Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận diện và phòng ngừa tự tử ở trẻ em, thanh thiếu niên

08:05, 21/05/2022

80% những người tự tử thành công đã ngầm thông báo về ý định, kế hoạch của họ. Nếu có thể nhận diện và tiếp cận đúng cách, người thân, thầy cô, bạn bè có thể giúp cho họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và từ bỏ ý định tự tử.

80% những người tự tử thành công đã ngầm thông báo về ý định, kế hoạch của họ. Nếu có thể nhận diện và tiếp cận đúng cách, người thân, thầy cô, bạn bè có thể giúp cho họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và từ bỏ ý định tự tử.

Nhiều trường học nỗ lực tạo môi trường học tập thoải mái cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết học âm nhạc tổ chức ngoài trời ở Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Nhiều trường học nỗ lực tạo môi trường học tập thoải mái cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết học âm nhạc tổ chức ngoài trời ở Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Yến

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn còn thiếu những mô hình phòng ngừa và can thiệp tự tử. Do vậy, việc tiếp cận đa ngành, sự chung sức của các chuyên gia để xây dựng nên những mô hình phù hợp là điều rất cần thiết.

* Có thể nhận diện và phòng ngừa

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3 ngàn trẻ vị thành niên trên thế giới chết do tự tử. Tình trạng tự tử ở độ tuổi 15-24 đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, giảng viên Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), tại Việt Nam, tỷ lệ tự tử (thống kê trong giai đoạn 2010-2019) chiếm 7,5% dân số và đang có xu hướng trẻ hóa. Con số thực tế có thể nhiều hơn so với số liệu thống kê.

ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, đại dịch Covid-19 là một trong những nhân tố thúc đẩy các nguyên nhân tự tử. Điều tra hơn 6.400 học sinh ở lứa tuổi 11-17, có 11% cho biết có ý định tự tử trong vòng 1 năm qua…

Cũng theo PGS-TS Trần Thành Nam, 80% những người tự tử thành công đã ngầm thông báo về ý định, kế hoạch của họ. Ý định tự tử không phải là bộc phát mà nạn nhân thường đã suy nghĩ cẩn thận, lên kế hoạch và thăm dò thái độ của người xung quanh. Những dấu hiệu để nhận diện trẻ đang có ý định tự tử như khi trẻ thường nói những câu nói: không còn làm phiền ai nữa đâu, chả còn gì quan trọng cả, mọi việc đều vô ích thôi, chả còn gặp ai nữa đâu mà nói… Hay những hành động như: tự làm đau mình, có hành vi mạo hiểm, sắp xếp mọi vật dụng cá nhân theo thứ tự, viết nhật ký sẽ cho người khác những món đồ mà mình yêu thích, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hành động như để trả ơn cha mẹ…

Khi chia sẻ với người khác về cảm giác muốn tự tử sẽ giúp họ được giải tỏa và có cảm giác được lắng nghe, quan tâm… Từ đó thúc đẩy họ trút bầu tâm sự, giảm bớt căng thẳng và cân nhắc hơn về việc này một cách nghiêm túc. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể nhận diện và phòng ngừa tình trạng tự tử ở trẻ em.

* Cần sự kết nối đa ngành

TS Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đai học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để phòng ngừa, can thiệp tự tử cần có sự kết nối đa ngành. “Mỗi nhà chuyên môn thực hành trong góc độ chuyên môn, nhìn nhận của mình nhưng cần có sự đồng lòng, hợp sức, truyền gửi cho nhau để tăng tính hiệu quả. Sự kết nối này rất quan trọng và cần thiết. Ví dụ, các bác sĩ y khoa khi xử trí các ca bệnh do tự sát ở phòng cấp cứu cần phải sàng lọc bệnh về tâm thần để chuyển cho bác sĩ tâm thần. Khi bác sĩ tâm thần nhận diện được dấu hiệu bệnh tâm thần cần chuyển bệnh nhân cho nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội lâm sàng…” - TS Lê Minh Công bày tỏ.

Hiện nay, các nghiên cứu về tình trạng tự tử tại Việt Nam còn rất ít, mới chỉ có số liệu nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần công bố gần đây. Vì vậy, việc nghiên cứu các bằng chứng để cho ra đời các mô hình phòng ngừa, can thiệp tự tử thích ứng với điều kiện thực tế tại Việt Nam là rất cần thiết.

Đứng từ góc nhìn của những người trong ngành truyền thông đa phương tiện, anh La Đức Huy, chuyên viên công tác học sinh, sinh viên Trường đại học FPT, kiến nghị: “Nếu có sự kết nối giữa ngành khoa học xã hội và khối ngành truyền thông đa phương tiện, mỹ thuật số, đồ họa… thì sẽ tăng tính hiệu quả của các chiến dịch truyền thông về phòng ngừa và can thiệp tự tử. Sự kết hợp này sẽ cho ra các sản phẩm truyền thông đa dạng như: phim hoạt hình, tranh cổ động, phim ngắn… Những sản phẩm này có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận các bạn trẻ và do đó sẽ dễ dàng truyền tải thông điệp, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tự tử ở các bạn trẻ”.

 

 

Một số giải pháp nhằm hỗ trợ các bạn trẻ có hành vi tự gây tổn thương như: huấn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc có thể dẫn đến việc thực hiện hành vi tự gây tổn thương; huấn luyện kỹ năng chấp nhận bản thân để cởi mở với những trải nghiệm khó chịu; hướng dẫn kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề cuộc sống một cách hiệu quả; cung cấp một môi trường an toàn và nuôi dưỡng khả năng phục hồi (ở trường, ở nhà); loại bỏ định kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè về người có hành vi tự gây tổn thương; rà soát và mở rộng mô hình sức khỏe tâm thần cộng đồng; tăng cường vai trò của Bộ GD-ĐT trong hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên…


Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ HUY KHÁNH: Cần có đội ngũ chuyên trách tư vấn tâm lý trong nhà trường

Do gặp rất nhiều khó khăn nên công tác tư vấn tâm lý trong trường học hiện chưa thực sự hiệu quả. Điều này đã được ngành Giáo dục Đồng Nai “mổ xẻ”, đưa ra nhiều phương án để cải thiện, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Vấn đề mấu chốt là cần phải có đội ngũ chuyên trách làm công việc tư vấn tâm lý trong các nhà trường. Tuy nhiên, theo khung vị trí việc làm trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT quy định thì vẫn chưa có biên chế cho vị trí này.

Nếu có được chuyên viên tâm lý trong trường học thì không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên, phụ huynh học sinh cũng sẽ được hỗ trợ về mặt tâm lý, góp phần xây dựng mối quan hệ thầy - trò, cha mẹ - con, nhà trường - gia đình hài hòa, tốt đẹp. Điều này sẽ tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh, giúp các em có đời sống tinh thần khỏe mạnh.

Trước mắt, để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên làm công tác này theo 7 module đã được Bộ GD-ĐT quy định. Dự kiến lớp tập huấn này sẽ mở trong năm nay.

Hiệu trưởng Trường THCS Long Bình (TP.Biên Hòa) NGUYỄN THỊ KIM LAN: Có thể xã hội hóa công tác tham vấn tâm lý học đường

Năm học 2017-2018, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai phối hợp với Sở GD-ĐT tiến hành thí điểm thực hiện tổ tham vấn tâm lý học đường ở 4 trường tại TP.Biên Hòa, trong đó có Trường THCS Long Bình. Theo đó, có một chuyên viên tâm lý đến trường để phụ trách công tác tham vấn tâm lý cho học sinh mang đến hiệu quả rất tích cực, học sinh rất hài lòng. Trong mấy tháng ở trường, chuyên viên này đã “gỡ rối” tâm lý được cho nhiều em.

Tuy nhiên, từ khi chấm dứt thí điểm đến nay thì công tác tư vấn tâm lý trong trường lại quay trở về với những khó khăn cố hữu. Vì hiện nay không thể tuyển dụng chính thức cho vị trí việc làm này nên nhà trường rất mong có thể thay bằng hình thức xã hội hóa.

Ví dụ như trường chúng tôi có 1.600 học sinh, mỗi học sinh chỉ cần đóng 25 ngàn đồng/học kỳ là nhà trường có thể hợp đồng với một chuyên viên tâm lý. Ngoài phụ trách phòng tư vấn tâm lý trường học, chuyên viên này sẽ thiết kế, tổ chức các hoạt động, chuyên đề nhằm giáo dục kỹ năng, quản lý cảm xúc… cho từng khối lớp theo từng tuần. Tôi nghĩ rằng, lợi ích mang lại cho học sinh là rất lớn. Muốn làm được điều này, cấp trên phải cho phép thì nhà trường mới có thể vận động phụ huynh được.

Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) KIỀU MẠNH HÀ: Quan tâm, giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc cho học sinh

Khi gặp vấn đề khó khăn, đặc biệt liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, học trò thường ngại trình bày, thổ lộ với thầy cô trong tổ tư vấn mà chọn cách giấu kín, tự giải quyết hoặc chỉ tâm sự với bạn thân. Trong khi đó, ở độ tuổi này, các em còn khá non nớt, chưa có kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng và nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách hay biến cố của cuộc đời.

Hiện nay, do chưa có giáo viên chuyên trách nên công tác tư vấn tâm lý cho học sinh càng cần phải được ban giám hiệu các trường quan tâm. Trong đó, các trường nên tạo điều kiện thuận lợi để lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng quản lý cảm xúc, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các buổi chào cờ hằng tuần. Đặc biệt, có thể tìm cách lồng ghép vào nội dung hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tôi cho rằng, hiệu trưởng các trường phải là người chủ động, đi đầu trong việc quan tâm đến hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.

M.N - H.A (ghi)


Hải Yến

Tin xem nhiều