Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuối năm đi cúng đình

10:01, 20/01/2015

Lễ hội cúng đình (lễ hội kỳ yên) ở Đồng Nai thường diễn ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, nhưng thường tập trung vào các tháng 10, 11 và 12 âm lịch.

Lễ hội cúng đình (lễ hội kỳ yên) ở Đồng Nai thường diễn ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, nhưng thường tập trung vào các tháng 10, 11 và 12 âm lịch.

Lễ hội gồm có 2 phần, gồm: phần hội với các hoạt động vui chơi, giải trí và phần lễ với mục đích tạ ơn thần linh, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã bảo hộ cho người dân có được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa và cầu cho năm tới quốc thái dân an, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

* Nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân

Theo Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, Đồng Nai hiện có hơn 204 đình, đền dân gian. Ngoài thờ thần hoàng bổn cảnh - vị thần của làng xã, đình, đền dân gian còn phối thờ thêm hệ thống thần linh dân gian khác, như: Tả ban, Hữu ban, Bạch mã thái giám, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Quan Thánh đế quân, Ngũ hành nương nương, Thổ thần. Ngoài ra, các bậc tiền nhân có công với dân với nước trong khai hoang lập ấp, đánh giặc giữ nước của buổi đầu mở cõi, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương... cũng được nhân dân thờ phụng như những thành hoàng của làng.

Đặc biệt, theo ông Lương Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ban quý tế, ban quản lý, ban tế tự và nhân dân tại một số đình, đền dân gian trong tỉnh đã rước Quốc tổ Hùng Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Campuchia vào phối thờ, như tại đình Cẩm Vinh, Tân Huệ (huyện Vĩnh Cửu), đình Bình Quan, đình Hòa Qưới, đình Tân Lân, đình Phước Lư, đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (TP.Biên Hòa)... Việc làm này thể hiện lòng tri ân và biết ơn đối với các thế hệ cha ông đã vì nước quên thân, nêu cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Qua đó, còn có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ.

* Cộng đồng cùng tham gia

Cũng giống như ở nhiều nơi, lễ hội đình, đền dân gian ở Đồng Nai diễn ra trong 2 ngày. Đây là dịp để người dân gặp gỡ, trò chuyện thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng ban Quý tế đình Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), cho hay mỗi dịp cúng đình (ngày 20 và 21-11 âm lịch), bà con cùng ban quý tế, ban tế tự, ban quản lý các đình lân cận đều tề tựu về đình. Trước là dâng hương, hoa lên các vị tiền hiền được thờ phụng trong đình, sau là cùng nhau quây quần bên mâm cơm thân mật để họp mặt, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống và công việc.

Còn ông Lâm Văn Lang, Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa), cho biết mỗi dịp cúng đình, ban quý tế đình sẽ đi vận động người dân sinh sống quanh khu vực đình đóng góp và ai cũng vui vẻ tham gia theo phương châm ai có ít đóng ít, ai có nhiều đóng nhiều để cùng chung tay góp phần làm nên lễ hội. Bà Phạm Thị Thanh Hải (ngụ phường Hòa Bình) nói: “Tôi làm nghề bán vé số dạo, thu nhập hàng ngày chỉ đủ ăn, nhưng mỗi dịp cúng đình Tân Lân tôi cũng cố gắng sắm mâm trái cây đến dâng cúng tại đình để thể hiện lòng mình với các bậc tiền nhân có công với nước”.

Võ Tuyên  

 

Tin xem nhiều