Báo Đồng Nai điện tử
En

Sớm tính toán nguồn lực xây dựng đô thị sân bay

07:11, 26/11/2021

Có quy mô trên 5 ngàn ha, cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) là dự án sân bay dân dụng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Và vì lẽ đó, việc xác định tầm nhìn, xây dựng quy hoạch, tính toán các nguồn lực... để hình thành nên một đô thị sân bay trong tương lai là điều khả thi.

Có quy mô trên 5 ngàn ha, cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) là dự án sân bay dân dụng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Và vì lẽ đó, việc xác định tầm nhìn, xây dựng quy hoạch, tính toán các nguồn lực... để hình thành nên một đô thị sân bay trong tương lai là điều khả thi.
Sớm nhận thấy lợi thế đặc biệt này, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia quy hoạch đô thị, chuyên gia hàng không, kinh tế... tham vấn ý kiến để từng bước hình thành hướng xây dựng đô thị sân bay.

Trên thực tế, xu hướng hình thành các đô thị sân bay - tức xây dựng một hoặc nhiều đô thị trong lòng khu vực sân bay hoặc xung quanh khu vực sân bay - khá phổ biến trên thế giới. Dựa vào đặc điểm từng sân bay, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng các đô thị sân bay quy mô, hiện đại và biến những đô thị đó thành những trung tâm tài chính, logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa, giáo dục, nghỉ dưỡng, thương mại quốc tế… rất thành công. Những câu chuyện thành công về đô thị sân bay trên thế giới có thể kể đến là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… Tùy theo quy mô, quỹ đất, các đô thị sân bay có thể có diện tích nhỏ và nằm trong lòng khu vực sân bay (Singapore, Nhật Bản), hoặc có quy mô rất lớn với hàng chục ngàn khu dân cư vây quanh như UAE…

Với sân bay Long Thành, từ Chính phủ, các bộ, ngành đến địa phương lẫn các chuyên gia đều có chung nhìn nhận, tiềm năng để xây dựng một đô thị sân bay là rất lớn. Quy mô và sức ảnh hưởng của đô thị này không chỉ giới hạn trong tỉnh mà hoàn toàn có thể phát triển và kết nối với nhiều vùng, địa phương xung quanh thông qua mạng lưới giao thông đa dạng và hiện đại. Lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần khẳng định, mong muốn của Đồng Nai là phải lan tỏa được động lực phát triển từ dự án Sân bay Long Thành một cách rộng lớn. Do đó, tầm nhìn về đô thị sân bay đã được xác định từ sớm. Ở góc độ địa phương, hiện tỉnh đã tiến hành quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối cho sân bay Long Thành nhằm đón đầu sự phát triển, ít nhất là trong tương lai gần (khoảng năm 2025, khi giai đoạn 1 của dự án sân bay hoàn thiện và đưa vào khai thác).

Tuy nhiên, ai cũng hiểu, nguồn lực để xây dựng một đô thị sân bay là rất lớn. Xác định được tầm nhìn, định hướng, quy hoạch đồng bộ, song cũng cần phải mở ra các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực từ cả khu vực tư nhân lẫn khu vực đầu tư công vào dự án này. Thực tế từ nhiều dự án lớn của quốc gia cho thấy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho nhiều lĩnh vực đang gặp những khó khăn, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó có một phần không nhỏ là do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thu hút nguồn lực. Vì vậy, ngay từ lúc này, bên cạnh việc xây dựng tầm nhìn, quy hoạch thì việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực cho đô thị sân bay cũng cần sớm được quan tâm, thực hiện.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều