Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo điểm nghẽn để khu công nghệ cao phát triển

08:04, 12/04/2022

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới có 4 khu công nghệ cao (CNC) tại TP.HCM, Hà Hội, Đà Nẵng và Đồng Nai. Có 3/4 khu CNC sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật hoạt động khá hiệu quả nên nhiều nơi muốn thành lập khu CNC, nhưng thủ tục vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Hiện nay, Việt Nam mới có 4 khu công nghệ cao (CNC) được thành lập tại TP.HCM, Hà Hội, Đà Nẵng và Đồng Nai. Có 3/4 khu CNC sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật hoạt động khá hiệu quả nên nhiều tỉnh, thành muốn thành lập khu CNC, nhưng thủ tục vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Khu nghiên cứu sản xuất hoa lan trong Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Hương Giang
Khu nghiên cứu sản xuất hoa lan trong Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Hương Giang

Ngày 24-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 865/QĐ-TTg về việc thành lập Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai. Khu CNC có diện tích gần 210ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ), chức năng là nghiên cứu, ươm tạo, phát triển, chuyển giao, ứng dụng CNC trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

* Nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, các khu CNC gặp những vướng mắc kéo dài đến nay chưa được tháo gỡ, dù năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật CNC, sau đó Chính phủ ban hành một số nghị định. Cụ thể, hiện vẫn chưa đưa được những nội dung ưu đãi đối với các dự án đầu tư có tính chất đột phá, các quy định đảm bảo đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các khu CNC, chưa có cơ chế khuyến khích các khu CNC đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, Khu CNC công nghệ sinh học của tỉnh được chuyển từ Trung tâm Công nghệ sinh học. Khu CNC của tỉnh được đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và chủ yếu là đất cao su nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi và nhanh.

TS Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ CNC nhận xét: “Cả nước có 3 khu CNC đang hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế rất cao là: Hòa Lạc, TP.HCM và Đà Nẵng. Đơn cử như khu CNC TP.HCM đến nay thu hút được 165 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 11,2 tỷ USD và 60% sản phẩm CNC của thành phố sản xuất trong khu này. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của khu CNC TP.HCM tăng 30%/năm. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ bằng cách sửa Luật CNC cho phù hợp với quá trình phát triển”.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề phát sinh khiến các địa phương loay hoay trong thực hiện hoặc đề xuất quy hoạch các khu CNC. Luật CNC sau gần 14 năm thực hiện đã có những điểm không theo kịp với xu hướng phát triển chung nên rất cần phải sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản tạo cơ chế cho các tỉnh, thành thúc đẩy phát triển khu CNC làm trụ cột cho các tỉnh, thành trong thu hút dòng vốn chất lượng cao, từng bước hướng đến nền kinh tế số.

Khu nghiên cứu sản xuất hoa lan trong Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai ở H.Cẩm Mỹ
Khu nghiên cứu sản xuất hoa lan trong Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai ở H.Cẩm Mỹ

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai đang đề xuất Chính phủ cho mở rộng Khu CNC công nghệ sinh học Đồng Nai lên khoảng 500ha và đa dạng ngành nghề để phát huy hiệu quả cao hơn nhưng lại gặp vướng mắc là trong luật, nghị định chưa có quy định về việc mở rộng các khu CNC và cho đa ngành. Do đó, hồ sơ đề xuất mở rộng khu CNC của Đồng Nai vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ”. Tương tự, tại TP.HCM, khu CNC đã lấp đầy, muốn mở rộng thêm diện tích nhưng cũng chưa có cơ chế để thực hiện.

* Có cơ chế huy động vốn tư nhân

Hiện nay, ngoài Đồng Nai thì các địa phương khác như: Thừa Thiên - Huế, Hà Nam, Cần Thơ đang lấy ý kiến và chờ thẩm định của các bộ, ngành về đề án thành lập khu CNC. Thời gian chờ đợi hoàn thành các thủ tục trên đều từ 3-5 năm, nhưng chưa xong. Sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục, các địa phương có sẵn nguồn vốn đầu tư cũng phải mất từ 4-5 năm xây dựng hạ tầng kỹ thuật rồi mới đi vào hoạt động.

Một vấn đề khiến Đồng Nai và các tỉnh, thành đã được chấp thuận cho xây dựng khu CNC đang đau đầu là vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trung bình từ 7-7,5 tỷ đồng/ha. Đơn cử như Đồng Nai muốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu CNC công nghệ sinh học hơn 200ha cần vốn ngân sách hơn 1,4 ngàn tỷ đồng, nếu mở rộng lên 500ha cần 3,6 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho các tỉnh, thành có hạn và không chỉ ưu tiên cho một dự án khu CNC.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cho hay: “Hà Nam có tỉ trọng ngành Công nghiệp chiếm trên 60% nên tỉnh rất muốn thành lập một khu CNC để lấy công nghệ làm nền tảng cho phát triển kinh tế của địa phương. Tỉnh đã quy hoạch khu CNC hơn 660ha với tổng vốn đầu tư hơn 5 ngàn tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước có hạn, tỉnh đã mời gọi DN đầu tư hạ tầng, nhưng lại phải đợi vì không có quy định cho DN tư nhân đầu tư hạ tầng khu CNC”.

Cũng theo ông Chức, nguồn lực và vai trò của DN tư nhân rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, vì thế Chính phủ nên có những chính sách kịp thời để họ đồng hành cùng Nhà nước trong các chương trình, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của từng địa phương và quốc gia.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch khu CNC khoảng 1 ngàn ha và ước tính vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 7 ngàn tỷ đồng, nếu chỉ trông đợi vào vốn ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn. “Hiện nay, nhiều DN tư nhân ngỏ ý muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu CNC ở Thừa Thiên - Huế, song họ cần Chính phủ có cơ chế rõ ràng để tham gia. Các DN tư nhân tham gia vào dự án sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Tại Đồng Nai, nhiều DN đang chờ chính sách Nhà nước và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư hạ tầng Khu CNC công nghệ sinh học của tỉnh. Trong đó, một số DN đề xuất tỉnh quy hoạch mở rộng khu CNC về khu vực gần cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm khai thác hết những lợi thế để phát triển.

Hương Giang


Bộ trưởng KH-CN HUỲNH THÀNH ĐẠT:

Chính phủ giao cho Bộ KH-CN hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về khu CNC. Dự thảo tập trung vào giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để thúc đẩy xây dựng, phát triển khu CNC. Trong đó, hướng dẫn cụ thể trình tự thành lập, mở rộng khu CNC, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền ban quản lý, ủy quyền, thu hút dự án đầu tư… Tuy nhiên, nội dung quản lý nhà nước về khu CNC rất rộng, bao phủ nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành khác nhau nên còn nhiều nội dung chưa giải quyết được, phải đợi sửa đổi, bổ sung Luật CNC để vừa khuyến khích phát triển khu CNC, nhưng chống được thất thoát ưu đãi đối với DN, dự án trong khu CNC. Mục tiêu để các khu CNC không chỉ là nơi sản xuất CNC mà còn là nơi nghiên cứu, ươm tạo ra CNC. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG:

Đồng Nai có rất nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Tỉnh đang gấp rút hoàn thành thủ tục để đề xuất Bộ KH-CN, Chính phủ cho mở rộng khu CNC công nghệ sinh học và đa ngành nghề để xây dựng khu này trở thành khu CNC có sứ mệnh nâng cao năng lực nội sinh về khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp CNC của Đồng Nai và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Ông HIROYUKI ISHIL, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức (H.Long Thành):

Công ty đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức và đã lấp đầy. Hơn 60 DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây hoạt động rất hiệu quả. Hiện công ty đang tìm hiểu thủ tục và rất muốn tham gia đầu tư hạ tầng khu CNC tại Đồng Nai để thu hút các DN thứ cấp hoạt động trên lĩnh vực CNC vào sản xuất. Thế nhưng, muốn DN đầu tư vào khu CNC nhanh thì Chính phủ phải có những chính sách cụ thể, rõ ràng, đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và nên ủy quyền cho UBND tỉnh để tạo thuận lợi cho DN trong thực hiện các thủ tục đầu tư.

Nguyệt Hạ


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích