Báo Đồng Nai điện tử
En

Bay bổng với Thằng gù Nhà thờ Đức Bà

11:04, 14/04/2014

"Bão dông rồi sẽ qua, chỉ còn lại tình yêu mãi mãi", câu hát của NSND Trần Hiếu - vai nhà thơ Gringoire và là người dẫn chuyện - kết thúc vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng lại mở ra một thông điệp mới mà vở diễn mang lại: tình yêu con người là bất diệt.

“Bão dông rồi sẽ qua, chỉ còn lại tình yêu mãi mãi”, câu hát của NSND Trần Hiếu - vai nhà thơ Gringoire và là người dẫn chuyện - kết thúc vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng lại mở ra một thông điệp mới mà vở diễn mang lại: tình yêu con người là bất diệt.

Một cảnh trong vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris.
Một cảnh trong vở nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris.

Vở nhạc kịch lừng danh Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre dame de Paris) được trình diễn lần đầu tại Pháp vào năm 1998, đã thu hút hơn 7,5 triệu khán giả trên toàn thế giới, được biểu diễn hơn 3 ngàn lượt tại 13 quốc gia, như: Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Nga, Trung Quốc... Với khán giả Việt, Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris với nhạc Việt, lời Việt vẫn có một sức sống riêng, đủ sức làm thổn thức bao trái tim Việt bởi thông điệp mà các nghệ sĩ đã mang lại.

* “Thằng gù made in Việt Nam”

Những ai từng đọc, say mê tác phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris của văn hào Victor Hugo, chẳng còn lạ gì về câu chuyện mối tình si của thằng gù Quasimodo với nàng Esmeralda xinh đẹp. Thế nhưng mở đầu vở nhạc kịch, với hình ảnh Quasimodo (NSƯT Duy Tân) xuất hiện cô đơn nơi gác chuông, tiếng hát hòa vào tiếng chuông nhà thờ trong vắt, khán giả dường như nín thở và không gian quán cà phê Cao Minh đã biến thành thánh đường âm nhạc thật sự.

Linh mục Frollo (NSƯT Cao Minh) cùng với các nghệ sĩ Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh trong vai những “ma soeur” xuất hiện, đã chiêu đãi khán giả một “đại  tiệc” âm nhạc bằng hợp xướng mang âm hưởng thánh ca ngân vang thánh thiện. Hiệu ứng ánh sáng ở đoạn này được sử dụng tinh tế, tạo được không khí thiêng liêng của buổi thánh lễ ở nhà thờ.

Có lẽ, sẽ khó tìm được ai thích hợp hơn NSND Trần Hiếu trong vai nhà thơ Gringoire. Phong cách tự tin, tự nhiên như không hề diễn, giọng hát đầy nội lực của “lão nghệ sĩ” U.80 đã góp phần lớn thành công vào vở diễn. Vai của ông không chỉ là người dẫn chuyện, “keo dính” giúp khán giả hiểu được nội dung, mà còn nâng tầm nghệ thuật của vở diễn bằng giọng hát, lối diễn xuất điêu luyện.

NSƯT Cao Minh cho biết, ngay sau khi Thằng gù Nhà thờ Đức Bà lên sàn diễn, ê kíp dàn dựng lại âm thầm bắt tay chuẩn bị cho vở nhạc kịch Chùa Đàn dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Đây là một trong những nỗ lực của các nghệ sĩ để đưa thể loại nhạc kịch đến với công chúng.

Đã có một thế hệ nghệ sĩ U.60, U.80 say mê, tâm huyết với nhạc kịch. Có một thế hệ nghệ sĩ U.30 sẵn sàng nối tiếp để nhạc kịch đến với công chúng. Và cũng có những lớp khán giả bắt đầu đến với nhạc kịch. Nhưng, bao giờ nhạc kịch trở thành “món ăn” tinh thần quen thuộc của công chúng Việt?

