Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện

02:06, 17/06/2020

Việc các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ trong tỉnh.

Việc các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ trong tỉnh.

Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh bị thủng đường tiêu hóa và dị tật tắc tá tràng sau ca phẫu thuật. Ảnh:H. Dung
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai kiểm tra sức khỏe cho trẻ sơ sinh bị thủng đường tiêu hóa và dị tật tắc tá tràng sau ca phẫu thuật. Ảnh:H. Dung

Nhờ đó, nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật cao được các bệnh viện thực hiện thuần thục, trở thành thường quy, đem đến cơ hội sống và sự hài lòng cho người bệnh, nâng cao chất lượng, uy tín của bệnh viện.

* Làm chủ nhiều kỹ thuật cao

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) với các chuyên ngành: ung bướu, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh. Ngoài ra, bệnh viện còn hợp tác với Viện Tim TP.HCM triển khai Khoa Tim mạch can thiệp, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh X-quang mạch máu DSA và điều trị các bệnh tim, mạch máu và một số u nội tạng bằng ống thông qua da...

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho hay: “Trước đây, khi chưa được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật u não, trung bình mỗi năm bệnh viện chuyển 65 ca lên bệnh viện tuyến trên. Đến nay, sau khi chuyển giao kỹ thuật này, số ca chuyển viện chỉ còn 1-2 ca/năm. Riêng lĩnh vực tim mạch can thiệp không còn phải chuyển tuyến”.

Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, hạn chế tối đa việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị. Phải kể đến như: phẫu thuật chấn thương sọ não, phẫu thuật tim, lồng ngực, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, thay khớp gối, khớp háng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật và điều trị đục thủy tinh thể bằng máy phaco, phẫu thuật và điều trị các bệnh lý về sản khoa.

Càng về những năm gần đây, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai càng làm chủ được nhiều kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi một cổng, chữa trị bệnh tắc nghẽn động mạch bằng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch vành, mạch máu não, phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng thay bằng mảnh ghép nhân tạo, phẫu thuật u thực quản, phẫu thuật cắt gan nội soi, cắt u gan bằng sóng cao tần.

Bệnh viện đồng thời đưa vào thực hiện thường xuyên các kỹ thuật điều trị như: bít dù bệnh lý tim bẩm sinh, can thiệp các tổn thương mạch vành phức tạp, can thiệp mạch máu não cấp cứu, nội soi mật tụy ngược dòng, dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da, phẫu thuật u não, bệnh lý tủy sống, phẫu thuật nội soi ổ bụng, cắt dạ dày, màng tim, cắt gan theo giải phẫu...

* Phẫu thuật tim trở thành thường quy

Trước tình trạng bệnh nhân bị bệnh tim đều phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị và phẫu thuật, 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành mổ tim hở điều trị bệnh tim cho bệnh nhân tại Đồng Nai. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy, còn Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hợp tác dưới dạng chuyển giao kỹ thuật.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, từ tháng 3-2018 đến nay, bệnh viện đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện 40 ca phẫu thuật tim hở cho người lớn và 2 trẻ em. Ngoài ra, Khoa Ngoại lồng ngực của bệnh viện cũng đã thực hiện được hơn 100 ca mổ hẹp động mạch cảnh với kết quả rất tốt như: không có ca nào tử vong, không có ca nào đột quỵ sau mổ, cải thiện triệu chứng rõ rệt vì xử lý được chỗ hẹp máu lên não. Kết quả này đạt tiêu chuẩn của các Hội đồng chuyên môn của châu Âu và Hoa Kỳ (tỷ lệ đột quỵ sau mổ ở mức dưới 3%).

Bệnh nhân được chăm sóc ở Phòng Hậu phẫu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sau ca phẫu thuật
Bệnh nhân được chăm sóc ở Phòng Hậu phẫu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sau ca phẫu thuật

“Chúng tôi thực hiện chương trình hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai 45 ca phẫu thuật tim hở. Tức là ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ ê-kíp phẫu thuật Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện 45 ca phẫu thuật tim hở. Dự kiến đến khoảng tháng 8-2020 sẽ hoàn tất bản hợp tác này và đến khi thực hiện ca phẫu thuật tim hở thứ 46, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có thể tự thực hiện được mà không cần sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên” - TS-BS Anh Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng, thành công lớn nhất của bệnh viện khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh với Bệnh viện Chợ Rẫy là đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ phẫu thuật tim lành nghề.

Chị Nguyễn Thị Dung, ngụ P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Gia đình tôi rất biết ơn đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã kịp thời cứu chữa con tôi bị phình đại tràng bẩm sinh hiếm gặp. Chúc đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện luôn dồi dào sức khỏe để cứu chữa thêm nhiều bệnh nhi”.

“Phẫu thuật tim là một chuyên ngành cực kỳ khó, không chỉ đòi hỏi bác sĩ có trình độ, chuyên môn, tay nghề cao mà cần phải có đam mê và “lửa” nghề. Sau gần 3 năm triển khai kỹ thuật tim hở, đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tim của bệnh viện đã có sự trưởng thành vượt bậc. Hiện có 2 bác sĩ có thể thực hiện thành thạo phẫu thuật tim. Ngoài ra, đội ngũ y, bác sĩ từ hồi sức, chạy máy, gây mê, hậu phẫu phục vụ quy trình mổ tim đều đã có thể đảm nhận được công việc dễ dàng mà không cần có sự hỗ trợ của ê-kíp tuyến trên như thời gian đầu” - BS Dũng chia sẻ.

Cũng theo BS Dũng, bệnh viện hướng đến mục tiêu sau ca phẫu thuật tim hở thứ 100, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sẽ không còn cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, đưa kỹ thuật phẫu thuật tim hở trở thành thường quy tại bệnh viện, giúp bệnh nhân mắc bệnh tim ở Đồng Nai không cần phải lên các bệnh viện ở TP.HCM để chữa trị, giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí ăn ở, đi lại và nhiều bất tiện khác.

* Cứu nhiều bệnh nhi mắc bệnh lạ, hiếm gặp

Hơn 6 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận 26 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao thuộc 7 lĩnh vực: ngoại nhi, gây mê, hồi sức nhi, hồi sức sơ sinh, tim mạch, nội thần kinh, xét nghiệm từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Bác sĩ Chu Văn Thiện, Trưởng phòng Đào tạo - nghiên cứu khoa học - chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, cùng với việc tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ các y, bác sĩ của bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng tiến hành đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhiệm vụ chuyên môn như: đèn mổ, bàn mổ, máy phẫu thuật nội soi ổ bụng, máy phẫu thuật nội soi tiết niệu…

Lĩnh vực ngoại nhi được xem là điểm nhấn của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khi thời gian gần đây bệnh viện liên tiếp cứu sống nhiều trường hợp trẻ sơ sinh, nhẹ cân, mắc các bệnh bẩm sinh, dị tật hiếm gặp. Phải kể đến như các kỹ thuật: phẫu thuật tạo hình hậu môn, phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn; các kỹ thuật về hồi sức sơ sinh; điều trị hồi sức tích cực, chống độc; đo cung lượng tim, siêu âm đánh giá tình trạng tim mạch trong cấp cứu; đo điện não, quản lý bệnh động kinh; quản lý các bệnh lý về tim mạch; nuôi cấy, định danh vi khuẩn, kháng sinh đồ bằng hệ thống tự động; xét nghiệm sàng lọc bệnh lý bẩm sinh ở trẻ sơ sinh…

Một ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM
Một ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh:H. Dung

Theo BS Chu Văn Thiện, nếu như trước đây, các ca chấn thương cần phẫu thuật sọ não, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì đến nay các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã thực hiện được. Nhờ đó, bệnh nhân không cần phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ tử vong và gặp phải các biến chứng liên quan.

Mới đây nhất, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị hen phế quản nguy kịch. Trên lĩnh vực ngoại khoa, các bác sĩ đã liên tục cứu sống các ca bệnh nặng, nguy hiểm như: trẻ sơ sinh bị phình đại tràng hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị thủng đường tiêu hóa và dị tật tắc tá tràng, trẻ sơ sinh bị teo thực quản, phẫu thuật u cơ môn vị, tạo hình hậu môn cho bệnh nhi, cứu trẻ bị hở thành bụng bẩm sinh hiếm gặp…

Hạnh Dung

Tin xem nhiều