Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế

10:12, 31/12/2021

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng, đến thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị đã nỗ lực duy trì, phục hồi sản xuất...

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nói riêng, đến thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị đã nỗ lực duy trì, phục hồi sản xuất phục vụ các đơn hàng nội địa, xuất khẩu.

Sản xuất bao bì để cung ứng cho doanh nghiệp tại Công ty CP Bao bì Toàn Cầu. Ảnh: V.Gia
Sản xuất bao bì để cung ứng cho doanh nghiệp tại Công ty CP Bao bì Toàn Cầu. Ảnh: V.Gia

Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng chung, có những DN vẫn tiếp tục đổ vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tìm hướng đi mới để nâng cao năng lực thích ứng của mình. Cộng đồng DN mong muốn quá trình phục hồi nhận được thêm chính sách trợ giúp đắc lực từ Nhà nước cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn của địa phương.

* Tập trung sản xuất để đáp ứng đơn hàng

Trên thực tế, trừ những lý do bất khả kháng phải tạm ngưng sản xuất một thời gian, các DN trên địa bàn tỉnh nói chung đã chủ động nhiều phương án ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn cụ thể. Nhiều DN có đơn hàng xuất khẩu nhưng không kịp sản xuất, linh hoạt dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu cho DN tại tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, các DN cũng chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng một phần sản xuất, xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Liên Khanh là DN sản xuất gỗ ở TP.Long Khánh, lao động của công ty trong thời gian qua luôn được ban lãnh đạo tạo việc làm ổn định, ngay cả trong thời gian căng thẳng của dịch bệnh. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Công Thụy, nhờ có đơn hàng từ trước, DN đã tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, tranh thủ thời gian làm hàng lưu kho để khi nới lỏng giãn cách xã hội đã quay trở lại sản xuất một cách tập trung nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cũng như mọi đơn vị khác, gỗ Liên Khanh đang rất mong muốn đại dịch mau chóng qua đi để DN không còn lo lắng về việc đứt gãy nguồn cung ứng và việc sản xuất ổn định lâu dài.

Tương tự, Công ty TNHH Nam Long là một trong những nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài cung ứng trong nước, Nam Long còn xuất khẩu hàng hóa đi 8 thị trường nước ngoài, trong đó Hàn Quốc là trọng điểm. Ông Lê Bạch Long, Giám đốc công ty chia sẻ, nguồn nguyên liệu của DN đa phần là cao su khai thác trên địa bàn tỉnh. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu để sản xuất thêm một số sản phẩm nguyên liệu cao su nhân tạo để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của thị trường.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, mặc dù khó khăn, các DN tư nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đổ vốn nhiều vào sản xuất. Tính từ đầu năm đến ngày 15-12, tổng vốn đăng ký thành lập mới DN và bổ sung tăng vốn là trên 93,2 ngàn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020. Trong đó, có hơn 2,9 ngàn DN thành lập mới với tổng vốn hơn 56,5 ngàn tỷ đồng và 946 DN tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 36,7 ngàn tỷ đồng. Trong muôn vàn khó khăn, những con số này chứng tỏ sự tin tưởng và kế hoạch dài hơi của nhiều DN trong thời gian tới.

* Tiếp tục cần sự đồng hành hỗ trợ của Nhà nước

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho rằng, dù khó khăn, cộng đồng DN vẫn tin tưởng vào khả năng phục hồi và phát triển, nhất là khi đã xác định sống chung, an toàn với dịch bệnh. Trong quá trình phục hồi của các DN, vẫn rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền các cấp.

Theo ông Điềm, khó khăn là tình hình chung của hầu hết DN sau khi trở lại trạng thái bình thường mới. Một phần nguồn nhân lực đã trở về quê và chưa quay lại nhà máy để tiếp tục làm việc nên việc khó khăn đầu tiên mà DN đối mặt hiện nay là thiếu nhân lực để sản xuất. Bên cạnh đó, dù đã quay trở lại sản xuất nhưng có khả năng nguồn khách hàng, đối tác sẽ bị hao hụt, cần thời gian tìm kiếm lại.

Cũng theo ông Đặng Văn Điềm, sự khó khăn đó của DN cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, đồng hành của chính quyền địa phương, đưa ra những quyết sách phù hợp giúp cho DN có thêm động lực tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Để hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Đồng Nai đã bám sát chủ trương chung của Chính phủ, các bộ, ngành, từ đó triển khai các chương trình hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí đến tạo thuận lợi hóa thương mại. Song song đó, tỉnh tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động, coi đây là đối tượng ưu tiên, do vậy mà DN cũng phần nào yên tâm hơn. Đến hiện tại, về cơ bản, Đồng Nai đã phủ hết vaccine mũi 2 cho người lao động.

Mới đây nhất, nhằm thúc đẩy DN kinh doanh trên mạng, Sở Công thương đã cho ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai. Sàn sẽ là nơi giúp thương nhân, nhà sản xuất cắt giảm tối đa các chi phí trung gian, gia tăng số lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bán ra thị trường; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với phương thức kinh doanh hiện đại không bị khống chế về mặt thời gian và không gian…

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho biết, đơn vị sẽ hỗ trợ đắc lực về vấn đề kỹ thuật, công nghệ để các DN đăng ký tham gia trên sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của thương mại điện tử tỉnh nhà.

Văn Gia

Tin xem nhiều