Báo Đồng Nai điện tử
En

Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

08:09, 09/09/2014

Đó là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Điều này được đặt ra ngay từ năm 2006 sau khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua.

Đó là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Điều này được đặt ra ngay từ năm 2006 sau khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua.

Tại Đồng Nai, việc lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm và đạt kết quả nhất định. Theo báo cáo của Sở Tư pháp, trong năm 2013 HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 115 văn bản quy phạm pháp luật  (gồm: 28 nghị quyết và 87 quyết định). Trong đó, 100% các văn bản quy phạm pháp luật ban hành phù hợp với nguyên tắc quy định về bình đẳng giới, được thi hành có hiệu quả, được đối tượng chấp hành nghiêm chỉnh, nhân dân ủng hộ góp phần đảm bảo nguyên tắc công bằng trong áp dụng pháp luật. Một số văn bản quy phạm pháp luật có thể có đối tượng tác động trực tiếp là phụ nữ không bị phân biệt, đối xử về giới, như: trong Quyết định số 63 ngày 7-2-2013 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định, tiêu chuẩn đối với phó chánh thanh tra tỉnh, chánh thanh tra tỉnh, phó chánh thanh tra các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa quy định nam nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực theo quy định khi có nhu cầu thì được cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm theo quy định; trong Quyết định số 53 của UBND tỉnh ban hành quy định chế độ thu hút đối với viên chức ngành y tế giai đoạn 2012-2020 và chế độ hỗ trợ đối với viên chức, nhân viên ngành y tế tỉnh giai đoạn 2012-2017 quy định nam nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực theo quy định đều thuộc diện được thu hút; hay như trong Quyết định 33 của UBND tỉnh về việc quy định chế độ thai sản đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh để đảm bảo quyền lợi…

Ông Huỳnh Minh Thiện, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết có được kết quả này là do UBND tỉnh đã có sự chủ động triển khai lồng ghép bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khi có Luật Bình đẳng giới. Trong đó, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 36 quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp tại Đồng Nai (được bổ sung theo Quyết định 68 ngày 1-12-2011); giao Sở Tư pháp chủ trì triển khai thực hiện đề án hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, huyện, xã thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Quy trình lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm 3 bước, đó là: xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đối với nam và nữ; xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Thiện, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc lồng ghép là chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới nên việc thực hiện, phối hợp của các cơ quan có liên quan còn lúng túng, nội dung lồng ghép còn mang tính chung chung; đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn thiếu kiến thức về giới, kỹ năng lồng ghép giới nên việc tổ chức thực hiện còn hạn chế. “Hy vọng sau khi thông tư lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp được phê duyệt và ban hành, việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn” - ông Huỳnh Minh Thiện nói.

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều