Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động bị mất việc: Tình hình đã bớt căng thẳng!

06:04, 16/04/2009

Dù vẫn còn rải rác những doanh nghiệp sa thải công nhân hàng loạt vì giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, nhưng thị trường lao động bắt đầu vượt qua khó khăn, và từ nay đến cuối năm 2009 có nhiều hy vọng sẽ bình ổn. Đó là nhận xét của bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội.

Dù vẫn còn rải rác những doanh nghiệp sa thải công nhân hàng loạt vì giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, nhưng thị trường lao động bắt đầu vượt qua khó khăn, và từ nay đến cuối năm 2009 có nhiều hy vọng sẽ bình ổn. Đó là nhận xét của bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội.

 

* Những tín hiệu vui

 

Cũng như các phiên giao dịch trước, Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) diễn ra sáng 10-4 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai vẫn đông đúc người lao động đến tìm việc, khoảng 2.300 người. Nhưng ở phiên giao dịch này, lượng lao động mất việc đến sàn tìm cơ hội đã giảm đi. Thay vào đó, số sinh viên, học sinh chuẩn bị ra trường hoặc số lao động tìm việc làm mới đến "ngắm nghía" công việc lại tăng lên.

 

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm tổ chức sáng 10-4.

Bà Lê Thị Mỹ Phượng cho biết, trong số hơn 10.300 lao động trong tỉnh bị mất việc ở quý I-2009, đến nay đã giải quyết việc làm khoảng 90%. Cụ thể, 1.000 lao động nghỉ việc tại Công ty Sanyo di solution (KCN Biên Hòa 2) vào cuối tháng 3 vừa qua hầu hết đã được Công ty Nectokin (KCN Loteco) nhận vào làm việc. Trước đó, gần 80% công nhân mất việc tại Công ty giày Lạc Cường cũng được nhận vào làm việc ở Công ty Pou Chen. "Cho đến nay, tình hình công nhân mất việc trên địa bàn tỉnh không có gì phải đáng lo ngại, nhất là ở địa bàn các huyện. Vấn đề quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là tập trung giải quyết việc làm cho số lao động mới và giám sát thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp đối với lao động nghỉ việc" - bà Phượng khẳng định.

 

Bước vào đầu quý II-2009, một số doanh nghiệp đã dần ký được đơn hàng mới, nên bắt đầu chấm dứt chế độ nghỉ luân phiên chờ việc hoặc tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tín hiệu ban đầu. Trước mắt thị trường lao động vẫn còn khó khăn, đòi hỏi người lao động phải nỗ lực để thích ứng.

 

* Cung – cầu lao động: vẫn còn chênh!

 

So với 2 phiên giao dịch trước, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại SGDVL tháng 4-2009 đã tăng đáng kể. Từ nhu cầu 365 lao động ở phiên trước, đến phiên giao dịch lần này con số đã tăng lên 1.645 lao động, trong đó trên 80% là nhu cầu về lao động phổ thông. Số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao ở thời điểm này vẫn tập trung vào ngành nghề giày da và may mặc, như Công ty Esquel Garment cần 600 lao động, Công ty Epic Designer, Công ty Sĩ Tấn đều cần 200 lao động... Thế nhưng kết thúc phiên giao dịch, chỉ có trên 600 hồ sơ được sơ tuyển tại chỗ. So với lượng người đến tìm việc, số này chỉ đạt 26% và so với yêu cầu doanh nghiệp chỉ đạt 36% trên tổng nhu cầu.

 

Chị Chu Thị Minh Tuyền, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty Epic Designer nhận xét, nghe thông tin lao động nhiều doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, lao động mất việc nhiều nhưng trên thực tế công ty vẫn khó tuyển được lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù ngành may mặc từ trước đến nay vẫn không thu hút lao động bởi công việc đòi hỏi phải có tay nghề nhưng lại vất vả, thường hay tăng ca. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ Phòng Kế hoạch Công ty may xuất khẩu Sĩ Tấn cho biết, nhiều công nhân đưa ra những yêu cầu mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, như chỉ làm giờ hành chính, không tăng ca; doanh nghiệp phải cung cấp chỗ ở hoặc ký túc xá (công ty có hỗ trợ phụ cấp nhà ở 100 ngàn đồng/người/tháng)...

 

Trong khi đó, nếu như thời gian trước người lao động bị mất việc đi tìm việc làm mới với tâm trạng lo lắng, thì hiện nay, tâm lý này đã được giải tỏa phần nào khi nhiều doanh nghiệp vẫn "khát" lao động. Mặt khác, nhiều lao động đã tỏ ra thích nghi với hoàn cảnh mới. Anh Lê Thanh Đăng (phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa) trước làm tại một công ty giày, do công ty không có đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động nên anh mất việc. Từ thông tin tại SGDVL, anh Đăng chủ động nộp hồ sơ vào làm ở Công ty Vina Meltech, một doanh nghiệp chuyên sản xuất ron cao su. Anh Đăng cho biết, nếu cứ chờ việc làm phù hợp với tay nghề hoặc vị trí làm việc như mong muốn thì rất khó. Vì thế anh mạnh dạn "đầu quân" vào một công ty trái ngành nghề, sau đó sẽ dần học hỏi sau...

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều