Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính đường dài cho 2 ngành trọng điểm

08:11, 03/11/2021

Với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD (số liệu bình quân trong 2 năm 2019 và 2020), ngành dệt may và giày dép, túi xách (gọi chung là dệt may và da giày) là 2 ngành chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD (số liệu bình quân trong 2 năm 2019 và 2020), ngành dệt may và giày dép, túi xách (gọi chung là dệt may và da giày) là 2 ngành chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Theo thống kê, 2 ngành này cũng giải quyết một lượng lớn lao động cho cả nước. Tính toán sơ bộ cho thấy, dệt may đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động, da giày sử dụng khoảng 1,4 triệu lao động. Ngoài ra, còn có gần 1,5 triệu người kinh doanh thương mại và dịch vụ liên quan đến 2 ngành này.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, theo đánh giá của Bộ Công thương, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với các ngành: du lịch, hàng không, da giày. Trong năm 2020, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã ảnh hưởng gần như lập tức đến ngành dệt may và da giày.

Cụ thể, sự sụt giảm nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ và châu Âu tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Hoa Kỳ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may). Lần đầu tiên sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may tăng trưởng âm; năm 2020 chỉ đạt 29,8 tỷ USD, so với 32,8 tỷ USD năm 2019 (giảm 9,2%).

Ngành da giày cũng gặp nhiều khó khăn tương tự do các thị trường xuất khẩu chính cũng là Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Nếu như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018) thì năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 20 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm 2019 (nguồn: Bộ Công thương).

Mặc dù vậy, điều đáng mừng là ngay khi dịch bệnh được kiểm soát một cách tương đối nhờ vaccine phủ rộng tại nhiều tỉnh, thành (trong đó có Đồng Nai), thì ngành da giày và dệt may cũng nhanh chóng bắt nhịp với “bình thường mới” và có tốc độ phục hồi sản xuất khá nhanh. Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 10-2021, nhiều DN dệt may, giày dép đã có chính sách hỗ trợ người lao động về kinh tế, tổ chức xe ô tô đón họ từ quê trở lại làm việc. Do đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10-2021, dệt may tăng gần 26%, giày dép tăng 24% so với tháng trước đó.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, nếu trong tháng
10-2021, các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại, nguồn lao động đáp ứng được 40%, công nhân được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, xuất khẩu toàn ngành năm 2021 sẽ cố gắng đạt từ 30-33 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn nhận lại, một số điểm yếu của 2 ngành này vẫn đang tồn tại và càng yếu hơn trong đại dịch. Đó là thâm dụng lao động còn rất phổ biến, mức độ đầu tư công nghệ chưa cao và chưa đồng đều, giá trị gia tăng trên sản phẩm còn thấp, nguyên vật liệu còn phải nhập khẩu nhiều… Vậy nên, câu chuyện tính toán cho 2 ngành dệt may và da giày phát triển bền vững dù có đại dịch Covid-19 hay không vẫn là mang tính thời sự. Do đó, các giải pháp đường dài cho dệt may và da giày vẫn là các chính sách “nhắm” thẳng vào các điểm yếu trên, tìm cách giải quyết căn cơ nhất.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều