Báo Đồng Nai điện tử
En

''Lối đi'' cho ngành dệt may, giày dép

03:11, 04/11/2021

Dệt may, giày dép là hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như Đồng Nai. Nhiều năm qua, dệt may, giày dép luôn có mức tăng trưởng cao, nhưng từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hai ngành này tăng trưởng âm.

[links()]Dệt may, giày dép là hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như Đồng Nai. Nhiều năm qua, dệt may, giày dép luôn có mức tăng trưởng cao, nhưng từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hai ngành này tăng trưởng âm. Dịch bệnh hiện đã lắng xuống, các doanh nghiệp (DN) đang tìm lối thoát để vượt qua khó khăn.

Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giày dép và dệt may của tỉnh trong 10 tháng của năm 2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giày dép và dệt may của tỉnh trong 10 tháng của năm 2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), dệt may, giày dép là hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động, giày dép cũng sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động. Ngoài ra, còn có gần 1,5 triệu người kinh doanh thương mại và dịch vụ liên quan đến dệt may, da, giày. Năm 2020 là năm đầu tiên hai ngành có mức tăng trưởng âm khoảng 10% sau vài chục năm tăng trưởng liên tục, ở mức cao.

* Bài toán khó trong đại dịch

Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho hai ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như Đồng Nai là dệt may và giày dép phải đối mặt với khó khăn chưa từng có từ trước đến nay. Việt Nam hiện có 3 tỉnh, thành sản xuất dệt may, giày dép lớn nhất khu vực phía Nam là: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và đều chịu thiệt hại nặng nề, vì ngành này sử dụng nhiều lao động không thể duy trì phương án “3 tại chỗ”. Trong làn sóng dịch lần thứ 4, việc thực hiện giãn cách xã hội đã khiến nhiều DN dệt may, giày dép ở khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động trong 2-3 tháng, dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas, năm 2020, Việt Nam chống dịch thành công nên kết quả sản xuất, kinh doanh của dệt may, giày dép khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020 và các tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4-2021 đến nay, dịch Covid-19 lại bùng phát tại một số tỉnh phía Bắc rồi đến TP.HCM và các tỉnh phía Nam với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài. Cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách, phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ với mức độ và quy mô khác nhau đã làm cho nhiều DN dệt may, giày dép phải đóng cửa, thu hẹp sản xuất.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 10-2021, nhiều DN dệt may, giày dép đã có chính sách hỗ trợ người lao động về kinh tế, tổ chức xe ô tô đón họ từ quê trở lại làm việc. Do đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10-2021, dệt may tăng gần 26%, giày dép tăng 24% so với tháng trước đó.

Từ cuối tháng 9-2021, các tỉnh, thành tiến hành mở cửa ngành dệt may, giày dép từng bước phục hồi sản xuất nhưng lại đối mặt với việc thiếu lao động làm việc trong các nhà máy. Vì qua cao điểm của dịch Covid-19, tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, giày dép. Chuỗi cung ứng dệt may, giày dép lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung - cầu bên ngoài mà do chính yếu tố trong nước, mà việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính. Đây là bài toán khó cho các DN dệt may, giày dép khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay cho chủ trương “Không có Covid-19”.

Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái cho biết: “Tập đoàn có 5 công ty sản xuất giày tại Đồng Nai với hơn 64 ngàn lao động. Đợt dịch lần thứ 4, tập đoàn phải tạm dừng hoạt động ở hầu hết các công ty và đầu tháng 10-2021, khôi phục hoạt động sản xuất. Hiện đã có hơn 80% lao động trở lại làm việc, đơn hàng xuất khẩu cho cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không thiếu, nhưng tập đoàn lo khó tuyển đủ lao động để khôi phục 100% công suất”.

Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: HƯƠNG GIANG
Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Ngành dệt may, giày dép đang trong quá trình phục hồi và để phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố: phòng chống dịch Covid-19, có đủ lao động để vận hành 100% công suất các nhà máy, đầu tư cho công nghệ để tăng công suất nhưng cần thêm ít lao động.

* Chung sức phục hồi ngành dệt may, giày dép

Sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang đứng thứ 2, giày dép đứng thứ 4 trên thế giới. Do đó, khi sản xuất của hai ngành này ở Việt Nam bị suy giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu lập tức bị ảnh hưởng khá lớn, ngay trong thời gian ngắn, các nhãn hàng rất khó khăn trong việc tìm nguồn hàng để bù đắp. Do đó, nhiều nhãn hàng đã chung sức, chia sẻ khó khăn với các DN để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam cho hay: “Ngành da, giày sử dụng nhiều lao động nên khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, rất nhiều DN phải dừng sản xuất, không đáp ứng được đơn hàng, gây ảnh hưởng lớn cho chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, DN da, giày ở Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ nhiều năm với các khách hàng trên thế giới nên nhiều khách hàng đã chia sẻ khó khăn bằng cách cho kéo dài thời gian giao hàng, chỉ chuyển những đơn hàng gấp đến khu vực khác. Đồng thời, nhiều khách hàng cam kết khi các DN phục hồi sản xuất sẽ tiếp tục ưu tiên đơn hàng”.

Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: H.Giang
Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) sản xuất quần áo xuất khẩu. Ảnh: H.Giang

Sự chia sẻ kịp thời của các đối tác nước ngoài đã giúp cho các DN dệt may, giày dép tại Việt Nam mạnh dạn hơn trong đầu tư phục hồi sản xuất. Do đó, các DN ở hai lĩnh vực trên có mức độ phục hồi khá nhanh và bớt phải lo đến đầu ra cho sản phẩm.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, sản xuất dệt may, giày dép bị giảm công suất đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và nhiều người tiêu dùng chịu tác động trực tiếp. Do đó, hiệp hội có những giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất và chuỗi cung ứng, thông qua việc đề xuất Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho người lao động, nhằm sớm khống chế dịch, khôi phục sản xuất. Đồng thời, đề xuất các nhãn hàng có sự chia sẻ, hỗ trợ các DN Việt để duy trì phục hồi sản xuất”.

Theo đề xuất của hơn 10 hiệp hội DN các ngành nghề trên cả nước, để DN phục hồi sản xuất nhanh thì việc thực thi chính sách bình thường mới phải thống nhất giữa các tỉnh, thành trong cả nước để người lao động dễ dàng trở lại nhà máy làm việc, vận chuyển lưu thông nguyên phụ liệu, sản phẩm không bị ách tắc. Chính phủ cần đàm phán mua thêm vaccine và thúc đẩy nhanh chóng tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người lao động và cộng đồng dân cư để khống chế dịch lây lan. Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh, thành, DN chú ý đến các chính sách hỗ trợ để người lao động từ khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ, Tây nguyên trở lại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM làm việc, hạn chế tình trạng có đơn hang nhưng thiếu lao động sản xuất.

TS ĐỖ QUỲNH CHI, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho rằng, qua khảo sát có 89% lao động di cư về các tỉnh muốn quay lại làm công việc cũ. Qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều người lao động kiệt quệ về kinh tế, tinh thần phải về quê, nếu không có hỗ trợ họ sẽ ở lại 3-5 tháng mới quay lại nhà máy làm việc. Vì thế, DN có những chính sách hỗ trợ kịp thời, người lao động sẽ trở lại làm việc sớm hơn. Như vậy, tốc độ phục hồi sản xuất của DN sẽ nhanh hơn và giảm bớt nỗi lo thiếu lao động.

Hương Giang

Tin xem nhiều