Báo Đồng Nai điện tử
En

Vóc dáng huyện công nghiệp

09:12, 31/12/2013

Sau 10 năm hình thành và phát triển, Trảng Bom là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Khả năng cán đích trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại của Trảng Bom không còn xa.

Sau 10 năm hình thành và phát triển, Trảng Bom là huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Khả năng cán đích trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại của Trảng Bom không còn xa.

Nhiều năm qua, kinh tế Trảng Bom luôn phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phát triển toàn diện với công nghiệp (70%), dịch vụ (23%), nông nghiệp (7%) trong GDP; thu ngân sách năm 2012 đạt 1.300 tỷ đồng.

* Công nghiệp là lĩnh vực đi đầu

Với mục tiêu đưa sản xuất công nghiệp trở thành khâu đột phá, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp đạt 14.533 tỷ đồng, tăng 15,1%/năm. Toàn huyện hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) tập trung, gồm: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo, Giang Điền và 6 cụm công nghiệp địa phương. Trảng Bom là một trong những địa phương có lượng thu hút FDI khá cao với 187 dự án cùng tổng số vốn đăng ký là 1,4 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho trên 100 ngàn lao động.

Trong đó, KCN Hố Nai thu hút khoảng 60 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn nước ngoài trong lĩnh vực phụ trợ, đầu tư. KCN Giang Điền với diện tích trên 500 hécta được xem là mũi nhọn giúp kinh tế của huyện phát triển mạnh. Ngoài ra, KCN Giang Điền còn được tỉnh quy hoạch trở thành một trong những phân khu chuyên thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghiệp phụ trợ, vừa cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh, vừa xuất khẩu.

Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Trần Nghi Dũng cho biết: Mục tiêu mà Đảng bộ huyện đề ra là đưa huyện Trảng Bom trở thành huyện công nghiệp, từng bước hiện đại hóa vào năm 2015 với tỷ trọng công nghiệp chiếm khoảng 65%, dịch vụ 30%, nông nghiệp 5% trong GDP. Để làm được điều đó, yếu tố đầu tiên cần có là nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài để có thể đề ra những giải pháp, cách làm đột phá ở nhiều khâu khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… cho đội ngũ cán bộ nói riêng và nhân dân nói chung.

* Phát triển nguồn nhân lực bền vững

Để có thể cán đích, trở thành một huyện công nghiệp trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Trảng Bom đã đề ra những mục tiêu phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là chú trọng công tác xây dựng Đảng từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, gọn nhẹ; xây dựng thị trấn Trảng Bom trở thành đô thị loại 4 vào năm 2015; tiếp tục xây dựng nông thôn mới; quan tâm đến công tác quản lý môi trường, khai thác, quản lý tài nguyên; đầu tư xây dựng, trang bị các thiết chế văn hóa, các trung tâm thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của bà con, đặc biệt ở những xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm thiểu tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, phải chú trọng đến lĩnh vực giáo dục, quan tâm đầu tư hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển của huyện nhà nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Nhân  kỷ niệm 10 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân  huyện Trảng Bom vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới. Lễ đón nhận huân chương được tổ chức trọng thể vào ngày 31-12-2013, tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập huyện.

Huyện Trảng Bom hiện có 83 trường từ mầm non đến THPT với trên 55 ngàn học sinh và 2.700 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Mặc dù chất lượng giáo dục đã được cải thiện nhưng phát triển chưa đồng đều, cơ sở vật chất của nhiều trường học còn hạn chế. Trong số 7 trường THPT, chỉ có Trường THPT Thống Nhất A đạt chuẩn quốc gia, còn lại 6 trường chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất hoặc đội ngũ lãnh đạo, quản lý... Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đứng ra xây dựng trường học, chung tay xã hội hóa giáo dục. Cụ thể như Tập đoàn Phong Thái, đầu tư xây dựng trường mầm non cho con công nhân, xây mới trường tiểu học cho trẻ em nghèo ở xã Bắc Sơn và nhiều trường phổ thông, nhiều cấp học khác được tư nhân đầu tư.

Ông Phạm Xuân Phùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom, cho biết: “Trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện Trảng Bom sẽ đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ đội ngũ quản lý, giáo viên đạt, vượt chuẩn; giáo dục kiến thức, đạo đức, tư tưởng… để học sinh có đủ hành trang bước vào đời, chung tay xây dựng huyện nhà và đất nước”.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều