Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa bệnh viêm họng

08:02, 21/02/2012

Họng là cửa ngõ của đường hô hấp và tiêu hóa. Khi họng bị viêm có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan có liên quan do chúng có sự liên thông với nhau hoặc do cơ chế miễn dịch của cơ thể.

Họng là cửa ngõ của đường hô hấp và tiêu hóa. Khi họng bị viêm có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan có liên quan do chúng có sự liên thông với nhau hoặc do cơ chế miễn dịch của cơ thể.

Viêm họng là tình trạng viêm niêm mạc họng. Có 3 loại viêm họng: viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét. Trong đa số các trường hợp, người bệnh cảm thấy đau rát họng, nuốt đau hoặc khó nuốt, sốt và nhức đầu. Ngoài ra, viêm họng còn đi kèm với đau cơ, sưng amiđan và nổi hạch ở cổ…

Nội soi họng tại khoa tai mũi họng ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Nội soi họng tại khoa tai mũi họng ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại virus (80%), còn lại là do vi khuẩn (chủ yếu liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus - thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận) và các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, rượu, hóa chất... Phần lớn viêm họng được điều trị bằng các loại kháng sinh, hạ sốt và giảm đau. Nếu bác sĩ kê kháng sinh thì người bệnh nhất thiết phải tuân thủ theo và phải uống thuốc đúng liều và đủ thời gian.

Vì sao họng là bộ phận thường bị viêm?

Họng là một cơ quan hình ống nằm trước cột sống, đi từ nền sọ đến miệng thực quản. Họng được cấu tạo bởi mô xơ - cơ, và niêm mạc có tổ chức Lympho. Mô Lympho nằm ở nóc vòm là VA, mô Lympho ở eo họng là Amiđan. Họng được chia làm 3 phần: Họng mũi: nằm phía sau mũi, thông với mũi qua cửa mũi sau; họng miệng: nằm phía sau miệng, thông với miệng qua eo họng và họng thanh quản còn gọi là hạ họng: nằm phía sau thanh quản.

Họng là ngã tư đầu vào của đường ăn và đường thở nên dễ bị vi trùng xâm nhập cũng như bị ảnh hưởng bởi các tác động khác, như: bụi, hơi hóa chất, thuốc lá, dịch trào ngược... nên họng thường bị viêm.

Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Nguyên nhân gây viêm họng là do niêm mạc họng bị suy yếu về chức năng và sự thích nghi; do bệnh lý mãn tính vùng mũi như viêm mũi xoang mạn, polyp mũi, tiết nhầy mủ liên tục xuống họng; bệnh trào ngược dạ dày - thực quản; môi trường dễ bị kích thích, như: bụi, khói, hóa chất, rượu, thuốc lá, phòng máy lạnh…; cơ địa dị ứng, nghề nghiệp phải nói nhiều như buôn bán, giáo viên, ca sĩ…Khí hậu nhiệt đới cũng là những yếu tố khiến niêm mạc họng dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh. 

Đối với viêm họng cấp do virus, cần điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, uống thuốc hạ sốt, súc họng bằng nước muối pha loãng, bổ sung vitamin để tăng cường đề kháng. Việc dùng kháng sinh đúng liều và đủ thời gian để phòng ngừa các biến chứng và hạn chế đề kháng thuốc. Riêng viêm họng mãn, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh kéo dài và khó điều trị. Vì thế, hỗ trợ hồi phục niêm mạc họng bằng súc họng bằng nước ấm, nước muối pha loãng. Sử dụng kháng viêm tại chỗ; điều trị bệnh viêm mũi xoang, polyp mũi nếu có; điều trị trào ngược dạ dày - thực quản và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Để phòng ngừa bệnh viêm họng, cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên; hạn chế làm việc hoặc nằm ngủ thẳng hướng gió quạt điện thổi, hạn chế bật máy điều hòa ở nhiệt độ quá thấp; tránh những nơi có bụi, khói, hơi hóa chất, thuốc lá, không khí quá khô hoặc quá nóng; làm việc trong môi trường lạnh, khô nên uống nước ấm nhiều lần; hạn chế dùng thức ăn lạnh, nước uống lạnh hoặc có đá. Tuy nhiên, cần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đối với những người thường bị đau họng nên nghiêm túc phòng ngừa, tập thể dục đều đặn. Khi bị viêm họng nên đi khám bệnh và tuân thủ điều trị.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm

(Phó khoa tai mũi họng - Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)

 

Tin xem nhiều