Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động nâng tầm cho hàng Việt

03:12, 12/12/2020

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt không ngừng tự đổi mới mình để cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế hàng Việt vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế cố hữu, như: nhiều doanh nghiệp còn lúng túng phát triển thương hiệu,…

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng Việt không ngừng tự đổi mới mình để cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế hàng Việt vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế cố hữu như: nhiều doanh nghiệp (DN) còn lúng túng phát triển thương hiệu, chưa chú trọng các yếu tố về sở hữu trí tuệ, tính minh bạch trên bao bì, nhãn mác, tính xã hội trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa; khả năng thích nghi, bắt kịp các xu hướng hiện đại, cạnh tranh chưa được như kỳ vọng…

 Biểu đồ thể hiện những yếu tố chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng thuộc một số nhóm mặt hàng theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào cuối tháng 5-2020. Nguồn: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Đồ họa: Hải Quân
Biểu đồ thể hiện những yếu tố chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng thuộc một số nhóm mặt hàng theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào cuối tháng 5-2020. (Nguồn: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Đồ họa: Hải Quân)

* Nhãn mác, bao bì vẫn còn nhiều bất cập

Việc công bố rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thông tin trên nhãn mác sản phẩm là yếu tố quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng Việt đối với hàng ngoại trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Nhãn mác là yếu tố quan trọng của tất cả các loại hàng hóa, được xem như một cách “giao tiếp” trực quan giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất và sản phẩm.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng thì yếu tố về bao bì, nhãn hiệu hàng hóa cũng được nhiều DN nội địa thường xuyên cập nhật, đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh. Thế nhưng, vẫn có những nhãn hàng hóa còn khá sơ sài về thông tin. Nhiều loại nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang… trên thị trường hiện vẫn còn chưa chú trọng những thông tin in trên bao bì, nhãn mác…

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho rằng, nhiều người tiêu dùng mong muốn các loại hàng hóa, sản phẩm trong nước cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng dinh dưỡng, thành phần sản phẩm, thông tin các tiêu chí về sản phẩm đạt chuẩn sạch, sản phẩm có sử dụng bao bì tái chế hay không, cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng có căn cứ để chọn mua thay vì chỉ mua bằng cảm quan như tại một số cửa hàng hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm như: nông sản, thực phẩm...

Thời trang Việt gặp phải sự cạnh tranh gắt gao trước sự “đổ bộ” của các “ông lớn” ngành Thời trang nước ngoài Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các sản phẩm tại cửa hàng thời trang Việt ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Thời trang Việt gặp phải sự cạnh tranh gắt gao trước sự “đổ bộ” của các “ông lớn” ngành Thời trang nước ngoài Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các sản phẩm tại cửa hàng thời trang Việt ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

Chị Thanh Trúc (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay nhiều sản phẩm trong nước có thương hiệu đều chú trọng đổi mới mẫu mã, bao bì, trong đó có nhiều nhãn hàng đã sử dụng các loại bao bì sạch, thân thiện với môi trường, thông tin nhãn mác tuân theo các chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, vẫn có những sản phẩm thực phẩm, hàng chế biến khô… từ cơ sở sản xuất nhỏ thường chỉ ghi sơ sài vài thông tin về nơi sản xuất, một số sản phẩm còn mập mờ thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng gây khó khăn cho người tiêu dùng…

* Loay hoay sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu

Việc khai thác hiệu quả thông tin sở hữu trí tuệ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với DN trong quá trình nghiên cứu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quản lý tài sản trí tuệ, khai thác, sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ, sáng chế.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa chưa hiểu được ý nghĩa đầy đủ về sở hữu công nghiệp nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung. Một số DN vẫn còn e ngại, ít chủ động hợp tác để thu hồi và xử lý các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vì sợ ảnh hưởng đến các sản phẩm của mình hoặc chỉ đi đăng ký khi bị các cơ quan hữu quan kiểm tra, nhắc nhở…

Ông V.H., Giám đốc một công ty chuyên về sản xuất, kinh doanh các linh kiện cơ khí ở TP.Biên Hòa chia sẻ, do là DN nhỏ nên công ty cũng chưa chú trọng tới việc đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Bởi thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu khá lâu, lo ngại nhiều thủ tục phức tạp…

 Ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Trung tâm KH-CN (Sở
KH-CN) chia sẻ, sở hữu trí tuệ mang lại cho DN nhiều lợi thế, tuy nhiên nhiều DN khởi nghiệp hiện mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng… mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu; nhận thức về sở hữu trí tuệ chưa đồng đều và đầy đủ.

Ngoài ra, theo đại diện Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, hiện không ít DN địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn còn “chậm chân” trong vấn đề nhận diện, bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh tình trạng hàng lậu, hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Trong những năm qua, nhiều thương hiệu DN trong nước đã và đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, những DN trong số đó vẫn là “gương mặt thân quen”, những thương hiệu lớn. Trong khi đó, nhiều DN trong nước hiện vẫn là những DN non trẻ, còn loay hoay với vấn đề xây dựng thương hiệu do nguồn vốn còn hạn chế; kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường còn bất cập; nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu…

Ông Bùi Mạnh Hùng, đại diện Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM nhận định, chi phí sản xuất cao do không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào khiến giá thành sản phẩm cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa làm tốt việc xây dựng thương hiệu… dẫn đến hàng hóa Việt sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam.

* Cần chủ động trước những xu hướng tiêu dùng mới

Khi đời sống xã hội ngày càng nâng cao, khoa học - công nghệ, các kênh mua sắm trực tuyến phát triển nhanh chóng thì các yêu cầu về quy trình sản xuất, thành phần nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy thương hiệu cũng phải ngày càng cải thiện, bắt kịp các xu thế của thị trường.

Nhiều sản phẩm hàng Việt cần cải thiện mẫu mã, đảm bảo các thông tin liên quan đến sản phẩm. Trong ảnh: Một gian hàng các sản phẩm nước tương, nước chấm của các nhãn hàng trong nước tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Nhiều sản phẩm hàng Việt cần cải thiện mẫu mã, đảm bảo các thông tin liên quan đến sản phẩm. Trong ảnh: Một gian hàng các sản phẩm nước tương, nước chấm của các nhãn hàng trong nước tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

Chẳng hạn, đối với các mặt hàng thời trang, các DN Việt vốn được nhìn nhận là có những lợi thế riêng khi nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, trước xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) đang ngày càng phổ biến, nhiều “ông lớn” ngành thời trang nhanh từ nước ngoài như: Zara, Stradivarius, G2000, H&M, Uniqlo, Mango… đổ vào thị trường trong nước. Điều này đòi hỏi các DN Việt cần tiến hành thay đổi từ thiết kế, sản xuất, phân phối đến marketing mới có thể mang lại sự khác biệt và độ nhận diện thương hiệu trong ngành thời trang, mới có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, ít nhất là trên “sân nhà”…

Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng thương mại thì nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Hơn thế nữa, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt. Điều này đòi hỏi các DN trong nước cần phải thích nghi và thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, thương mại điện tử ngày càng chiếm vị thế quan trọng, nhất là từ sau những tác động của dịch Covid-19. Thương mại điện tử tác động đến cách người tiêu dùng tìm kiếm, tìm hiểu thông tin, kết nối với các thương hiệu và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các DN cần phải chủ động nắm bắt cơ hội để thúc đẩy các kênh bán hàng trực tuyến một cách phù hợp, liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường…

Theo một số chuyên gia kinh tế, nhiều mặt hàng xuất khẩu của DN trong nước hiện vẫn còn tỷ lệ gia công cao. Một số DN chưa cập nhật các yếu tố để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, thiếu tính liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế tuy ngày càng tiến bộ nhưng vẫn còn khá thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực…

Hải Quân

 

Tin xem nhiều