Nhạc sĩ Vũ Huy Tiến - người dường như chỉ xuất hiện bên lề trong vai trò người đánh đàn, chính là “mẹ đẻ” vở diễn ở cương vị tác giả và đạo diễn. Nguyên tác vở nhạc kịch Notre dame de Paris dài đến 140 phút, tức gần 2,5 giờ - phù hợp với một nhà hát đúng chuẩn và lớp công chúng am hiểu nhất định về thể loại này, nhưng sẽ khó phù hợp với công chúng Việt Nam vốn chưa quen thuộc với thể loại nhạc kịch phương Tây. Vì vậy, vở Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris đã được “sắc thuốc bắc” với thời lượng khoảng 90 phút, nhưng vẫn giữ được nguyên gốc so với tác phẩm văn học đồ sộ, và giữ được mạch câu chuyện liền lạc là một xử lý cực kỳ thông minh của Vũ Huy Tiến. Ở những “xen” khó của vở, như: nàng Esmeralda bị treo cổ, Quasimodo vào hầm mộ ôm xác nàng và chết theo… đã được ông xử lý ngắn gọn, nhưng tinh tế.

Bên cạnh “tứ trụ” kể trên, không thể không nhắc đến nỗ lực của các vai diễn còn lại, như: Esmeralda, Phoebus, bà tu kín (mẹ của Esmeralda), cô gái “bia ôm”. Trong đó, phải kể đến Esmeralda do nghệ sĩ Phương Trinh thủ vai. Phương Trinh là người Đồng Nai (con của giảng viên Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai Võ Văn Thái). NSƯT Cao Minh cho biết, so với các vai diễn khác, vai Esmeralda có đòi hỏi cao hơn vì phải vừa hát, vừa diễn, vừa nhảy múa. Vào Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh chọn mãi, anh mới ưng ý được Phương Trinh, không chỉ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trên mà còn tạo hình được dáng dấp cô gái gypsy hoang dã, ngây thơ say đắm trong tình yêu, yếu đuối trong vòng tay mẹ hiền.

* Giấc mơ 30 năm

NSƯT Cao Minh, người có thể gọi là “bà đỡ” để vở nhạc kịch ra đời và đến được với công chúng, cho biết cách đây 30 năm, các thế hệ giảng viên, sinh viên của Nhạc viện Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã ôm ấp giấc mơ dựng nhạc kịch. 30 năm, nhạc sĩ Vũ Duy Tiến âm thầm viết Thằng gù Nhà thờ Đức Bà nhưng không tìm được nơi dàn dựng. Còn anh, cầm kịch bản trong tay mà đêm về nằm mơ cứ thấy vở nhạc kịch được biểu diễn, trăn trở khao khát đến độ có lúc phải tự gào lên nhắc nhở mình phải tỉnh táo trước mơ ước quá xa vời.

Nhưng với người nghệ sĩ, không hạnh phúc gì bằng được diễn, được hát, được làm những gì mình say mê. Vậy là bắt tay vào nhạc kịch Thằng gù Nhà thờ Đức Bà. Mọi người cứ xắn tay áo lên mà làm, không nghĩ suy, tính toán. Tất cả các nghệ sĩ tham gia vở diễn không ai hỏi giá cát xê, tập ngày tập đêm, nhận các vai nhỏ xíu, như: gypsy, ma quỷ, lính hầu, “bia ôm” mà không hề so đo. Không chỉ biết có nghệ thuật, những con người tâm huyết ấy còn sấp ngửa với những bài tính đời thường cho đứa con của mình, thậm chí NSƯT Cao Minh còn tự tay xây từng viên gạch cho bối cảnh nhà thờ tại quán của mình để tăng hiệu ứng về bối cảnh.

Từ ngày 4-4 trở đi, cứ tối thứ sáu hàng tuần, quán cà phê Cao Minh (255/47 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) lại biến thành thánh đường không chỉ của nhà thờ Đức Bà Paris mà cả của nghệ thuật. Ở đó, có các thế hệ nghệ sĩ cháy hết mình trong từng lời hát. Ở đó, có những khán giả yêu thích nhạc kịch, hoặc chưa từng biết gì về nhạc kịch, chỉ là xem cho biết. Và cũng ở đó, có những niềm tin, tình yêu, lòng đam mê không bao giờ tắt…

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều