo Đồng Nai điện tử
En

Các em trở thành người lương thiện là món quà lớn nhất

11:03, 06/03/2015

Cô nhi viện Hoa Mai (xã Long Phước, huyện Long Thành) thành lập được 21 năm thì cô Phan Thị Thới có 17 năm gắn bó và đến nay cô nhi viện đã là mái nhà cho hàng trăm em thiếu nhi mồ côi, lang thang cơ nhỡ.

Ra đời từ năm 1994 do một người Pháp hảo tâm sáng lập - ông Olivier Rodien, Chủ tịch Tổ chức Montlucon, tập hợp những tấm lòng nhân ái của bạn bè quốc tế giúp đỡ nhân dân Việt Nam. Cô nhi viện Hoa Mai (xã Long Phước, huyện Long Thành) thành lập được 21 năm thì cô Phan Thị Thới có 17 năm gắn bó, và đến nay cô nhi viện đã là mái nhà cho hàng trăm em thiếu nhi mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Trẻ mồ côi trong viện hết lớp này, lớp khác lớn lên, học hành, có việc làm, về thăm lại viện đến những em vẫn còn sinh sống, học hành trong viện đều gọi cô là “mẹ Thới”.

“Mẹ Thới” cùng các em nhỏ tại Cô nhi viện Hoa Mai.
“Mẹ Thới” cùng các em nhỏ tại Cô nhi viện Hoa Mai.

Về với viện từ năm 1998, từ những năm đầu khi cô nhi viện mới được thành lập đầy khó khăn, ngày ngày “mẹ Thới” phải đạp xe từ thị trấn Long Thành xuống xã Long Phước. Cho đến nay, khi số lượng trẻ tăng thêm, cô nhi viện mỗi tháng phải xoay xở với khoản trợ cấp không lớn, bà Thới đi gõ cửa từng nơi để viện có thêm nguồn kinh phí. 9 năm nay, vừa chăm lo cho viện, vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư vú, bà Thới vẫn lạc quan. Với bà Thới, hạnh phúc lớn nhất là góp phần dìu dắt và chứng kiến các em trong Cô nhi viện Hoa Mai khôn lớn, trở thành người lương thiện.

* Làm từ thiện, cần sự minh bạch

 Cơ duyên nào khiến bà gắn bó với Cô nhi viện Hoa Mai 17 năm nay?

- Tôi xuất thân từ một cán bộ nhà nước tại huyện Long Thành, năm 1998 do có kinh nghiệm trong công tác chăm sóc trẻ em nên được phân công về quản lý cô nhi viện. Lẽ ra, tôi nghỉ hưu từ năm 2008, nhưng còn đảm đương công việc được nên tôi vẫn làm.

Công việc nào cũng có vui buồn lẫn lộn. Khi tôi về nhận công tác, cô nhi viện còn rất nghèo. Bản thân ông Olivier cũng không khá giả, phải vận động nhiều nguồn để duy trì hoạt động của Cô nhi viện Hoa Mai nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Khi tiếp nhận công việc, tôi cũng đau đầu trong việc tìm nguồn tài chính hỗ trợ thêm vì số trẻ đến với cô nhi viện ngày càng tăng. Nhu cầu chi tiêu cho các em luôn vượt gấp 2-3 lần số tiền nhận được từ Pháp. Nhưng rồi với sự hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể trong huyện cùng các doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi cũng xoay xở được. Hiện tại, cô nhi viện chăm lo ăn mặc các khoản chi cho các em đến trường từ lớp 1 đến hết đại học nếu các em có khả năng.

Xã hội hiện tại có rất nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện, đôi khi trở nên thiếu kiểm soát và thiếu hiệu quả. Hoạt động trong lĩnh vực này khá lâu, theo bà, nên làm thế nào để các hoạt động quyên góp và sử dụng các nguồn quyên góp một cách hiệu quả và gây được niềm tin cho các mạnh thường quân?

- Xã hội luôn cần đến sự gánh vác và sẻ chia để những con người dù xuất thân ra sao cũng có cơ hội học hành, thay đổi số phận. Mục đích của cô nhi viện cũng chỉ hướng đến điều đó. Tôi hiểu rằng, hoạt động từ thiện hiện tại nảy sinh rất nhiều, và cũng có nhiều hệ lụy đi theo đó nếu các hoạt động quyên góp và sử dụng tiền thiếu minh bạch. Do đó, chúng tôi luôn công khai, minh bạch các khoản quyên góp với các mạnh thường quân. Tôi thường chọn cách gửi thư ngỏ, mời họ đến chơi, trò chuyện với các em và quyết định hỗ trợ hay không là ở họ, nhưng trước tiên, phải cho họ thấy được chúng tôi làm việc có tâm. Một khi đã nhận hỗ trợ từ các nguồn, chúng tôi có nghĩa vụ sử dụng hợp lý và minh bạch, đúng mục đích. Chúng tôi ý thức rõ, nếu có điều gì không minh bạch từ phía những người điều hành cô nhi viện, chính các em sẽ chịu thiệt thòi.

 Bà chọn điều gì là điều quan trọng nhất khi dạy dỗ các em có hoàn cảnh đặc biệt tại Cô nhi viện Hoa Mai?

- Tôi may mắn được nhiều người chung tay hỗ trợ. Từ các đồng sự đến các mạnh thường quân, chính quyền. Tôi vui khi trẻ được khen ngoan, khen giỏi. Tôi cũng vui khi các em chịu học hành. Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn truyền đến các em là sự lương thiện và tình yêu lao động. Chỉ khi ý thức được sự quý giá của lao động thì các em mới có thể thành người tử tế.

* Gieo điều thiện là gieo hạnh phúc

 Điều khó khăn, trăn trở nhất của bà sau 17 năm gắn bó với cô nhi viện ?

Tôi là một người mẹ và là một người phụ nữ. Có thể nói, gắn bó được lâu với Cô nhi viện Hoa Mai, ngoài những nỗ lực thuần túy về lý trí, còn do bản năng của một người mẹ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy để cảm hóa các em, không gì bằng tình thương và sự chân thành. Trẻ em rất nhạy cảm, một chút khéo léo giả dối cũng khiến các em phản ứng. Có thể nghiêm khắc dạy dỗ, phạt nếu các em hư, nhưng nhất thiết phải bằng tấm lòng của một người mẹ, một người phụ nữ.

- Cái khó nhất vẫn là dạy dỗ các em thành người. Cơm ăn, áo mặc dù có khó khăn, chúng tôi vẫn xoay xở tìm nguồn trợ giúp được, nhưng gần gũi và dạy dỗ các em từ sơ sinh đến khi trưởng thành luôn là điều làm tôi và nhiều đồng sự trăn trở nhất. Các em đến với cô nhi viện có nhiều hoàn cảnh. Em thì mồ côi do mẹ bị lạm dụng tình dục sinh ra, em thì lang thang cơ nhỡ, có em vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ tuổi xử lý hình sự... Dạy dỗ và cảm hóa các em không dễ. Có những bé bị bỏ rơi từ sơ sinh, lớn lên luôn nghĩ các mẹ trong Cô nhi viện Hoa Mai là gia đình, nhưng khi đi học nhận thức được sự khiếm khuyết của mình thì hụt hẫng, đổi tính, lì lợm không nghe lời. Chúng tôi cùng các em trải qua tất cả những giai đoạn khó khăn đó, có lúc thấy bất lực đến nỗi muốn bỏ nghề. Nhưng rồi những quả ngọt lại làm chúng tôi thấy mình lạc quan trở lại. Nhiều em ngoan ngoãn, học hành thành đạt, có việc làm, tự lập được… Đó là những món quà lớn nhất mà chúng tôi có được trong nghề.

 Và bà tự hào vì điều gì nhất?

- Tôi chủ trương là các em yêu thích nghề gì thì cho các em theo học ngành đó. Nhiều khi chúng tôi vừa mừng vừa lo khi các em đậu cao đẳng, đại học... vì chi phí không rẻ. Nhưng nếu không cố gắng tạo điều kiện cho các em học hành thì khó nói đến chuyện tương lai. Do đó, chúng tôi nỗ lực để nhiều em được học hành đến nơi đến chốn. Hiện nhiều em xuất thân từ Cô nhi viện Hoa Mai đã trở thành người tốt, hoạt động trong nhiều ngành nghề: giáo viên, kỹ sư, thông dịch viên, phóng viên... Và đó cũng là niềm tự hào lớn lao, không chỉ của chúng tôi mà còn của tất cả những ai có tấm lòng với viện.

 Bà đã bao giờ mệt mỏi và muốn dừng lại? Nhất là năm nay bà đã ở tuổi 62 và vẫn đang chiến đấu với bệnh ung thư?

- Dĩ nhiên, khi muốn làm tốt bất kỳ điều gì, người ta đều phải đánh đổi ít nhiều , có thể là thời gian cho bản thân, có thể là gia đình. Khi tôi nhận nhiệm vụ mấy tháng, chồng tôi mất. Con trai tôi có lúc cũng giận dỗi vì tôi dành quá nhiều thời gian và tâm sức cho viện, nhưng khi lớn rồi thì cháu thông cảm và hiểu hơn. Cách đây 9 năm, tôi phát hiện mình bị ung thư, nhưng nhờ phát hiện sớm nên hóa trị, xạ trị kịp thời, sức khỏe tôi cũng dần hồi phục. Đến nay, dù vẫn phải dùng thuốc hàng ngày, nhưng tôi vẫn vui vì mình còn có công việc, có những điều thiện mình đang cùng các đồng sự “gieo trồng”, nhìn các em lớn khôn, tôi tìm được niềm vui sống.

 Hạnh phúc lớn nhất của bà?

- Tôi không nghĩ mình đang làm điều gì quá lớn lao . Khi nhận việc, tôi chỉ nghĩ mình cần cố gắng làm tốt nhiệm vụ. Rồi dần dần thấy công việc này thú vị và ý nghĩa, thấy đam mê. Chính những đồng sự làm việc cùng tôi tại cô nhi viện cũng cho tôi thấy những điều tốt đẹp. Khi các em đến tuổi đi học, các cô ngày hai buổi đạp xe chở đi, đón về. Các bé cũng kêu các cô là mẹ. Chúng tôi là một gia đình và tôi luôn nỗ lực đem đến những điều tốt nhất có thể cho các em.

 Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều