Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải ngân vốn đầu tư công: Bài toán 'có tiền không tiêu được'

02:07, 11/07/2022

Sau nửa đầu năm 2022, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất chậm: hiện mới chỉ đạt hơn 25% tổng nguồn vốn được bố trí trong năm 2022... Bài toán "có tiền không tiêu được" tồn tại nhiều năm qua vẫn đang tiếp tục tái diễn.

Sau nửa đầu năm 2022, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất chậm. Bài toán “có tiền không tiêu được” tồn tại nhiều năm qua vẫn đang tiếp tục tái diễn.

Dự án hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong chưa thể hoàn thành vì vướng mặt bằng. Ảnh: P.TÙNG
Dự án hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong chưa thể hoàn thành vì vướng mặt bằng. Ảnh: P.TÙNG

* Hơn 50% chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân 0%

Năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn ngân sách trung ương là hơn 4,5 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 8,9 ngàn tỷ đồng. Sau nửa năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ đạt hơn 25% tổng nguồn vốn đầu tư công được bố trí trong năm 2022, tương đương với nguồn vốn đã được giải ngân đạt hơn 3,4 ngàn tỷ đồng.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện khẩn trương thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Về tỷ lệ giải ngân nguồn vốn, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, con số giải ngân sau 6 tháng đầu năm mới chỉ vỏn vẹn hơn 1 ngàn tỷ đồng, đạt gần 3% kế hoạch được giao trong năm. Với nguồn vốn ngân sách địa phương, con số có khả quan hơn khi đã giải ngân hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 27% nguồn vốn được bố trí theo kế hoạch.

Ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho biết, nếu tính kết quả giải ngân vốn đầu tư công bình quân theo chủ đầu tư, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của các dự án do tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch chỉ đạt chưa đến 11%. Trong khi đó, nếu tính tỷ lệ giải ngân bình quân nguồn vốn cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch cũng chỉ đạt hơn 25%. “Công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công sau 6 tháng vẫn đang rất chậm” - ông Hà cho hay.

Đáng chủ ý, theo Sở KH-ĐT, dù đã trải qua nửa năm 2022, tuy nhiên đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch thì có đến 18/34 chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn, tức tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 0%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, Chính phủ đã xác định, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển. Do đó, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản, chỉ thị để đôn đốc các địa phương, các ngành và chủ đầu tư quyết liệt vào cuộc. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn hết sức “khiêm tốn”. “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kỳ vọng. Trong đó, các địa phương, các chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công chung của toàn tỉnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

* Còn lơ là trong giám sát tiến độ các dự án

Đánh giá về nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong nửa đầu năm 2022 còn đạt thấp, đại diện Sở KH-ĐT cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, công tác chuẩn bị hồ sơ của một số dự án đầu tư chưa đảm bảo do đến tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; một số dự án bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022 đang thực hiện thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, trình thẩm định phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp nên tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao do chỉ thanh toán phần khối lượng tư vấn; một số dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đến cuối năm 2021 mới hoàn thành thủ tục đấu thầu để thi công xây lắp và thực hiện tạm ứng hợp đồng khá lớn, kế hoạch năm 2022 bố trí vốn chuyển tiếp nên tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao là do phải hoàn ứng phần tạm ứng hợp đồng…

Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan là do một số công trình bố trí vốn khởi công mới trong năm 2022 nhưng đến nay chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thiện hồ sơ để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công nên vẫn chưa giải ngân được vốn kế hoạch. Một số dự án sau khi ký kết hợp đồng thi công thì các chủ đầu tư chưa quyết liệt yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch triển khai cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án theo kế hoạch được giao.

Đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, nguyên nhân lớn nhất làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. “Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương chưa thật chặt chẽ, UBND cấp huyện chưa quyết liệt, chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá.

Ngoài những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thì sự thiếu quyết liệt, thiếu kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng giải ngân chậm nguồn vốn đầu tư công.

Ông Phan Trung Hưng Hà cho biết, giữa tháng 3-2022, UBND tỉnh cũng đã có cuộc họp để đánh giá về công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp này, để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng đường gantt công việc, xác định tiến độ, lộ trình, thời gian cụ thể đối với từng công việc của từng dự án làm cơ sở đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến công tác này. “Qua đi kiểm tra tại một số đơn vị thì tổ công tác nhận thấy một số đơn vị có làm nhưng cũng có một số đơn vị chưa làm, chưa quan tâm nhiều đến công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công” - ông Phan Trung Hưng Hà cho hay.

Phạm Tùng


Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:

Nhiều đơn vị giải ngân nguồn vốn huyện cao nhưng giải ngân nguồn vốn tỉnh rất thấp

Có những đơn vị tỷ lệ giải ngân ở cấp huyện đạt cao nhưng giải ngân ở cấp tỉnh rất thấp như: TP.Biên Hòa giải ngân vốn thành phố hơn 44% tổng kế hoạch nhưng vốn tỉnh thì chỉ đạt hơn 12,6% nguồn vốn được giao theo kế hoạch; H.Xuân Lộc giải ngân nguồn vốn huyện đạt gần 27% kế hoạch nhưng nguồn vốn tỉnh chỉ đạt hơn 1,2% kế hoạch được giao; H.Vĩnh Cửu giải ngân nguồn vốn huyện đạt gần 27% kế hoạch những nguồn vốn tỉnh cũng chỉ đạt hơn 8% kế hoạch được giao. Duy nhất chỉ có một đơn vị cấp huyện là UBND H.Nhơn Trạch giải ngân nguồn vốn huyện và tỉnh đạt trên 40%.

Ông NGUYỄN THẾ PHONG, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch:

“Siết” 3 đơn vị cùng tham gia để đẩy nhanh tiến độ các dự án

Trong 6 tháng đầu năm, đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch, H.Nhơn Trạch giải ngân đạt trên 44%. Đối với nguồn vốn huyện, địa phương giải ngân đạt hơn 42%. H.Nhơn Trạch xác định, đối với công tác đầu tư thì Ban Quản lý dự án huyện là cơ quan thực hiện.

Nhưng để Ban Quản lý dự án huyện thực hiện được các dự án thì phải có sự tham gia của 2 cơ quan quan trọng là Trung tâm Phát triển quỹ đất và Phòng TN-MT. 2 cơ quan này tham gia quyết liệt thì công tác giải phóng mặt bằng mới làm nhanh để triển khai thi công các dự án. Do đó, H.Nhơn Trạch đã thành lập tổ công tác để đôn đốc cả 3 cơ quan cùng tham gia thực hiện.  

Quỳnh Nhi (ghi)


 

Tin xem nhiều