Báo Đồng Nai điện tử
En

Nếu không có ngày 30 tháng 4…

11:04, 29/04/2015

Mỗi khi nhắc đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Nguyễn Thu Hồng, nhà ở phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) đều biểu lộ niềm cảm xúc đặc biệt: "Nếu hổng có ngày 30-4-1975, chắc là giờ này tôi vẫn còn ngồi trong tù!".

Mỗi khi nhắc đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Nguyễn Thu Hồng, nhà ở phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) đều biểu lộ niềm cảm xúc đặc biệt: “Nếu hổng có ngày 30-4-1975, chắc là giờ này tôi vẫn còn ngồi trong tù!”.

Vợ chồng ông Bảy Huệ.
Vợ chồng ông Bảy Huệ.

Bà Nguyễn Thu Hồng (thường được biết đến với tên Hai Hồng) là nữ công nhân đầu tiên trở thành lái chính của chiếc máy hút hiện đại nhất của nhà máy Eternit (sản xuất tấm lợp bằng xi măng duy nhất ở Việt Nam giữa thập niên 60 của thế kỷ trước) tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa (Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay). Tuy đã có 2 con và lại là vợ của một cán bộ quân giới đang hoạt động trong Chiến khu Đ (đồng chí Bảy Huệ, tức Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bông), nhưng Hai Hồng rất được giới chủ, đặc biệt là “thầy chú” trong nhà máy tin tưởng, ưu ái nhờ cái mác “có chồng là binh sĩ sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam cộng hòa thường đi hành quân xa”. Thực ra, Hai Hồng là... nữ Việt cộng nằm vùng do chính anh rể bên chồng là ông Ba Lễ (Trương Văn Lễ, lúc ấy là Bí thư Thị ủy Biên Hòa) “cài” vô nhà máy Eternit để dễ bề hoạt động trong lớp áo công nhân.

Với sự gan dạ, mưu trí và khôn khéo, Hai Hồng đã lên tận Hưng Nghĩa (nay là xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) đón nhận 4 chuyến “hàng đặc biệt” và đưa vào nội thị Biên Hòa một cách tuyệt đối an toàn nhằm phục vụ cho cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân, gồm: vũ khí, truyền đơn, trong đó có loại súng AK báng gỗ. Sau đó, nữ đảng viên Hai Hồng còn được giao nhiệm vụ đi vận động các cơ sở may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam để khi có lệnh là treo đồng loạt. Đặc biệt, Hai Hồng còn được giao nhiệm vụ dùng xe honda dame chạy công khai kiểm tra các mục tiêu ở Biên Hòa. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, thậm chí vào đúng giờ G. Tết Mậu Thân 1968, nhờ 2 nội tuyến của Hai Hồng, bộ đội ta còn “bịt miệng” được khẩu đại bác 155 ly của Trung đoàn 5 (thuộc Sư đoàn 7 bộ binh quân đội Sài Gòn) làm nhiệm vụ bảo vệ vành đai Long Bình.

Nhưng có một chuyện xảy ra ngoài dự kiến đã buộc Hai Hồng bất chấp hiểm nguy phải tự tay giải quyết. Đó là khi được lệnh rút ra khỏi TX.Biên Hòa, có một nhóm 10 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5 đều là người miền Bắc bị lạc đơn vị giữa lúc quân địch phản công và bao vây tứ phía. Hai Hồng đã dẫn nhóm bộ đội này về Bình Đa, chia cho các gia đình cơ sở nuôi giấu. Mấy hôm sau, chi bộ Tam Hiệp móc được liên lạc, bí mật đưa được nhóm bộ đội này rời Biên Hòa an toàn.

Hai Hồng sau đó bị lộ. Ngày 25-5-1972, đang trên đường đi làm thì Hai Hồng bị bọn cảnh sát đặc biệt của Biên Hòa chặn bắt. Không khai nhận tội, nhưng bọn địch vẫn đưa Nguyễn Thu Hồng ra tòa quân sự và kết án 2 năm tù.

Mùng 2 tết năm 1973, địch phát hiện được nhóm nữ tù chính trị âm mưu phá nóc phòng giam của khám đường Biên Hòa để treo cờ Mặt trận giải phóng. Tang vật là 5 ngôi sao vàng cùng 2 lá cờ do chính tay Nguyễn Thu Hồng vẽ và thêu, cùng lời khảng khái nhận tội: “Tôi làm vì ước mong giải phóng dân tộc!”. Tòa án quân sự lưu động vùng III chiến thuật chính quyền Sài Gòn tuyên xử nữ can phạm Nguyễn Thu Hồng hình phạt chung thân.

Ngày 30-4-1975, khám đường Biên Hòa bị mở tung, Hai Hồng lại trở về trong vòng tay đồng đội, đồng bào.

Bùi Thuận

 

 

Tin xem nhiều