Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày quốc tế Lao động (1-5): Tìm cơ hội nâng cao thu nhập

08:04, 29/04/2014

Đời sống của công nhân lao động ở các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng không ít người vẫn tìm cơ hội nâng cao học vấn và trình độ bằng những buổi học sau giờ làm việc.

Đời sống của công nhân lao động ở các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng không ít người vẫn tìm cơ hội nâng cao học vấn và trình độ bằng những buổi học sau giờ làm việc.

Trước kia, vì điều kiện khó khăn nên anh Đinh Văn Định (KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) không thể học tiếp lên bậc THPT như nhiều bạn bè khác. Cũng vì thế khi đi xin việc, anh thường gặp bất lợi.

* Tìm cơ hội học tập

Không chấp nhận thiệt thòi, sau khi có việc làm tạm để ổn định  thu nhập, anh Định nghĩ ngay tới chuyện học tiếp tại Trường bổ túc văn hóa tỉnh. Sau 3 năm vừa học vừa làm (từ 2005-2008), anh Định đã có được tấm bằng THPT hệ bổ túc. Không dừng lại ở đó, anh còn hoàn thành chương trình trung cấp nghề bảo trì máy công nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Đồng Nai vào cuối năm 2010. Kết hợp kiến thức học ở trường với thực tiễn công việc bảo trì máy tại Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Phú Lâm (Fulin, Khu công nghiệp Amata), anh Định đã thực sự có tay nghề vững. “Nhờ nỗ lực học tập, tôi không còn bị gọi là lao động phổ thông như trước nữa. Tôi đang ấp ủ sẽ học tiếp lên cao đẳng nghề để có được đồng lương khá hơn hiện tại” - anh Định bày tỏ.

Một lớp học bổ túc văn hóa tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, học sinh chủ yếu là công nhân lao động.
Một lớp học bổ túc văn hóa tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, học sinh chủ yếu là công nhân lao động.

Theo kinh nghiệm tuyển dụng của các doanh nghiệp, học vấn và trình độ chuyên môn chính là lợi thế quan trọng nhất giúp người lao động có được tuyển dụng hay không, đồng thời người lao động có thể chủ động đưa ra mức lương cụ thể để thỏa thuận với doanh nghiệp. Hiểu được điều đó nên vợ chồng chị Bùi Thanh Hòa và anh Vũ Trọng Tạo (Công ty Vietbo, Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), sau khi cưới nhau vào năm 2010 đã quyết định không sinh con ngay mà dồn sức cùng nhau đi học. Lớp trung cấp nghề kế toán của anh chị tại Trường cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi (cách công ty 1km) được mở vào buổi tối và chủ nhật nên gần như không ảnh hưởng gì đến công việc và thu nhập của anh chị.

Trong khi đó, theo Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Hwaseng Vina Hồ Tăng Anh Tuấn, công ty có rất nhiều công nhân đã được điều chuyển lên làm công việc văn phòng với thu nhập cao hơn sau khi có bằng cấp mang về xuất trình với công ty. Nghề mà công nhân học nhiều là trung cấp kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh và chứng chỉ giao tiếp tiếng Hàn. Không chỉ được bố trí công việc mới, thu nhập cao hơn, công ty còn khuyến khích công nhân tự đi học bằng cách thưởng “nóng” khi có bằng cấp mang về.

* Cần thêm sự hỗ trợ

Phó phòng Đào tạo Trường đại học Lạc Hồng Hồ Viễn Phương cho biết, những năm gần đây công nhân đăng ký học nghề có trình độ từ cao đẳng lên đại học tại trường khá đông, do các lớp nghề thường được mở vào buổi tối và ngày chủ nhật nên không ảnh hưởng tới giờ làm việc và thu nhập. Mặt khác, công nhân còn được Nhà nước hỗ trợ vay vốn học tập với số tiền từ 5-9 triệu đồng/năm học, thời gian vay từ 3-5 năm, lãi suất thấp nên cũng bớt áp lực về chi phí học tập bên cạnh khoản tiền lương ít ỏi.

Theo nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, những năm gần đây công nhân theo học các khóa vừa học, vừa làm ngày càng nhiều, do công nhân tự nhận thức được việc học tập nâng cao trình độ đồng nghĩa với việc nâng cao thu nhập và vị thế xã hội. Tuy nhiên, còn rất ít doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp học phí cho công nhân đi học, hoặc ưu tiên thêm một số ngày nghỉ phép trong năm để họ có thể tập trung học tập tốt hơn, nhất là vào thời điểm thi học kỳ và cuối năm…

Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng khi doanh nghiệp khôn ngoan đầu tư cho người lao động nâng cao trình độ sẽ được lợi như: năng suất, chất lượng lao động tăng, tác phong công nghiệp được nâng cao... Đồng thời cũng có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng tranh chấp lao động tự phát do thiếu hiểu biết pháp luật còn khá phổ biến hiện nay.

Tiến sĩ Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu) cho hay, trường đang đào tạo trên 70 học viên là công nhân ở các ngành kỹ thuật, kế toán. Điều đáng mừng là công việc ở công ty khá vất vả, thậm chí còn phải tăng ca nhưng công nhân vẫn duy trì tốt lịch học, kết quả học tập khá, mặc dù công ty không có hỗ trợ gì về vật chất.

Nỗ lực học tập nâng cao học vấn và trình độ chuyên môn chính là “chìa khóa vàng” để công nhân lao động cải thiện cuộc sống một cách ổn định và lâu dài nhất. Chị Võ Thị Trúc Linh làm việc cho Công ty Nestlé Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) bày tỏ mong muốn bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ sử dụng lao động nên có thêm các chế độ ưu đãi để khuyến khích công nhân học tập, bởi khi công nhân có trình độ chuyên môn tốt thì năng suất và chất lượng lao động vì thế mà tăng theo, lợi cả đôi đường.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều