Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết các vùng chuyên canh nông nghiệp

03:11, 05/11/2020

Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái với diện tích lớn. Đây là lợi thế cạnh tranh của nông sản Đồng Nai khi bước vào hội nhập.

Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái với diện tích lớn. Đây là lợi thế cạnh tranh của nông sản Đồng Nai khi bước vào hội nhập. Tuy nhiên, hiện giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là ở thị trường xuất khẩu vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Đồ họa thể hiện một số kết quả nổi bật về nông nghiệp, phát triển nông thôn của Đồng Nai trong những năm qua. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số kết quả nổi bật về nông nghiệp, phát triển nông thôn của Đồng Nai trong những năm qua. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Trong giai đoạn hội nhập nhiều thách thức, vấn đề liên kết giữa các địa phương, các vùng chuyên canh trên địa bàn tỉnh theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến ngày càng cấp thiết.

* Đầu tư hạ tầng đồng bộ

Đồng Nai đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông; đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất), Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (H.Cẩm Mỹ), Cụm công nghiệp Phú Túc (H.Định Quán) để phát huy hiệu quả của chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ, chế biến nông sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, mọi ưu tiên đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều phải bám sát mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, để đời sống của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Trong đó, Đồng Nai sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến để nông sản có đầu ra ngày càng bền vững.

Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn, nhất là đường giao thông và điện sản xuất, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái… Trong đó, không chỉ các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh được chú trọng đầu tư mà các tuyến đường nhựa, đường bê tông nối về các xã, vào tận cánh đồng sản xuất tạo nhiều thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất.

Nhận thấy cơ hội tốt trong đầu tư chế biến nông sản, nhiều năm trước, ông Nguyễn Thế Hưng đã thành lập Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát ngay tại vùng nguyên liệu trái cây ngon là xã Bình Lộc, TP.Long Khánh. Mục tiêu của chủ doanh nghiệp này là có được nguồn nguyên liệu tươi ngon ngay tại chỗ đưa vào chế biến vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào.

Nhận xét về những thay đổi căn cơ của những vùng nông thôn Đồng Nai, ông Hưng chia sẻ, tuy ưu tiên sử dụng nguyên liệu tại địa phương đưa vào chế biến nhưng doanh nghiệp vẫn phải đặt thêm nguồn hàng từ các vùng khác trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm trước, đường sá chưa được đầu tư nhiều như bây giờ, nhất là các tuyến đường vào ấp, vào xã thường xuống cấp, khó đi lại khiến xe tải chở hàng nhanh bị hư hao, chi phí vận chuyển cũng đội lên rất nhiều.

Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh)
Chế biến trái cây sấy tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất mít sấy Hưng Phát (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh). Ảnh: Bình Nguyên

Ông Hưng cho biết: “Tôi vừa mua thêm xưởng sản xuất ở xã Phú Tân (H.Định Quán) để mở rộng quy mô sản xuất vì các địa phương tập trung đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nên việc vận chuyển nông sản từ xã lên huyện, giữa các huyện, thành phố cũng dễ dàng hơn nhiều. Thời gian tới, Đồng Nai có thêm nhiều tuyến đường cao tốc kết nối với các tỉnh, thành sẽ tạo thuận lợi không nhỏ cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ”.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT thôn Lê Văn Gọi nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của Đồng Nai trong xây dựng NTM là cơ sở hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư một cách đồng bộ. Gần 377 ngàn tỷ đồng là tổng nguồn lực Đồng Nai đã đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn giai đoạn 2011-2019. Trong đó, ngân sách chiếm trên 11%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân. Điều này thể hiện Đồng Nai đã thu hút rất tốt nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư cho các vùng nông thôn, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có.

Những vùng quê nghèo trên đất Đồng Nai không ngừng thay da đổi thịt nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân... Giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo được trên 3,8 ngàn km đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên gần 2 ngàn km đường; diện mạo, cảnh quan dọc các tuyến đường được quan tâm chỉnh trang. Hệ thống điện đã đến tất cả các xã, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Định hướng cho chương trình xây dựng NTM của Đồng Nai trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, các địa phương cần quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng nông thôn. Cụ thể, cần chú trọng ưu tiên đầu tư các dự án giao thông lớn như: cầu Bạch Đằng nối từ tỉnh Bình Dương qua H.Vĩnh Cửu, đường 768B của H.Vĩnh Cửu nối với đường vành đai 4 của TP.Biên Hòa, đường từ xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) nối đến xã Thanh Sơn (H.Định Quán); trục từ Định Quán qua Long Khánh… nhằm kết nối giữa các địa phương. Ngoài ra, quy hoạch hương lộ 10 kết nối với khu vực vành đai cảng hàng không quốc tế Long Thành với H.Cẩm Mỹ và H.Xuân Lộc để tạo sự liên kết các vùng sản xuất nông nghiệp ở H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh, H.Cẩm Mỹ. Từ đó, tạo sức bật đánh thức tiềm năng của 2 huyện thuần nông là Xuân Lộc và Cẩm Mỹ.

* Bắt tay tạo chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến

Về Đồng Nai nhân dịp tổng kết 10 năm xây dựng NTM vào năm 2019, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý: “Tuy đạt được nhiều tiến bộ, nhưng sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai phải tổ chức liên kết các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống, cung cấp quy trình, công nghệ sản xuất để từ đây xuất khẩu đi nhiều nơi khác”.

Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ xây dựng các chuỗi liên kết giữa các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến là mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong giai đoạn tới. Theo đó, vài năm trở lại đây, Đồng Nai không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp mà còn xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao, Cụm công nghiệp Phú Túc…

Sầu riêng VietGAP tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Đình
Sầu riêng VietGAP tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hải Đình

Bí thư Đảng ủy xã Long Giao Nguyễn Đại Thắng cho hay, với lợi thế gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đô thị Long Giao được định hướng phát triển trở thành vùng đệm phụ trợ cho sân bay với các dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho hàng không... Theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách tỉnh, tuyến hương lộ 10 nối trung tâm hành chính của H.Cẩm Mỹ với đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn H.Xuân Lộc sẽ được đầu tư, kết nối Cẩm mỹ với các địa phương lân cận. Khi đó, Long Giao sẽ trở thành trung tâm trung chuyển nông sản cho các xã của Cẩm Mỹ đi nhiều nơi.

Đánh giá những lợi thế để Đồng Nai phát triển những vùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thống Nhất
(TP.Biên Hòa), chủ đầu tư dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho biết, Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận những thị trường lớn trong tiêu thụ nông sản, nhất là kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc lớn, thuận lợi đưa hàng đi TP.HCM và các tỉnh, thành khác cũng như tham gia xuất khẩu. Hiện nông sản Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-60% trên tổng sản lượng nông sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, góp phần đưa nông sản nội địa tham gia sân chơi hội nhập.

Chỉ ra những cơ hội thị trường lớn cho nông sản của tỉnh trong tương lai, TS Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho rằng, quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất 100 triệu hành khách/năm là một thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Đồng Nai. Tỉnh nên quan tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp và các giải pháp tích hợp công nghệ 4.0 để xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững đáp ứng tốt cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều