Báo Đồng Nai điện tử
En

Lạc quan đón đầu cơ hội mới

04:01, 01/01/2021

Khép lại một năm đầy khó khăn thử thách, nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải điều chỉnh hoặc thay thế để thích ứng với những tác động của đại dịch Covid-19 song hầu hết các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN nhỏ và vừa, DN tư nhân tại Đồng Nai vẫn giữ được tinh thần lạc quan để tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới.

Khép lại một năm đầy khó khăn thử thách, nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh phải điều chỉnh hoặc thay thế để thích ứng với những tác động của đại dịch Covid-19 song hầu hết các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN nhỏ và vừa, DN tư nhân tại Đồng Nai vẫn giữ được tinh thần lạc quan để tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới.

Nỗ lực đầu tư công nghệ để nâng cấp năng lực cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới là yêu cầu tiên quyết của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Ảnh:H.Giang
Nỗ lực đầu tư công nghệ để nâng cấp năng lực cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới là yêu cầu tiên quyết của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Ảnh:H.Giang

Nỗ lực vượt khó, tái ổn định sản xuất, kinh doanh, bám sát chiến lược kinh tế của Nhà nước, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia... là mẫu số chung cho mọi DN trong giai đoạn hiện nay.

* Một năm nỗ lực vượt khó

Năm 2020 khởi đầu bằng việc đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Nền kinh tế đất nước chỉ tăng trưởng gần 3% song cũng là điểm sáng hiếm hoi của cả thế giới. Đối với Đồng Nai, GRDP tăng 4,44% cũng thấp hơn so với kế hoạch năm, xuất khẩu cũng thấp hơn so với mục tiêu đặt ra từ trước, khi chỉ đạt hơn 18,7 tỷ USD.

Đối với cộng đồng DN trên địa bàn và từng DN nói riêng thì mỗi đơn vị lại trải qua những khó khăn khác nhau, nhất là trong thời điểm phải cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch. Nhu cầu thị trường trong nước sụt giảm, chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm trầm trọng thêm khó khăn.

Hoạt động kinh doanh khó khăn còn thể hiện qua con số thống kê từ đầu năm đến ngày 15-12 có 349 DN giải thể với số vốn 5,5 ngàn tỷ đồng và 360 chi nhánh, địa điểm kinh doanh chấm dứt hoạt động; 679 DN tạm ngừng kinh doanh. Các DN này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa và thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động, tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả.

Thử thách, khó khăn nhưng song hành với đó là sự nỗ lực của nền kinh tế. Triển vọng hoạt động của cộng đồng DN vẫn rất lớn khi trong năm số DN ngoài nhà nước có tổng vốn đăng ký thành lập mới và bổ sung tăng vốn trên 86,8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, số đăng ký thành lập mới là 3.835 doanh nghiệp, tăng 0,52% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký là 72.365,4 tỷ đồng, tăng 88,48% và 518 lượt DN đăng ký tăng vốn với vốn đăng ký bổ sung gần 14,5 ngàn tỷ đồng.

Thêm một điều ấn tượng trong năm của tỉnh đến từ việc thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước vẫn ở mức cao với 29 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn.

* Nâng cấp năng lực để đón thời cơ

16 năm bước chân vào thị trường, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cũng đã có nhiều phen sóng gió trong kinh doanh. Hiểu được việc phát triển bền vững là phải không ngừng nâng cấp năng lực của mình nên DN này đã nỗ lực để đạt được các quy chuẩn chất lượng sản phẩm cao hơn. Nhờ chính sách đồng hành và phát triển cùng nông dân, công ty đã phát triển được hơn 20 dòng sản phẩm, trong đó hơn 10 dòng sản phẩm đạt chứng nhận toàn cầu về sản xuất và kinh doanh nông sản có trách nhiệm của Hà Lan, 4 sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, 1 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm Ocop (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao. Các sản phẩm của công ty được xuất khẩu đi một số nước châu Âu, châu Á.

Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty thì những kết quả mà công ty đạt được trong thời gian qua là động lực để DN tiếp tục phát triển, đồng hành với nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư sâu vào chế biến sản phẩm. “Sau đại dịch, ngành Ca cao Việt Nam đứng trước cơ hội và cả những thử thách để hội nhập, phát triển bền vững. Kiên trì theo đuổi đam mê thì không có khó khăn nào không vượt qua được” - ông Khanh lạc quan, tin tưởng.

Với ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai, đơn vị chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ từ nhựa, cao su, phục vụ công nghiệp chế tạo, năm 2021 vẫn còn nhiều cơ hội để DN tiếp tục phát triển. Hiện công ty có năng lực sản xuất hằng năm 2 triệu sản phẩm, gần 90% là tiêu thụ tại thị trường trong nước (cung ứng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài), phần còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản. “Kế hoạch năm 2021, chúng tôi tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng, nhất là DN Nhật có nhu cầu chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Thông qua các hội thảo, xúc tiến thương mại để mở thêm các kênh tiếp cận khách hàng mới là giải pháp của DN” - ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì DN trong nước lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năng lực vẫn còn khiêm tốn. Điều cần thiết là cùng với sự nỗ lực của DN thì cần có thêm chính sách hỗ trợ, chiến lược phát triển rõ ràng để tập hợp, liên kết quy tụ tiềm năng của các DN lại với nhau.

Nhận định về triển vọng phát triển, Chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Nguyễn Hữu Hiểu cho rằng, dù khó khăn, các DN, doanh nhân vẫn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của mình và có đủ bản lĩnh để đương đầu, vượt qua thách thức, khó khăn. Sân chơi, đầu mối tập hợp, đoàn kết các DN, doanh nhân của tỉnh ngày càng nhiều là cơ hội để DN cùng nhau hợp sức tìm kiếm cơ hội mới.

Văn Gia

Tin xem nhiều