Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng hành chống ngập

09:06, 12/06/2020

Hiện có 3 vấn nạn chính trong quá trình phát triển đô thị là: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí. Trong đó, vào mùa mưa, ngập nước luôn là câu chuyện "nóng" của nhiều đô thị ở các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đặc biệt là với những khu vực vốn có tốc độ phát triển kinh tế mạnh và quá trình đô thị hóa nhanh như TP.Biên Hòa.

Hiện có 3 vấn nạn chính trong quá trình phát triển đô thị là: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí. Trong đó, vào mùa mưa, ngập nước luôn là câu chuyện “nóng” của nhiều đô thị ở các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đặc biệt là với những khu vực vốn có tốc độ phát triển kinh tế mạnh và quá trình đô thị hóa nhanh như TP.Biên Hòa. Do đó, để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh việc cần có giải pháp đồng bộ của các ngành chức năng cũng còn cần có sự đồng hành của người dân trong chống ngập.

Những năm trở lại đây, ngập nước sau mưa lớn không chỉ xảy ra ở các tuyến đường trung tâm TP.Biên Hòa nơi có mật độ dân cư công đúc mà còn xảy ra tại các địa phương vùng ven như: Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, An Hòa… Vì thế, ngay từ đầu mùa mưa, nhiều người dân thành phố lại mang nỗi lo thường trực là phải lội nước về nhà khi đường sá chìm trong “biển” nước. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; làm thất thoát, hư hỏng tài sản của người dân mà nguy hiểm hơn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do sụp cống, trôi xe, chập điện...

Có nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng trên, trong đó có việc quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh chóng. Các khu đất trống dần được bê tông hóa, nhiều con suối thoát nước bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở dẫn đến tình trạng mất đi dòng chảy tự nhiên, mưa bao nhiêu là nước đổ hết ra đường. Trong khi hệ thống cống thoát nước tại nhiều tuyến đường còn nhỏ, hẹp, bị tắc nghẽn bùn, rác. Công trình hạ tầng đô thị không được đầu tư đúng mức; việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn mương, suối vẫn còn nhiều dẫn đến nước thoát không kịp, gây ra ngập trên diện rộng là điều khó tránh khỏi.

Thực tế, trước mỗi mùa mưa, các ngành chức năng đều có kế hoạch chủ động ứng phó, đẩy mạnh công tác duy tu, nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước nhằm bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng cũng như kịp thời yêu cầu dỡ bỏ, đình chỉ thi công các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến thoát nước là những giải pháp chống ngập hữu hiệu.

Dù vậy, không có nghĩa là trách nhiệm đặt hết vào các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Ở một góc nhìn khác, cần xác định việc chống ngập là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi thực tế, ngoài bùn đất bồi lắng thì nhiều dòng suối, cống thoát nước, hố ga ở TP.Biên Hòa vẫn thường xuyên phải tiếp nhận hàng tấn rác thải sinh hoạt do một số người dân thiếu ý thức xả ra làm ách tắc dòng chảy.

Có những đoạn đường, trên các vị trí thoát nước, rác tích tụ, đóng lại thành mảng lớn. Nhiều người xả rác vô tội vạ, để rác ngay miệng hố ga khiến các lòng cống nhiều năm qua luôn ngập rác. Cứ dọn xong vài ngày rác lại bắt đầu xuất hiện trở lại. Điều đó khiến các công nhân phải trực để đi khơi thông những miệng thu nước này khi có mưa lớn. Tuy nhiên, nếu thói quen này không thay đổi, nhân lực cũng không đủ để vớt rác, “giải cứu” cho các tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Chỉ khi nào các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt hành động; người dân không thờ ơ, nâng cao ý thức bảo vệ hạ tầng, môi trường sống thì việc chống ngập trên địa bàn thành phố vào mùa mưa mới đạt hiệu quả. Quan trọng hơn, việc bảo vệ các công trình thoát nước sẽ giúp các dự án phát huy hiệu quả cao và không bị lãng phí tiền đầu tư, ngân sách nhà nước.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều