Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh cườm nước ở mắt

08:05, 14/05/2013

Bệnh cườm nước (còn gọi là bệnh Glôcôm) là bệnh lý ở mắt gây giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn.

Bệnh cườm nước (còn gọi là bệnh Glôcôm) là bệnh lý ở mắt gây giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn.

Kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện các nguy cơ bệnh lý về mắt, trong đó có bệnh cườm nước.
Kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện các nguy cơ bệnh lý về mắt, trong đó có bệnh cườm nước.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Phúc Hiển (Khoa mắt Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh cườm nước vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Để tránh mù lòa chỉ có cách khám phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao.

* Bệnh cườm nước là gì?

Bác sĩ Nguyễn Phúc Hiển cho biết thêm: Bệnh cườm nước có đặc điểm là tăng áp lực nội nhãn (nhãn áp) trong mắt. Nhãn áp cao chèn ép vào thần kinh thị giác. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến teo lõm gai thị, giảm thị lực, cuối cùng dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

* Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh cườm nước:

Người trên 40 tuổi; người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh cườm nước; người bị cận thị nặng hoặc viễn thị có giác mạc nhỏ; người bị đái tháo đường, cao huyết áp; người có tiền sử dùng corticoid kéo dài, không đúng chỉ định.

* Dấu hiệu nhận biết:

Cườm nước được chia ra thành 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Cườm nước nguyên phát gồm: cườm nước góc đóng và cườm nước góc mở. Trong đó, cườm nước góc đóng thường là một tình trạng cấp cứu trong nhãn khoa, cần phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện có chuyên khoa để được điều trị kịp thời, bởi cườm nước góc đóng có triệu chứng rầm rộ, như: mờ mắt, đau nhức mắt, nhức nửa đầu, buồn nôn, thấy quầng sáng xanh, đỏ. Còn cườm nước góc mở có triệu chứng âm thầm khó phát hiện. Thường chỉ có triệu chứng nhìn mờ từ từ, không đau nhức hay đỏ mắt nên người bệnh dễ bỏ qua, đến khi phát hiện được thì đã ở giai đoạn muộn và thị lực không thể phục hồi. Cườm nước thứ phát kèm với bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân.

* Phát hiện sớm để tránh mù lòa

Có thể phòng tránh mù lòa do bệnh cườm nước bằng cách tầm soát để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt nếu có những yếu tố nguy cơ kể trên thì nên khám mắt định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần để phát hiện sớm bệnh. Chẩn đoán sớm bệnh cườm nước dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử, khám nghiệm lâm sàng để phát hiện những tổn thương đặc hiệu. Nếu phát hiện bệnh thì tùy thể bệnh mà có phương pháp điều trị thích hợp.

Phi Trường (ghi)

 

Tin xem nhiều