Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo 'hệ sinh thái' mới trong giáo dục

09:12, 11/12/2019

Không chỉ bậc học phổ thông mà cả ở bậc đại học, việc đổi mới dạy học cũng là một đòi hỏi tất yếu, trong đó có nhiều phương pháp dạy học gắn với nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)...

Không chỉ bậc học phổ thông mà cả ở bậc đại học, việc đổi mới dạy học cũng là một đòi hỏi tất yếu, trong đó có nhiều phương pháp dạy học gắn với nền tảng công nghệ thông tin (CNTT). Những phương pháp này đều thực hiện theo nguyên tắc dạy học dựa theo năng lực của người học.

TS.Irma Kunnari, Giám đốc Dự án EMVITET trao đổi với giảng viên các trường đại học trong dự án về cách thức tổ chức “lớp học 4.0”. Ảnh: H.Yến
TS.Irma Kunnari, Giám đốc Dự án EMVITET trao đổi với giảng viên các trường đại học trong dự án về cách thức tổ chức “lớp học 4.0”. Ảnh: H.Yến

* Một “hệ sinh thái” mới trong giáo dục

Phương pháp học tập của giới trẻ hiện đã có nhiều thay đổi. Sinh viên thích học một cách linh hoạt, nhất là trên các thiết bị CNTT (điện thoại thông minh, máy tính), học mọi lúc, mọi nơi. Chính hệ thống E-learning (phương pháp học tập có kết nối mạng) và các hệ thống hỗ trợ quản lý, giảng dạy trên nền tảng CNTT khác sẽ giải quyết được vấn đề này.

Với các nền tảng CNTT hiện nay, giảng viên có thể tương tác trực tuyến với sinh viên trong quá trình giảng dạy thông qua phần “Thảo luận” trên “Diễn đàn”. Thậm chí, giảng viên có thể tạo luôn câu hỏi trên video clip của mình. Chẳng hạn, để đảm bảo rằng sinh viên đã xem toàn bộ video clip bài học thì giữa clip giảng viên sẽ thiết kế một câu hỏi. Sinh viên phải trả lời đúng câu hỏi thì video clip này mới chuyển sang phần tiếp theo. Nếu không thì sinh viên phải xem lại từ đầu.

Đó là những hình dung về một cách thức tổ chức lớp học 4.0 trên các nền tảng CNTT, cũng là những điều mà các giảng viên tham gia dự án Tăng cường năng lực cho giảng viên Việt Nam hướng đến giáo dục 4.0 (EMVITET) đang thực hiện.

Dự án EMVITET đặt mục tiêu đào tạo cho khoảng 50 giảng viên của mỗi trường thành viên tham gia dự án tại Việt Nam về các vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng hệ sinh thái giáo dục.

EMVITET là một dự án thuộc chương trình Erasmus+, được tài trợ bởi Cộng đồng châu Âu. Tham gia dự án có 9 trường đại học, cao đẳng, trong đó có 1 trường đại học của Phần Lan, 1 trường đại học của Ireland, 1 trường đại học của Bỉ. Việt Nam có 6 trường nằm trong dự án, gồm 3 trường đại học: sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, Lạc Hồng (Đồng Nai) và 3 trường cao đẳng: công thương TP.Hồ Chí Minh, công nghiệp Huế, cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ (thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội).

TS.Irma Kunnari, Giám đốc dự án EMVITET cho biết: “Dự án EMVITET được triển khai nhằm xây dựng hệ sinh thái học tập cho nền giáo dục Việt Nam, trong đó lấy người học làm trung tâm, giáo dục dựa trên năng lực, hợp tác toàn diện và chia sẻ kiến thức trong môi trường kỹ thuật số. Dự án giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên Việt Nam, đặc biệt là của các giảng viên ở 6 trường thành viên, để hướng đến giáo dục 4.0”.

Theo đó, dự án EMVITET kéo dài trong 3 năm (từ năm 2019-2021). Dự án tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về năng lực quản lý lãnh đạo, năng lực giảng dạy cho giảng viên; cung cấp cho giảng viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các máy móc, thiết bị trong trường quay của trường đại học Lạc Hồng để phục vụ việc thực hiện các bài giảng điện tử. Ảnh: H.Yến
Các máy móc, thiết bị trong trường quay của trường đại học Lạc Hồng để phục vụ việc thực hiện các bài giảng điện tử. Ảnh: H.Yến

TS.Lê Phương Trường, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Thực tế, ngay cả ở bậc đại học cũng có rất nhiều giảng viên ngại thay đổi cách dạy học, mà một trong những yêu cầu căn bản của việc thay đổi này là giảng viên phải tiếp cận và học hỏi công nghệ mới. Dự án EMVITET hướng dẫn cho giảng viên làm thế nào để dạy học dựa trên năng lực của sinh viên, để sinh viên làm trung tâm và tạo ra một hệ sinh thái mới trong giáo dục”.

* Khuyến khích sinh viên tạo hồ sơ trực tuyến

Một trong các hình thức dạy học được các giảng viên tham gia dự án EMVITET rất tâm đắc là việc khuyến khích sinh viên tạo hồ sơ trực tuyến từ tài khoản của trường để giáo viên có thể theo dõi, trao đổi quá trình học tập (tạo E-portfolio).

Có thể hình dung E-portfolio như một trang nhật ký cá nhân. Trong đó, thông qua hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ tự thiết kế, trình bày trang nhật ký của mình để lưu giữ lại hồ sơ học tập của cá nhân. Với việc xây dựng E-portfolio, sinh viên sẽ học tập chủ động hơn. Thông qua những thông tin, kết quả quá trình học tập được sinh viên đưa lên trang cá nhân, giảng viên có thể theo dõi và đánh giá được tiến trình học tập của sinh viên.

Ngoài ích lợi cho học tập và tương tác giữa giảng viên, sinh viên, việc tạo ra và hoàn thiện hồ sơ trực tuyến E-portfolio còn được xem là công cụ hữu ích khi sinh viên “săn” học bổng du học hay xin việc làm bởi đây là kênh tổng hợp quá trình học tập của sinh viên, các dự án tham gia, kết quả đạt được trong suốt quá trình học có sự chứng nhận của giảng viên.

“Trang Facebook cá nhân thậm chí cũng có thể được xem là một E-portfolio nếu những nội dung mà sinh viên đăng tải lên là tiến trình học tập, các công việc, kết quả thực hiện của một dự án học tập… Tuy nhiên, hiện nay sinh viên chỉ sử dụng Facebook như một kênh giải trí” - một giảng viên tham gia dự án EMVITET cho hay.

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng không phải môn học nào giảng viên cũng cho sinh viên thiết kế E-portfolio, bởi nếu làm như vậy thì sinh viên sẽ bị quá tải. Do đó, các giảng viên trong khoa sẽ thảo luận, thống nhất trước khi quyết định xem những môn học nào cho sinh viên làm E-portfolio. Giảng viên phải xác định được rằng, E-portfolio là phương tiện chứ không phải là mục đích cuối cùng của quá trình giảng dạy.

TS.Irma Kunnari, Giám đốc dự án EMVITET cho biết: “Kể từ lần đầu đến làm việc với Trường đại học Lạc Hồng vào đầu năm 2019 đến nay, tôi nhận thấy trường đã có những hành động cụ thể và cải tiến đáng kể về nhiều mặt. Sau chuyến thăm, học tập của lãnh đạo nhà trường và 6 giảng viên tại Trường đại học HAMK (Phần Lan), nhà trường đang có sự thay đổi tích cực về phương pháp giáo dục hiện đại, quan niệm giáo dục hiện đại, cơ sở vật chất và môi trường học tập... Với tư cách là Giám đốc dự án EMVITET, tôi đánh giá cao nỗ lực của nhà trường và đội ngũ giảng viên trong việc chủ động triển khai các hoạt động hữu ích hướng đến giáo dục 4.0. Đây là nền tảng để dự án này thành công và đạt được mục tiêu mong đợi”.

Hải Yến

Tin xem nhiều