Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống dịch cúm A H7N9

11:04, 17/04/2017

Sở Y tế vừa ban hành kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9, H5N1, H1N1) trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào Đồng Nai; giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A H7N9 và cúm H5N1 đầu tiên để xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Sở Y tế vừa ban hành kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9, H5N1, H1N1) trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn mầm bệnh vào Đồng Nai; giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A H7N9 và cúm H5N1 đầu tiên để xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Theo nhận định của Sở Y tế, hiện bệnh cúm A H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc với số ca mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao. Xu hướng hội nhập, giao lưu quốc tế làm mầm bệnh phát tán, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai là rất lớn.

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị cúm A H7N9. Tuy nhiên, bệnh cúm A H7N9 là dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ bùng phát thành dịch cao và dễ gây thành dịch lớn do: chưa xác định được đường lây nên khó khăn trong khống chế dịch; cộng đồng chưa có miễn dịch với virus; không có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh.

Riêng bệnh cúm A H5N1 từ đầu năm 2017 đến nay cả nước đã ghi nhận 5 ổ dịch trên đàn gia cầm tại các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Đồng Nai. Bệnh cúm A H7N9 và H5N1 đều là bệnh do virus có nguồn gốc virus cúm gia cầm. Đặc tính của virus cúm A là thường xuyên biến đổi thành chủng mới dễ lây truyền sang người và nguy cơ gây ra các vụ đại dịch.

Một người nghi ngờ bị bệnh cúm A (H7N9 hoặc H5N1) là người có tiếp xúc với gia cầm tại khu vực có dịch cúm A gia cầm; đồng thời có các biểu hiện lâm sàng, như: sốt đột ngột, ho, đau họng, viêm đường hô hấp, khó thở, đau ngực. Các yếu tố dịch tễ kèm theo là: có tiền sử ở, đi, đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc cúm A trong vòng 14 ngày trước khi khởi bệnh; tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm, chết trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

Kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9, H5N1, H1N1) đã xác định cụ thể 4 tình huống:  xem như đã ghi có ca bệnh theo nhận định của Bộ Y tế, xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên người, xuất hiện ca cúm A H7N9, H5N1 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ , dịch bùng phát ra cộng đồng. Trong đó, xác định rõ kế hoạch chi tiết cho từng tình huống từ điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch; tổ chức trực báo dịch bệnh; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch; giải pháp giảm tỷ lệ tử vong; tổ chức khám phát hiện, thu dung, cách ly và điều trị; thu thập, báo cáo thông tin…

Đặng Ngọc


 

Tin xem nhiều