Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêm phòng và những điều cần biết

08:06, 11/06/2013

Tiêm phòng đem lại rất nhiều ích lợi cho trẻ trong phòng tránh bệnh tật. Tuy nhiên, qua một số vụ trẻ tử vong sau khi tiêm phòng đã khiến không ít phụ huynh lo ngại.

Tiêm phòng đem lại rất nhiều ích lợi cho trẻ trong phòng tránh bệnh tật. Tuy nhiên, qua một số vụ trẻ tử vong sau khi tiêm phòng đã khiến không ít phụ huynh lo ngại.

Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, phụ huynh cần hiểu rõ hơn về tiêm phòng để an tâm và tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng.

* Những phản ứng không mong muốn

Phản ứng tại chỗ: Phản ứng này thường xảy ra sau khi tiêm phòng. Trẻ cảm thấy đau nơi tiêm, đau có thể kéo dài từ một vài giờ đến một ngày, làm cho trẻ nhỏ quấy khóc. Có trẻ nổi cục nhỏ như hạt đậu ở nơi tiêm, tấy đỏ, cục này tồn tại 2-3 tuần mới tan. Có trẻ bị mẩn ngứa quanh nơi tiêm kéo dài cả tuần… Những phản ứng này có thể xảy ra trong một tỷ lệ nhỏ số trẻ tiêm phòng và thường là tự khỏi.

Chích ngừa cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh
Chích ngừa cho trẻ tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.

Phản ứng toàn thân: Sốt là triệu chứng hay gặp nhất sau tiêm phòng. Có trẻ bị sốt nhẹ, nhưng cũng có trẻ sốt cao (trên 39oC) kèm vật vã, quấy khóc, trẻ lớn hơn có thể thấy nhức đầu. Chứng nóng sốt này thường xuất hiện khi tiêm phòng bệnh thương hàn, ho gà. Cũng có trường hợp, sau khi tiêm phòng, nhiều ngày sau trẻ mới bị sốt, triệu chứng này thường xảy ra khi tiêm phòng bệnh sởi, quai bị. Tuy nhiên, tất cả các chứng sốt nói trên đều cũng tự khỏi trong 1-2 ngày.

Phản ứng ngoài da: Nổi mề đay, ngứa toàn thân kèm với sốt có khi xảy ra đối với trẻ có tiền sử dễ bị dị ứng. Tình trạng này có thể kéo dài từ 3-6 ngày và thường ở trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubella.

Tai biến thần kinh: Đây là tai biến đáng quan tâm. Một số ít trẻ sau khi tiêm phòng ho gà, có thể bị co giật kèm theo sốt cao. Các cơn co giật này có thể xảy ra trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng. Phần lớn các trẻ này có tiền sử bị co giật trước khi tiêm phòng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều qua khỏi, ít nguy hiểm đến tính mạng. Những trẻ có tiền sử co giật này có thể không nên cho tiêm phòng bệnh ho gà vì thuốc làm tăng nguy cơ bị bệnh não.

Viêm hạch: Ở một số trẻ nhỏ, sau khi tiêm thuốc phòng lao (BCG) có thể thấy nổi hạch ở nách bên phía tiêm. Hạch này có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng khoảng 3-5 tuần. Hạch to bằng hạt đậu phộng, hơi cứng, trong không có mủ. Tình trạng sưng kéo dài nhưng không gây đau cho trẻ, khoảng 1 tháng sẽ tự khỏi.

* Chống chỉ định trong  tiêm phòng

Chống chỉ định tạm thời

Có trường hợp không nên tiêm phòng, đó là những trẻ đang ở trong tình trạng mà việc tiêm phòng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Đó là: trẻ đang sốt; trẻ đang mắc một hoặc một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, như: viêm phổi, thương hàn, sởi...; trẻ đang trong giai đoạn hồi phục sau thời gian bệnh dài; trẻ vừa trải qua những cú sốc tâm lý nặng hoặc những trẻ đang có những bệnh ngoài da, có mủ…

Chống chỉ định lâu dài

Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển, như: lao phổi tiến triển; tràn dịch màng phổi hoặc trẻ đang có bệnh ở thận như viêm thận mạn tính…

Chống chỉ định đặc biệt

Đối với tiêm phòng lao: Không nên cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân đi tiêm phòng bệnh này; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng.

Đối với tiêm phòng sởi: Nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu); các trẻ đang bị suy dinh dưỡng độ 3; các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc có chứa corticoid.

Đối với tiêm phòng thương hàn: Nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, tiểu đường, hoặc có hiện tượng dị ứng trầm trọng, đặc biệt là trẻ đang trong cơn suyễn phế quản.

* Những lưu ý trước và sau tiêm phòng

Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ. Thực tế, những phản ứng tạm thời tại một số trường hợp sau tiêm là có nhưng thường không gây nguy hại cho trẻ, cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Tuy nhiên, có một số lưu ý mà các bà mẹ nên ghi nhớ. Đó là trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về những bệnh tiền sử của trẻ, tình trạng sức khỏe hiện tại, những loại thuốc điều trị bệnh đang sử dụng để nhân viên y tế xem xét có nên cho trẻ tiêm phòng hay không hoặc có thể dời ngày tiêm.

Ngoài ra, các bà mẹ cũng cần theo dõi các phản ứng sau tiêm ở trẻ. Nếu có những phản ứng bất thường, như: trẻ sốt cao từ 38,5OC trở lên, uống thuốc hạ sốt vẫn không giảm; nổi ban; các triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ, khóc, quấy, bú kém. Nếu triệu chứng nặng hơn hay kéo dài trên 24 giờ; co giật hoặc co giật giống như động kinh; tím tái; lơ mơ mất ý thức…, phụ huynh cần cho trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Phương Liễu (ghi)

 

 

Tin xem nhiều