Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ tham ô tài sản tại Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất: 6 bị cáo bị đưa ra xét xử

11:07, 06/07/2016

(ĐN)- Ngày 6-7, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên tại Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất gồm: Ngô Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề (TTDN) huyện Thống Nhất) về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng...

(ĐN)- Ngày 6-7, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên tại Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất, gồm: Ngô Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất) về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Ngô Tấn Sa (nguyên Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Thống Nhất), Ngô Thị Xuân Thu (nguyên Kế toán trưởng Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất), Bùi Thị Hảo (nguyên kế toán Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện), Ao Thị Lan (nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật số 2, TP.Biên Hòa) và Nguyễn Thị Hồng Thanh (nguyên Trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật số 2) phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và mua bán trái phép hóa đơn.

Theo cáo trạng, dù chưa được Sở Lao động - thương binh và xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, nhưng Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất đã tự lên kế hoạch và lập hồ sơ khống nhằm hợp thức hóa thủ tục để rút tiền ngân sách Nhà nước. Cụ thể, từ tháng 8-2008 đến năm 2012, bị cáo Tuấn với vai trò là giám đốc trung tâm đã bàn bạc với bị cáo Lan và một số cán bộ đào tạo nghề ở huyện Thống Nhất ký hợp đồng để hợp thức hóa hồ sơ, mở lớp học, kinh phí dạy nghề, hợp đồng giảng dạy… và sẽ trích lại phần trăm cho các cơ sở này.

Sau khi đã lập được danh sách học viên lấy từ các xã, bị cáo Thu có nhiệm vụ liên hệ với các cơ sở dạy nghề mua bán hóa đơn và lập hồ sơ khống để giải quyết ngân sách gây thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.

Bị cáo Lan và Thanh đã tích cực cùng bị cáo Tuấn lập khống hồ sơ cho hàng ngàn học viên trên địa bàn huyện để hợp thức hóa việc quyết toán cho các hoạt động đào tạo khống để thu lợi bất chính hơn 490 triệu đồng. Bị cáo Sa dù biết trung tâm chưa được cấp giấy chứng nhận dạy nghề, nhưng vẫn cùng bị cáo Tuấn ký 20 hợp đồng đào tạo cho 3,8 ngàn học viên với giá trị hơn 6 tỷ đồng. Bị cáo cũng thiếu sự kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Bị cáo Hảo thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra hồ sơ để cho bị cáo Sa gây nên những sai phạm. Dự kiến phiên tòa diễn ra từ ngày 6-7 đến ngày 8-7.          

Tố Tâm

Tin xem nhiều