Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi muốn thực hiện bằng được tâm huyết của cha tôi

10:11, 04/11/2016

Mọi chuyện bắt đầu từ việc người cha già vốn là một bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Đặng Tường Khâm đột ngột muốn "rẽ hướng" sang nông nghiệp, rồi tiêu tốn gần như toàn bộ gia tài tích cóp cả đời vào một loại cây mới: ca cao.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc người cha già vốn là một bác sĩ quân y, thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Đặng Tường Khâm đột ngột muốn “rẽ hướng” sang nông nghiệp, rồi tiêu tốn gần như toàn bộ gia tài tích cóp cả đời vào một loại cây mới: ca cao.

Giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức Đặng Tường Khanh
Giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức Đặng Tường Khanh

Thành lập công ty năm 2005, vùng nguyên liệu phát triển mạnh, nhưng ông mong muốn nhiều hơn là bán nguyên liệu thô. Ông tính toán, cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô có thể thu về 72 triệu đồng, và đó là tất cả giá trị thu được. Nhưng nếu đem ép cơm ca cao sẽ thu được 500kg nước cốt ca cao. 1kg có thể làm 20 chai rượu (loại 750ml) bán với giá 160 ngàn đồng/chai, tương ứng sẽ thu được 1,6 tỷ đồng.

Từ ý tưởng của người cha về một tập đoàn ca cao miền Đông, đem lại sự thay đổi cơ bản cho nông dân tham gia đang dần hình thành khi Công ty ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) có khách hàng Nhật, Hàn Quốc hợp tác làm nên các thỏi chocolate chất lượng cao xuất khẩu, trong khi vẫn bán nguyên liệu, bán bột ca cao với thương hiệu ngày càng uy tín hơn. Ở tuổi 85, mặc dù vẫn sát cánh cùng dự án ca cao, nhưng từ 7 năm nay, toàn bộ công việc điều hành và phát triển của ông về cây ca cao được bàn giao lại cho người con trai út Đặng Tường Khanh sinh năm 1980.

* Bán đất, bán nhà đầu tư ca cao

Cha tôi luôn mong muốn: khi công ty lớn mạnh sẽ cổ phần hóa thành Tập đoàn Đông Nam bộ, lúc này sẽ bán cổ phần cho nông dân trồng ca cao. Lúc đó sẽ có 1 tập đoàn của dân, do dân và vì dân, chúng ta sẽ đứng vững trên mảnh đất của mình. Đó là ý nguyện cuối cùng của cha tôi.

 Khi nhận “gánh nặng” từ người cha về một lĩnh vực mà ông chưa có kinh nghiệm gì, ông có cảm thấy áp lực không?

- Nói thật, ban đầu tôi không thích làm nông nghiệp vì nó chứa quá nhiều rủi ro. Năm 2006, tôi 26 tuổi và đang kinh doanh tự do ở TP.Hồ Chí Minh, tôi hoàn toàn không có ý định làm nông nghiệp. Nhưng cha tôi khi về già lại muốn làm gì đó cho nông nghiệp, nông dân. Chuyện này không phải vì lợi nhuận bởi nhà tôi khi đó rất khá giả. Cha tôi là người nghiên cứu, sáng chế ra thuốc trị ho, thuốc xông hiệu Euca và gia đình tôi khá sung túc từ sản phẩm đó. Nhưng đột nhiên cha tôi lại muốn lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp ở tuổi gần 70 bằng cây ca cao bởi ông đã có thời gian nghiên cứu về giống cây này ở những năm 80 của thế kỷ trước.

Ông bán đất đai ở TP.Hồ Chí Minh, gom góp vốn liếng lên vùng Tân Phú mua đất trồng ca cao. Từ 5 ngàn cây đầu tiên trên mảnh đất 6 hécta của gia đình, ông phát triển thành vùng nguyên liệu hàng ngàn hécta cho hàng ngàn hộ nông dân các huyện lân cận của Lâm Đồng, Đồng Nai. Nhưng chúng tôi thất bại vì vùng nguyên liệu phát triển quá nhanh, lên đến cả ngàn hécta vào năm 2009. Đội ngũ kỹ thuật không đủ đáp ứng việc tư vấn cho nông dân khiến cây phát triển không như mong đợi, cộng với sự lên ngôi của các cây công nghiệp khác như điều, tiêu, người dân đã chặt bỏ cây ca cao. Cuối năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu giảm hơn 700 hécta, và sau đó chúng tôi xóa nợ cho nông dân.

Năm 2010, sau một biến cố trong gia đình, chỉ còn cha tôi chèo chống. Tôi về Tân Phú giúp cha mặc dù cha tôi không ép. Cha tôi chỉ bảo, làm nông nghiệp thì khó thấy được hiệu quả ngay, trái lại phải đầu tư tâm huyết rất lâu. Tôi về gần cha, học hỏi từng chút từ cha, rồi tôi trở nên thích thú và bị cuốn hút vào những gì cha tôi đang đeo đuổi.

 Ông đã làm gì trong thời điểm khó khăn đó?

- Thời điểm đó, sau 4 năm, ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu, cha tôi đã kịp nghiên cứu ra một số sản phẩm ban đầu từ ca cao, như: bột ca cao, chocolate, rượu cacao... nhưng gần như chưa tiêu thụ được. Chính vì vậy, tôi phải nghĩ cách để bán hàng. Một mặt, tôi củng cố lại cách tổ chức vùng nguyên liệu, lúc này bị giảm tới 70% so với trước. Chúng tôi ký lại hợp đồng với nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm... với tiêu chí mà cha tôi đặt ra là phải bảo đảm quyền lợi cho nông dân, chúng tôi có thể lỗ, nhưng không để nông dân lỗ. Mặt khác, tôi tìm cách bán hàng, bán từ hạt ca cao đến các sản phẩm từ ca cao. Tôi phải phát triển mảng chế biến để giảm bớt lượng hàng thô vì bán hạt thô sẽ dễ gặp nhiều rủi ro. Mục tiêu tôi đặt ra là giảm bán hạt ca cao thô, đẩy mạnh chế biến.

 Và ông thấy mình bắt đầu say mê ca cao từ lúc nào?

- Tôi càng làm càng thấy say mê. Theo đánh giá của nhiều bạn hàng quốc tế, chất lượng hạt ca cao của Việt Nam đang ở nhóm đầu thế giới. Ý tưởng của cha tôi là sẽ hình thành một tập đoàn chuyên về ca cao của vùng Đông Nam bộ và nông dân sẽ sở hữu một phần nhà máy đó. Trước đây, tôi nghĩ nó không thực tế, nhưng khi tiếp nhận công việc, tôi thấy có thể thực hiện được. Chúng tôi có những ràng buộc để nông dân giữ chữ tín, có lãi, kiểm soát chất lượng để cả vùng nguyên liệu giữ được chứng nhận UTZ (chứng nhận đảm bảo sản xuất bền vững)... và dần đẩy trách nhiệm của nông dân lên cao, gắn với nhà máy bằng cả quyền lợi tài chính lẫn trách nhiệm trong công việc. Tôi cũng cố gắng học hỏi và áp dụng các quy trình quản lý hiện đại hơn, đỡ tốn nhân sự hơn. Tất cả cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu và ước mơ của cha tôi, và cũng là ước mơ của tôi.

* Tôi say mê và hy vọng

 Ý tưởng về một tập đoàn ca cao của miền Đông sẽ phát triển như thế nào trong suy nghĩ của ông?

- Trong các chuyến đi nước ngoài tìm hiểu về ca cao và chế biến ca cao, tôi luôn tự hỏi sao ở nước ngoài, nông dân luôn luôn bán sản phẩm cho nhà máy? Và tôi thấy rằng, điều đó là do cách làm rất minh bạch, nhà máy mua với giá công bố, rõ ràng về phân loại, thanh toán, phù hợp với thị trường... Tôi nói với cha tôi, ý tưởng của cha về tập đoàn ca cao miền Đông có thể sẽ hình thành trong 5 năm tới. Tôi nói rằng, chúng tôi đang có 200 nông dân tham gia vùng nguyên liệu. Khi thu mua sản phẩm, chúng tôi giữ lại 500 đồng/kg là một khoản đầu tư cho chế biến và chúng tôi trả lãi suất cho người dân. Khi tin tưởng hơn, họ có thể để lại 1.000 đồng hay 1.500 đồng/kg. Chúng tôi vừa chi trả 500 triệu đồng cho nông dân từ khoản giữ lại 500 đồng đó, họ ăn với chúng tôi bữa cơm chung, và họ mua sản phẩm của Công ty ca cao Trọng Đức hơn 400 triệu đồng chỉ trong hôm ấy. Cha tôi rất vui và tôi cảm thấy mình có nhiều hy vọng hơn.

 Quá trình làm việc với người Nhật trong khuôn khổ hợp tác chế biến chocolate bán trên thị trường Nhật Bản đã cho ông những kết luận nào?

- Tôi đã làm việc 3 năm với họ. Đầu tiên, họ chậm, kiên trì và kỹ tính nên không thể nóng vội được. Điều lớn nhất rút ra là họ nghiêm túc từ đầu và người Việt Nam thường thiếu nghiêm túc ở điểm này. Chúng ta nóng vội và muốn có kết quả ngay, song lại thiếu nghiêm túc.

Họ kỹ tính từ thói quen chào hỏi đến những sinh hoạt nhỏ trong đời sống. Nhưng quan trọng nhất là trong lúc làm: nghiêm khắc, kỷ luật. Không có chuyện đang làm bỏ ra ngoài hút điếu thuốc hay vừa làm vừa thảo luận. Khách hàng Nhật về tận xưởng của chúng tôi hướng dẫn và kiểm soát quy trình, huấn luyện tác phong làm việc... Và yêu cầu của họ đối với sản phẩm là rất khó, rất cao. Họ chỉ dùng hạt ca cao của chúng tôi, sữa thì phải là sữa Hokkaido đem sang, hương vị và đường cũng thế. Thực lòng, chúng tôi chưa kiếm được nhiều tiền của khách hàng Nhật. Song những gì chúng tôi học được là rất nhiều, chưa kể thông qua họ, chúng tôi có thêm nhiều khách hàng khác. Bởi khách hàng nhiều nước chỉ cần thấy chúng tôi cùng làm với khách Nhật là họ tin tưởng phần nhiều.

 Ông thấy mình đã đi được bao xa trong quá trình biến giấc mơ của 2 cha con ông thành hiện thực?

- Thật lòng thì đến lúc này chúng tôi mới bắt đầu có lãi, dù đã đầu tư hơn chục năm với số vốn hàng triệu USD. Ngay cả mảnh đất gần 2 mẫu ở TP.Hồ Chí Minh cũng bị cha tôi bán lấy tiền đầu tư, nhưng gia đình tôi hiểu và không ai buồn phiền gì cả. Chúng tôi đang có định hướng riêng, một mặt gia công cho các nhà sản xuất lớn, cung cấp nguyên liệu, xuất khẩu nguyên liệu... Riêng các dòng sản phẩm kẹo, bột..., chúng tôi vẫn bán đều đặn ở thị trường trong nước. Quan trọng nhất là phải đảm bảo được lợi ích cho những nông dân đã sát cánh cùng chúng tôi suốt chục năm qua.

Tôi tin con đường của cha tôi vạch ra và định hướng phát triền lâu dài cho công ty là đúng. Hơn nữa, công ty được sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, công ty đang thực hiện dự án cánh đồng lớn theo quyết định của tỉnh về phát triển cây ca cao. Tôi tin tới năm 2020, Đồng Nai sẽ có vùng nguyên liệu ca cao trên 1 ngàn hécta và công ty sẽ phát triển lớn mạnh hơn hiện tại rất nhiều, vươn mình ra thế giới.

 Xin cảm ơn ông!

Cha tôi đi bộ đội từ lúc 14 tuổi, sau 42 năm chiến đấu ở chiến trường ông ra quân với 2 bàn tay trắng. Ông nghĩ phải làm sao vượt lên cái nghèo trong lúc đất nước đang còn khó khăn, nhân dân ai cũng còn khổ. Vốn là một bác sĩ quân y, cha tôi bắt đầu làm thuốc. Cuộc sống bắt đầu khá lên, cha tôi mua đất, xây nhà, cuộc sống ổn định. Và rồi với 1 niềm đam mê khát khao mới, cha tôi... rẽ hướng.

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều