Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ, LHQ hoan nghênh quyết định ngừng tái tranh cử của Thủ tướng Iraq

11:08, 15/08/2014

Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng hoan nghênh quyết định ngừng tái tranh cử nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki, coi đây là quyết định bước ngoặt nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình thành lập chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông đang ngập trong chia rẽ phe phái này.

Mỹ và Liên hợp quốc đã lên tiếng hoan nghênh quyết định ngừng tái tranh cử nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Iraq sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki, coi đây là quyết định bước ngoặt nhằm tạo thuận lợi cho tiến trình thành lập chính phủ mới ở quốc gia Trung Đông đang ngập trong chia rẽ phe phái này.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tại Văn phòng Thủ tướng ở Baghdad ngày 23/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki tại Văn phòng Thủ tướng ở Baghdad ngày 23/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuyên bố ngày 14/8, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh Washington hoan nghênh quyết định của ông Maliki trong việc ủng hộ người được chỉ định thay thế mình là Phó Chủ tịch Quốc hội Haidar al-Abadi đứng ra thành lập chính phủ mới theo hiến định.

Theo bà Rice, đây là "bước đi quan trọng hướng tới sự thống nhất" đất nước, thúc đẩy đoàn kết dân tộc nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cũng theo quan chức này, đa số các nhà lãnh đạo Iraq đã cam kết ủng hộ và hợp tác với ông Abadi nhằm hướng tới mục tiêu thành lập một chính phủ mới có khả năng đáp ứng những yêu cầu và nguyện vọng của người dân.

Cùng ngày, đặc phái viên hàng đầu của Liên hợp quốc tại Iraq Nickolay Mladenov cũng hoan nghênh quyết định của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Iraq, nhấn mạnh động thái này cho thấy tài lãnh đạo và trách nhiệm của ông Maliki đối với tiến trình dân chủ cũng như hiến pháp Iraq.

Ông Mladenov gọi quyết định này là "cột mốc lịch sử" để tạo điều kiện cho quá trình chuyển tiếp quyền lực diễn ra hòa bình.

Trước đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia sau cuộc gặp với ông Abadi, Thủ tướng Maliki tuyên bố sẽ không tiếp tục ra ứng cử nhiệm kỳ 3 nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với ông Abadi và "không muốn trở thành nguyên nhân gây đổ máu ở Iraq."

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Iraq đang phải chật vật đối phó với các tay súng IS hiện đã chiếm giữ nhiều thành phố trọng yếu và đang tiến đến thành phố Arbil, thủ phủ Khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc. Không chỉ tăng cường các cuộc tấn công, IS còn đe dọa sát hại hàng nghìn người tị nạn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi đang bị vây hãm trên núi Sinjar.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết tình hình tại núi Sinjar đã được cải thiện đáng kể và các vòng vây của IS quanh ngọn núi cũng đã bị phá vỡ, song các chiến dịch không kích của Washington vẫn sẽ được tiếp tục tiến hành ở Iraq nhằm bảo vệ các công dân và lợi ích của Mỹ ở Iraq.

Liên quan đến việc sơ tán người tị nạn trên núi Sinjar, phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo tại bang Massachusetts khẳng định cả việc thả hàng viện trợ nhân đạo lẫn sơ tán người dân các sắc tộc thiểu số đã không còn cần thiết.

Theo kế hoạch, các nhà hoạch định quân sự của Mỹ sẽ rời khỏi vùng núi này trong vài ngày tới và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ quân sự cho các lực lượng an ninh Iraq cũng như lực lượng người Kurd ở miền Bắc để chống lại các cuộc tấn công của IS.

Phát biểu trước khi chủ trì cuộc họp của Ủy ban tình trạng khẩn cấp (COBRA), Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho biết London sẽ duy trì các hoạt động quân sự "linh hoạt" ở miền Bắc Iraq để có thể kịp thời cung cấp hàng viện trợ trong trường hợp cần thiết.

Theo thống kê, hiện có khoảng 1,5 triệu người phải đi sơ tán do xung đột bùng phát kể từ khi phiến quân IS chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, hồi tháng Sáu vừa qua và nhanh chóng tràn sang các khu vực khác trên cả nước. 

Trong nỗ lực nhằm làm suy yếu sức mạnh của IS, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu về một nghị quyết mới trong ngày hôm nay (15/8) nhằm ngăn cản các nguồn tài trợ cho IS cũng như các tay súng nước ngoài gia nhập nhóm phiến quân này. Dự thảo nghị quyết do Anh đề xuất và hiện đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an sau gần một tuần đàm phán./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều