Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp nghĩa là chấp nhận đương đầu với rủi ro

11:09, 08/09/2017

Từng tư vấn cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm phát triển khởi nghiệp, Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh những yếu tố cần để khởi nghiệp thành công là: kiến thức về kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, ngành hàng, khách hàng, mô hình kinh doanh, khả năng nhận dạng cơ hội kinh doanh và tinh thần dám đương đầu vượt qua những khó khăn.

Từng tư vấn cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thành công, ông Nguyễn Hùng Phong, Giám đốc Trung tâm phát triển khởi nghiệp, Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh những yếu tố cần để khởi nghiệp thành công là: kiến thức về kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, ngành hàng, khách hàng, mô hình kinh doanh, khả năng nhận dạng cơ hội kinh doanh và tinh thần dám đương đầu vượt qua những khó khăn.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp được các tỉnh, thành trong cả nước rất quan tâm. Số lượng DN thành lập mới tăng cao, tuy nhiên số DN phải giải thể chiếm đến hơn 60% (số liệu 7 tháng của năm 2017). Điều này chứng tỏ rất nhiều người khởi nghiệp đã thất bại. Theo ông Nguyễn Hùng Phong, những nguyên nhân chính dẫn đến khởi nghiệp thất bại là do thiếu kiến thức về kinh doanh, quản trị DN, không hiểu rõ được ngành hàng, khách hàng...

* CHẤP NHẬN RỦI RO

 Có những chuyên gia cho rằng phong trào khởi nghiệp ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, thực tế rất ít người thành công. Là chuyên gia trên lĩnh vực này, ông có nhận định gì?

- Hiện nay các tỉnh, thành trong cả nước đều rất quan tâm đến phong trào khởi nghiệp và phong trào này đang đi vào chiều sâu, không còn mang tính hô hào như trước đây. Tại nhiều địa phương đã có những hiệp hội, trung tâm, tập đoàn đứng ra hỗ trợ cho những người muốn khởi nghiệp về ý tưởng, vốn, kiến thức... Do đó, ngày càng có nhiều DN được thành lập mới và số DN bị giải thể tuy vẫn còn cao nhưng so với trước năm 2016 đã giảm nhiều. Đây là dấu hiệu cho thấy khởi nghiệp thành công ngày một tăng.

Bằng kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn nhiều năm trên lĩnh vực này, tôi thấy khởi nghiệp là một việc rất khó khăn, con đường này đầy chông gai. Nếu người khởi nghiệp không có kiến thức nhất định về quản trị kinh doanh, không dám đương đầu với khó khăn, rủi ro và không kiên trì vượt qua thì rất khó thành công.

Ở những nước phát triển như Mỹ, khởi nghiệp được giáo dục từ những năm còn học phổ thông và khi khởi nghiệp nhận được rất nhiều sự nâng đỡ, hỗ trợ từ các DN, tập đoàn lớn từ khi có ý tưởng đến khâu lập đề án nhưng tỷ lệ thành công cũng rất thấp. Do đó nếu đánh giá khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức, theo tôi là chưa xác thực.

 

Theo ông, muốn khởi nghiệp thành công phải chuẩn bị những điều cơ bản nào?

- Ý kiến của riêng tôi là người khởi nghiệp phải được học tập và có những nền tảng kiến thức tổng quát về kinh doanh, lĩnh vực mình dự tính đầu tư, khách hàng, thị trường. Kiến thức về kinh doanh giúp người khởi nghiệp phân tích được thị trường, dự báo sản phẩm, dự kiến phí tổn, dòng tiền, tiến hành chương trình marketing và nhiều khía cạnh khác trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Khi khởi nghiệp sẽ thấu hiểu các vấn đề thực tế liên quan đến ngành mà họ hoạt động, cũng như các dạng khách hàng cụ thể phải phục vụ. Nắm bắt tốt các kiến thức về ngành sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà khởi nghiệp thực hiện các sáng tạo, đổi mới.

Họ cũng cần thấu hiểu quy mô, số lượng các nhà cung ứng, khách hàng và các DN sản xuất trong ngành, nắm bắt các thông tin liên quan đến các ràng buộc về pháp luật, quy định của Nhà nước, chuẩn mực công nghệ, nhạy bén trong tìm hiểu và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời DN nắm được sự đa dạng của sản phẩm và dịch vụ trong ngành. Ngoài ra, DN nên có kiến thức sâu rộng về những nhu cầu của khách hàng để đáp ứng.

 Theo ông, vướng mắc lớn nhất của DN khởi nghiệp trong quá trình hoạt động là gì?

- Những DN được thành lập ở Việt Nam phần lớn có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ. Quá trình phát triển trải qua các giai đoạn, như: khởi sự, tồn tại, thành công và cất cánh. Trong giai đoạn khởi sự, các thách thức chủ yếu là tìm kiếm nguồn tài trợ, điều chỉnh sản phẩm hay dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu thị trường. DN tồn tại tìm cách tạo ra dòng tiền vào đủ lớn cho hoạt động vận hành và phải lớn hơn chi phí. Khi vượt qua được 2 giai đoạn trên, DN sẽ có một nền tảng vững chắc có khả năng sinh lợi. Thời điểm này DN cần có những chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả để tiếp tục phát triển.

Đến giai đoạn cất cánh, DN tạo sự tăng trưởng nhanh chóng và đẩy mạnh cho sự tăng trưởng đó. Thực tế, các DN Việt Nam hay gặp khó khăn và khó vượt qua ngay giai đoạn khởi sự và tồn tại. Như tôi đã nói, DN thành lập nếu chủ DN không có những kiến thức tổng quát về kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh và kiến thức về ngành hàng, khách hàng, các mô hình kinh doanh tốt thì rất khó duy trì hoạt động và phát triển. Khi sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì rất khó cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, như vậy rất khó liên kết mời gọi đầu tư hoặc vay vốn từ các ngân hàng.

* SỚM ĐÀO TẠO KHỞI NGHIỆP

 Ở Việt Nam, chương trình khởi nghiệp hầu hết chỉ đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng trong thời gian ngắn. Như vậy có phải đào tạo khởi nghiệp của chúng ta đang đi chậm một bước so với nhu cầu thực tế?

- Theo định hướng của Chính phủ, tới đây đào tạo khởi nghiệp sẽ được đưa vào chương trình học phổ thông. TP.Hồ Chí Minh là một trong những nơi dẫn đầu về phong trào đào tạo khởi nghiệp, vì từ năm học 2017-2018, tất cả các trường phổ thông đều phải có chương trình giảng dạy về khởi nghiệp cho học sinh. Trong các trường đại học, bất kể ngành nào đều có chương trình đào tạo về khởi nghiệp kinh doanh. Riêng Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh đã hình thành chuyên ngành quản trị khởi nghiệp để đào tạo ra những chuyên gia cho các phong trào xúc tiến khởi nghiệp và có thể hỗ trợ nâng cao kiến thức về khởi nghiệp cho các DN.

Tại các địa phương gần đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về khởi nghiệp. Theo tôi, trong những năm tới phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ đi vào chiều sâu, số DN phải dừng hoạt động sẽ giảm.

 Nhiều DN sau khi thành lập đi vào hoạt động khá lúng túng trong việc quản trị sản xuất, kinh doanh và tìm thị trường tiêu thụ. DN phải làm sao để vượt qua?

- Hầu hết các DN sau khi thành lập đi vào hoạt động đều gặp rất nhiều vướng mắc nên chủ các DN phải học tập kinh nghiệm từ những người khởi nghiệp khác thông qua quan sát những thành công và thất bại của các DN, gặp gỡ trao đổi với các DN cùng lĩnh vực, tìm đọc những tài liệu thực tế về những DN đã thành công xem họ làm thế nào để vượt qua khó khăn và phát triển. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp phải không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức về quản trị kinh doanh, ngành hàng, dịch vụ mình đang đầu tư, có những tìm hiểu, điều tra về khách hàng để có định hướng kinh doanh cho phù hợp. Quá trình phát triển của DN luôn chú ý đến marketing sản phẩm, dịch vụ để khách hàng biết lựa chọn. Đồng thời, DN muốn hoạt động lâu dài và giữ được chân khách hàng và mở rộng thị trường phải luôn giữ chữ tín đảm bảo chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, từng bước xây dựng thương hiệu. Hiện nay các tỉnh, thành có rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, DN có thể tận dụng các hỗ trợ này để đứng vững và phát triển.

 Những địa chỉ nào có thể hỗ trợ cho những bạn trẻ ở Đồng Nai có ý định khởi nghiệp, thưa ông?

- Như tôi được biết, tại Đồng Nai có Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho những người có những ý tưởng khởi nghiệp. Vì thế, những bạn trẻ muốn khởi nghiệp có thể tìm đến đây trình bày các ý tưởng để được tư vấn, hỗ trợ làm đề án và khi có nhu cầu về vốn có thể sẽ được hỗ trợ. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể tìm đến trung tâm hỗ trợ DN của tỉnh, Trung tâm phát triển khởi nghiệp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh... để được hỗ trợ. Lời khuyên của tôi là các bạn có ý tưởng khởi nghiệp hãy mạnh dạn tìm chuyên gia trên lĩnh vực này để được tư vấn, hướng dẫn những bước tiếp theo sẽ làm gì. Như vậy quá trình khởi nghiệp sẽ bớt được một số khó khăn trở ngại, tỷ lệ thành công sẽ lớn hơn. Khởi nghiệp nên hợp tác chọn những người có những ưu điểm trái ngược với mình để bổ sung cho nhau.

 Xin cảm ơn ông!

 Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều