Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể làm ăn ở quy mô quốc tế bằng tư duy địa phương

10:10, 28/10/2016

Ngoài công tác quản lý, giảng dạy tại Trường đại học ngoại thương, TS.Nguyễn Minh Hằng còn là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Bà đã giúp không ít DN trong nước phát triển lớn mạnh, tránh được nhiều tranh chấp có thể mất đi hàng triệu USD trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài công tác quản lý, giảng dạy tại Trường đại học ngoại thương, TS.Nguyễn Minh Hằng còn là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Bà đã giúp không ít DN trong nước phát triển lớn mạnh, tránh được nhiều tranh chấp có thể mất đi hàng triệu USD trong xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Hiện nay, TS.Nguyễn Minh Hằng đang là thành viên của Hội Luật gia Việt Nam, Hiệp hội Luật so sánh của Cộng hòa Pháp, Hội đồng Chuyên gia tư vấn của AUF khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà đã tham gia giảng dạy và tư vấn cho các tập đoàn lớn của Việt Nam, như: Viettel, Mobifone, VNPT, Vinacomin... Theo bà, DN Việt khi làm ăn, ở quy mô quốc tế hay bị thua thiệt là do còn chủ quan, chưa có tư duy phòng ngừa rủi ro. Bước ra thương trường, mọi thứ đều tuân theo luật quốc tế, vì vậy DN khó thành công nếu vẫn giữ tư duy địa phương theo kiểu “lệ làng”.

Càng kỹ tính càng bớt thiệt thòi

 Bà nghĩ thế nào về sự chuẩn bị của DN Việt Nam cho những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng sắp tới? Theo bà, họ có còn kịp chuẩn bị hay đã chậm chân rồi?

- Theo tôi, DN Việt Nam cũng đã có sự chủ động trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh để nắm bắt những thuận lợi từ các FTA đã ký kết đang có hiệu lực. Bên cạnh đó, nhiều DN chuẩn bị sẵn để khi các FTA quan trọng như Việt Nam - EU có hiệu lực, hoặc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết có thể hưởng được những chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN vừa và nhỏ Việt Nam có hoạt động buôn bán quốc tế nhưng chưa quan tâm và không có sự chuẩn bị chu đáo như những DN lớn. Việc này có thể khiến các DN gặp rất nhiều rủi ro và thua thiệt khi hợp đồng làm ăn với DN nước ngoài, nếu xảy ra tranh chấp rất khó bảo vệ được quyền lợi của mình. Thương mại quốc tế ngày càng có nhiều DN “ma” cho nên DN Việt Nam càng cẩn trọng và có sự chuẩn bị kỹ từ trước thì phần thắng thuộc về mình sẽ lớn hơn, tránh được các sự cố đáng tiếc có thể khiến DN phá sản.

 Ý thức về luật pháp của DN Việt Nam trong làm ăn kinh doanh quốc tế theo đánh giá của bà là cao hay thấp?

- Thực tế cho thấy, nhiều DN Việt Nam rất chủ động trong kinh doanh quốc tế. Trước khi hợp tác với khách hàng nước ngoài họ có sự chuẩn bị rất kỹ càng, thuê chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm tư vấn, tìm hiểu đầy đủ những thông tin của đối tác để quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng chi tiết và đầy đủ. Như vậy, DN sẽ bớt được những kẽ hở trong hợp đồng mua bán để khi xảy ra sự cố, tranh chấp dễ xử lý giảm bớt được nhiều thiệt hại. Nhiều DN Việt Nam có hợp tác mua bán với cả trăm khách quốc tế ở hàng chục quốc gia khác nhau trong nhiều năm, nhưng hiếm khi xảy ra tranh chấp vì họ nắm rất rõ luật pháp quốc tế. Nhưng cũng có không ít DN Việt còn chủ quan, ít quan tâm đến những quy định của pháp luật về mua bán quốc tế dẫn đến bị lừa đảo, mất hàng mà không được thanh toán, hoặc trả tiền rồi nhưng nhận hàng không phù hợp với hợp đồng mà không thể khiếu nại hay kiện đòi bồi thường được.

 Bà có thể chia sẻ vài vụ việc điển hình mà bà đã tham gia trong quá trình làm trọng tài quốc tế? Những điểm nào mà DN Việt Nam dễ “vướng” vào nhất trong khi giao dịch các hợp đồng thương mại?

- DN Việt Nam khi làm ăn quốc tế thường gặp rủi ro, thua thiệt do thiếu sự cẩn trọng, chưa có đầy đủ tư duy phòng ngừa rủi ro. Rủi ro lớn nhất là chủ quan, không tìm hiểu kỹ đối tác nên khi bị tranh chấp hay lừa đảo không thể kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Thương mại quốc tế ngày càng tự do, DN sẽ có nhiều cơ hội để giao thương quốc tế, tự do xuất nhập khẩu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ nhiều hơn vì có nhiều chủ thể sẽ lợi dụng sự tự do này để làm lợi cho mình. Vì vậy, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ xem đối tác, người đang giao dịch với mình là ai. Tôi từng tham gia giải quyết vụ việc phía DN Việt Nam kiện DN Trung Quốc vì chưa thanh toán đầy đủ. Khi đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thì tiền được chuyển cho một tài khoản của DN Việt Nam tại Trung Quốc. DN Việt nói rằng người giao dịch đó không phải là đại diện của mình và chưa nhận được tiền thanh toán. Hai bản hợp đồng 2 bên trình cho Hội đồng trọng tài là khác nhau: bản mà DN Việt trình có chi tiết về ngân hàng, bản mà DN Trung Quốc trình thì không có thông tin ngân hàng hay thông tin người hưởng lợi. Rõ ràng, trong vụ việc này đã có sự lừa đảo và DN Việt Nam phải gánh chịu hậu quả vì không tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết hợp đồng và hợp đồng làm không rõ ràng. Hay vụ việc một DN thép Việt Nam khi mua hàng thì hợp đồng chỉ ghi chung chung là nhập thép loại 2, nhưng khi nhận hàng toàn là thép phế thải không dùng được. Trường hợp này DN Việt bị lừa nhưng kiện không được và chịu thiệt hại lớn.

Lường trước những rủi ro

 Nhiều ý kiến cho rằng, DN Việt Nam thường ở “kèo dưới” trong các thỏa thuận làm ăn và thường khá “ngây thơ” về pháp lý. Bà có nghĩ thế không?

- DN Việt Nam đa số là DN vừa và nhỏ, tham gia vào thương mại quốc tế với số vốn nhỏ, nhân lực mỏng, đặc biệt là thiếu nhân lực giỏi về hợp đồng và về các vấn đề pháp lý, thiếu kinh nghiệm khi giao thương quốc tế. Vì vậy khi ra “biển lớn”, việc các doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận thua thiệt là rất lớn.

Cụ thể, các DN Việt Nam phải chấp nhận các hợp đồng mẫu do đối tác đưa ra. Đơn cử, các DN xuất khẩu gạo, cà phê, cao su… đều phải ký hợp đồng theo các mẫu do các đối tác nhập khẩu đưa ra với các điều khoản chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Phải chấp nhận các điều khoản đó đồng nghĩa với việc DN Việt phải chịu nhiều thua thiệt.

Khi có tranh chấp xảy ra, sự yếu thế của DN Việt thể hiện ở chỗ DN không có chi phí thuê luật sư tham gia giải quyết tranh chấp. Điều này dẫn đến khả năng thua kiện rất lớn do thiếu kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp, từ những sai sót khi viết đơn kiện cho đến những sai sót khi tham gia quá trình tố tụng trọng tài. Vấn đề DN Việt Nam thường gặp là không nhận thức được vai trò của hợp đồng và không dành sự quan tâm thích đáng đến việc soạn thảo và ký kết hợp đồng, dẫn đến nhiều rủi ro và thiệt hại do các điều khoản quá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc các điều khoản bất lợi cho mình.

 Ngoài nhận thức về pháp luật trong các hợp đồng cụ thể, theo bà, pháp luật về môi trường và nhận thức pháp luật trong mối quan hệ giữa DN và người tiêu dùng đã được cộng đồng DN chú ý chưa?

- Thương mại quốc tế ngày càng tự do mở ra nhiều cơ hội cho DN, song DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt để tồn tại và phát triển. Mối quan hệ giữa DN và người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng và quyết định sự thành - bại của một DN, vì hàng hóa DN sản xuất ra nếu không được người tiêu dùng chấp nhận sẽ không có thị trường để tiêu thụ. Như vậy, đồng nghĩa với việc DN sẽ phá sản. Do đó, tất cả các DN đều rất quan tâm và chú ý đến người tiêu dùng. Cụ thể, các sản phẩm DN sản xuất ngày càng được chú ý đến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, sự tiện lợi để giữ chân người sử dụng và cạnh tranh với hàng hóa cùng loại từ nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số các DN sản xuất - kinh doanh kiểu chụp giật, “ăn xổi ở thì”, nhưng theo tôi, các DN này khó tồn tại lâu dài được do người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi rất kỹ về chất lượng hàng hóa.

 Xin cảm ơn bà!

DN Việt hay bị sai sót trong vấn đề giám định kiểm tra chất lượng hàng hóa sau khi nhận hàng. Trong một vụ tranh chấp, người mua Việt Nam sau khi nhận hàng mở container ra, thấy tình trạng hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng nhưng đã không giữ nguyên hiện trạng hàng trong container để yêu cầu người bán đến cùng làm giám định đối tịch mà chỉ chụp ảnh hàng hóa và đơn phương dỡ hàng vào kho của mình. Các sai sót trên khiến cho khiếu nại của người mua đã bị Hội đồng trọng tài từ chối. Đáng lẽ, người mua phải mời một tổ chức giám định độc lập làm giám định để xác định chất lượng hàng và lấy chứng thư giám định làm căn cứ cho khiếu nại của mình. Vì thế, tôi nghĩ DN Việt Nam nên thay đổi tư duy về việc sử dụng tư vấn pháp lý để giúp mình lường trước, phòng ngừa các rủi ro khi tham gia mua bán quốc tế.

Kim Ngân - Hương Giang (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều