Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung một tầm nhìn vì Việt Nam thịnh vượng

08:06, 01/06/2020

"Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị, quy mô hàng đầu Đông Nam Á và cả khu vực châu Á. 10 năm, 20 năm hay 30 năm thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng như vậy khi làm việc với 8 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị, quy mô hàng đầu Đông Nam Á và cả khu vực châu Á. 10 năm, 20 năm hay 30 năm thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng như vậy khi làm việc với 8 địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Thủ tướng, TP.HCM và 7 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang là một  “bát giác kim cương”. Là “trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm” cả nước nên mỗi biến động, sự phát triển của vùng đều có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có xếp loại thu nhập cao, nền kinh tế tiên tiến vào năm 2045 để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng thì Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có trọng trách rất lớn.

Không chỉ vì mục tiêu chung của cả nước mà gợi ý của người đứng đầu Chính phủ là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên và sẽ đạt mục tiêu ấy sớm hơn ít nhất 10 năm, tức vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu đó, các địa phương cần phải đoàn kết phát triển trong một tầm nhìn.

Viễn cảnh trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành một dải siêu đô thị của đất nước và các nước trong khu vực. Do đó, vấn đề kết nối có ý nghĩa tiên quyết và ảnh hưởng lâu dài. Quy hoạch phát triển vùng TP.HCM và các tỉnh được xác định có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.

Để kết nối vùng cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết, nhất là các tuyến đường cao tốc, hệ thống cảng - logistics... tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư. Đồng thời, các địa phương cũng phải tạo điều kiện để các DN liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Khi DN có thêm cơ hội để phát triển sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào kinh tế vùng. Từng địa phương cần đặt lợi ích chung của vùng lên hàng đầu, tránh tình trạng chạy theo lợi ích cục bộ.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, tuy Việt Nam đã bước đầu khống chế được nhưng hệ quả, khó khăn mà nó để lại cho nền kinh tế cũng hết sức nặng nề. Tất cả các địa phương trong vùng những tháng đầu năm đều sụt giảm tốc độ phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Cộng đồng DN gặp khó khăn và cần đến sự trợ giúp của Chính phủ, chính quyền địa phương. Trong bối cảnh đó, các tỉnh, thành trong vùng đã nỗ lực để triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, người dân cũng như tìm mọi cách để hồi phục sản xuất, xuất khẩu, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Và, cùng san sẻ trách nhiệm với Chính phủ, tất cả các địa phương của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho hay, bằng mọi giải pháp, sẽ vượt qua khó khăn để giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2020 đặt ra từ trước đó, không phải vì dịch bệnh mà điều chỉnh chỉ tiêu phát triển. Đoàn kết, giữ vững được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của vùng kinh tế lớn nhất cũng là cơ sở để Việt Nam hoạch định chính sách phát triển lâu dài cho giai đoạn sau. Những cam kết mạnh mẽ này của các tỉnh, thành, một lần nữa cho thấy tầm nhìn chung cùng Chính phủ, cùng cả nước phấn đấu với mốc đặt ra năm 2045 xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.   

Vương Thế

 

Tin xem nhiều