Báo Đồng Nai điện tử
En

"Thủ lĩnh" của những ca mổ tim hở

08:03, 03/03/2019

Là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh tiến hành mổ tim hở từ tháng 10-2016, đến nay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã tiến hành phẫu thuật thành công cho 17 trường hợp.

Là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh tiến hành mổ tim hở từ tháng 10-2016, đến nay Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã tiến hành phẫu thuật thành công cho 17 trường hợp.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan truyền đạt những kiến thức liên quan đến hồi sức sau phẫu thuật cho bệnh nhân với một bác sĩ trẻ của Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan truyền đạt những kiến thức liên quan đến hồi sức sau phẫu thuật cho bệnh nhân với một bác sĩ trẻ của Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức.

Các bệnh nhân sau phẫu thuật đã hồi phục sức khỏe tốt và trở về với cuộc sống đời thường. Để có được thành công này, không thể không kể tới sự đóng góp tích cực của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức - phẫu thuật tim.

* Tận tâm

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan cho hay, năm 2003 bà bắt đầu về công tác tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Là một bác sĩ gây mê hồi sức, trong quá trình làm việc, bà nhận thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân cần được phẫu thuật, đặc biệt là những ca bệnh khó nhưng khả năng của bệnh viện chưa đáp ứng được. Do đó, khi có các trường hợp bệnh khó, bệnh nặng có chỉ định phẫu thuật, bà hội chẩn với tuyến trên, thầy cô và trao đổi với các đồng nghiệp, chọn phương án thực hiện gây mê hồi sức phù hợp nhất để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhờ vậy, bà đã cùng với tập thể Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức triển khai nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực gây mê hồi sức, thực hiện được nhiều trường hợp mổ khó, cấp cứu khẩn cấp.

Mổ tim được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất xác định là khâu đột phá, mũi nhọn trong điều trị, khám chữa bệnh của bệnh viện trong thời gian tới.

Trong mỗi ca mổ tim hở, bác sĩ Loan là người trực tiếp lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân tham gia, hội chẩn liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh, theo dõi và tham gia xuyên suốt quá trình phẫu thuật từ khâu gây mê đến khi kết thúc ca mổ, hồi sức cho bệnh nhân, xử lý tình huống xảy ra khi có vấn đề phát sinh. Đồng thời, bà cũng là người thường xuyên động viên tinh thần, hỗ trợ anh em bác sĩ, nhân viên khi cần thiết để mọi người vững tin, vững tay thực hiện ca mổ. “Hiện tại, phẫu thuật tim hở là phẫu thuật phức tạp nhất của ngoại khoa, cần huy động nhiều bác sĩ, không chỉ các bác sĩ của Khoa Hồi sức phẫu thuật tim mà còn nhiều chuyên khoa khác. Quá trình thực hiện ca mổ phải rất tỉ mỉ, từ khâu khám bệnh, sàng lọc, chẩn đoán đến khi quyết định mổ tim và hậu phẫu” - bác sĩ Loan cho hay.

Theo đó, mỗi trường hợp phẫu thuật tim hở, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất huy động các nhóm chuyên môn gồm: nhóm phẫu thuật (2 bác sĩ, 3 điều dưỡng phụ mổ và tiếp liệu dụng cụ), nhóm gây mê (2 bác sĩ và 2 cử nhân), nhóm tuần hoàn ngoài cơ thể (2 bác sĩ và 2 điều dưỡng), nhóm chẩn đoán hình ảnh (1 bác sĩ nội soi thực quản, 1 bác sĩ siêu âm tim), nhóm hồi sức hậu phẫu (2 bác sĩ, 2 điều dưỡng) cùng các bác sĩ, nhân viên các bộ phận liên quan như: kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, trực xe cấp cứu, phòng chỉ đạo tuyến, công nghệ thông tin và lãnh đạo bệnh viện.

Từ bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan được bổ nhiệm là Phó trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim rồi Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất chịu trách nhiệm quản lý điều hành chuyên môn khối ngoại bệnh viện.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh cũng huy động cùng lúc 12 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên kỹ thuật xuống Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để cùng thực hiện. Để một ca mổ tim suôn sẻ, công tác điều hành, bố trí nhân sự của lãnh đạo bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình phẫu thuật cũng ảnh hưởng đến chất lượng của ca mổ và sự sống của bệnh nhân. Qua mỗi đợt thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tất cả các nhóm đều đã học hỏi, tiếp thu được rất nhiều trên thực tế từng bệnh nhân, càng thấy rõ lợi ích của đề án bệnh viện vệ tinh.

* Tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân

Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho hay, bác sĩ Loan là tấm gương sáng về chuẩn mực đạo đức, tinh thần ham học hỏi để nhiều đồng nghiệp noi theo. Trong giao tiếp ứng xử hằng ngày, bác sĩ Loan có thái độ nhẹ nhàng, mềm mỏng, chân thành với bệnh nhân, với đồng nghiệp nhưng cũng rất thẳng thắn phê bình những vấn đề không đúng. Với cương vị là lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Loan rất coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ trẻ nhằm xây dựng tập thể bệnh viện vững mạnh. Là người phụ trách lĩnh vực mổ tim hở, bác sĩ Loan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, điều phối nhịp nhàng các ca phẫu thuật, tạo sự an tâm cho cả kíp phẫu thuật và bệnh nhân.

Còn bệnh nhân N.V.N. (65 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) vừa được phẫu thuật thay phình động mạch chủ bụng thì chia sẻ, sau khi ông mổ xong, bác sĩ Loan đã vào phòng hậu phẫu và kiểm tra vết mổ, động viên ông cố gắng điều trị để sớm khỏe mạnh với thái độ rất ân cần, nhẹ nhàng.

Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Nguyễn Thị Kim Loan bộc bạch: “Khi đã chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, người bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung phải xác định cho được mục đích nghề nghiệp của mình chính là cứu người và phát triển chuyên khoa mà mình đã chọn, giúp cho sự phát triển chuyên môn bệnh viện và cho ngành y tế, đặc biệt là bệnh nhân được thụ hưởng. Do đó, dù ở nhiệm vụ nào, tôi cũng luôn tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết về chuyên môn, tổ chức quản lý, giao tiếp, ứng xử, hết sức chia sẻ với đồng nghiệp những kiến thức mà mình có và những khó khăn mà đồng nghiệp gặp phải. Đồng thời, chia sẻ với bệnh nhân nỗi đau bệnh tật, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ sớm vượt qua”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều