Báo Đồng Nai điện tử
En

Co giật ở trẻ em và cách xử trí

08:06, 30/06/2018

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện bị co giật do sốt cao hoặc co giật không rõ nguyên nhân có xu hướng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện bị co giật do sốt cao hoặc co giật không rõ nguyên nhân có xu hướng tăng.

Bệnh nhi T.A. đang được theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN
Bệnh nhi T.A. đang được theo dõi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN

Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận, điều trị cho khoảng 7 trường hợp, trong đó có những trường hợp nặng được xét nghiệm và phát hiện bị bệnh viêm não, rất dễ để lại di chứng sau này.

* Phân biệt 2 loại co giật ở trẻ

Co giật do sốt cao hay gặp ở trẻ từ 5 tháng đến 6 tuổi, thường nhất là 18 tháng đến 3 tuổi, xuất hiện khi trẻ bị sốt cao từ 39OC trở lên. Đây là loại co giật lành tính vì trẻ chỉ bị co giật 1 lần trong vòng 24 giờ đầu bị sốt, ít tái phát. Sau khi co giật, trẻ tỉnh táo, không bị yếu liệt. Các cơn co giật ngắn dưới 5 phút.

Trường hợp co giật không rõ nguyên nhân có tính chất phức tạp hơn. Có thể gây co giật ở trẻ trong vòng 10-15 phút, thậm chí kéo dài đến 30 phút. Sau co giật, trẻ bị hôn mê, mệt mỏi, uể oải và thường tái phát trong 24 giờ đầu.

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho bệnh nhi N.T.T.A. (9 tuổi, ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) vì viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết. Theo cha bé T.A., ngày 3-6, thấy con có biểu hiện lạ là 2 mắt nhìn sang một bên, con ngươi không di chuyển nên gia đình đưa bé T.A. đến cơ sở y tế của huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốt, nhức đầu, gồng người. Sau khi khám, xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới phát hiện T.A. bị viêm màng não. Điều trị khoảng 2, 3 ngày nhưng vẫn sốt cao liên tục, không giảm, bé sau đó được cho thở máy và theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc.

Phụ huynh cần dựa vào thời gian, tần suất cơn co giật của trẻ để phân biệt đâu là co giật lành tính, đâu là co giật phức tạp để kịp thời xử trí. Lưu ý, một đứa trẻ đã bị co giật nhiều lần thì sau này tuy không sốt cao nhưng vẫn có thể bị co giật.

Hiện tượng co giật rất có hại cho cơ thể và bộ não của trẻ do thiếu oxy não, nhất là nếu cơn co giật kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần. Trong cơn co giật, trẻ thường nôn mửa, nếu người lớn không có cách xử trí đúng và kịp thời thì trẻ có thể hít phải chất nôn hoặc bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi gây tổn thương phổi.

* Cách xử trí

Theo bác sĩ Quyền, khi phát hiện trẻ bị co giật cần cho trẻ nằm nghiêng để đờm, nhớt chảy ra ngoài, có sự theo dõi chặt chẽ của người thân, tránh khả năng trẻ có thể bị té. Cần hạ nhiệt sớm bằng cách nhét thuốc hạ sốt qua đường hậu môn cho trẻ (viên thuốc hạ sốt đặt hậu môn: trẻ em dưới 2 tuổi dùng viên paracetamol 80mg, trẻ lớn dùng viên 150mg). Tuyệt đối không hạ sốt bằng đường uống, không nặn chanh vào miệng trẻ dễ khiến trẻ bị sặc.

Bên cạnh đó, nhanh chóng tạo không khí thoáng mát, tránh gió lùa, không mở máy lạnh, cởi bỏ hết hoặc nới rộng quần áo cho trẻ, nhất là vùng cổ. Dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, lau khô khắp người cho trẻ, nhất là vùng nách, bẹn, trán, những nơi tập trung nhiều mạch máu.

Cần lau đi lau lại nhiều lần như thế cho đến khi trẻ hết co giật. Chú ý không được lau cho trẻ bằng nước lạnh vì có thể làm co mạch. Sau khi kết thúc cơn giật, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, các cơ sở y tế có uy tín để được thử máu xét nghiệm xem có gì bất thường hay không.

Không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách ghì trẻ thật chặt vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ. Không được cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì vì có thể gây sặc.

Không được dùng vật cứng để ngáng miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sứt lợi trẻ. Sau cơn giật, có thể dùng khăn vải mềm quấn lại vừa đủ đưa vào giữa 2 hàm răng trẻ, tránh trường hợp trẻ co giật lại.

Tại bệnh viện, tùy thuộc vào mức độ co giật, trẻ sẽ được cho thở oxy, hạ nhiệt nếu sốt hoặc sử dụng thuốc an thần chống co giật bằng đường hậu môn và tĩnh mạch; xét nghiệm máu xem có bị nhiễm trùng hay không.

Nếu trẻ co giật mà không bị sốt cao thì nghĩ ngay đến khả năng trẻ có thể bị động kinh, hạ đường huyết, hạ điện giải, viêm não…

Các bác sĩ lưu ý các trường hợp co giật phức tạp không rõ nguyên nhân rất nguy hiểm. Nếu gia đình chủ quan hoặc không biết về bệnh, tự ý mua thuốc điều trị hoặc truyền dịch, chích thuốc không đúng sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Một trong những bệnh có biểu hiện sốt cao co giật là viêm màng não, viêm não, có trường hợp điều trị đến 3 tuần mới được xuất viện. Có những trường hợp sốt co giật nhiều lần, dù được làm xét nghiệm nhưng vẫn khó xác định virus, khó chẩn đoán bệnh nên việc điều trị rất khó khăn, phức tạp.

* Phòng cơn co giật do sốt cao

Cơn co giật do sốt cao ở trẻ nếu đã xảy ra thì rất có khả năng tái phát. Điều này gây hoang mang cho rất nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, nếu biết cách xử trí ngay từ lúc trẻ mới sốt có thể phòng tránh được cơn co giật. Do vậy, những gia đình có con nhỏ nên dự trữ thuốc hạ sốt trong nhà, chú ý kỹ năng hạ sốt cho trẻ, cho trẻ uống thuốc khi thấy trẻ bị sốt từ 38OC, cho trẻ uống nước đủ. Khi trẻ đã từng bị co giật rồi nên chú ý hạ sốt sớm, không nên để lâu và đưa trẻ đến cơ sở y tế có uy tín để điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa bệnh viêm não, viêm màng não mủ, phụ huynh nên chăm sóc con kỹ, tránh để trẻ bị muỗi đốt; chích ngừa đầy đủ các mũi vaccine cho trẻ, đặc biệt là viêm não Nhật Bản, HIP, phế cầu.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều