Báo Đồng Nai điện tử
En

Vùng đất lửa: Ngày ấy, bây giờ

08:04, 30/04/2022

50 năm trước, chiến dịch giải phóng Quảng Trị; cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trên chiến trường miền Nam và chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 đã tạo bước ngoặt quyết định, đánh bại một bước quan trọng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

50 năm trước, chiến dịch giải phóng Quảng Trị; cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ cùng với thắng lợi của các hướng tiến công khác trên chiến trường miền Nam và chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã tạo bước ngoặt quyết định, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nửa thế kỷ trôi qua, “vùng đất lửa” ngày ấy với sự kiện 81 ngày đêm Thành cổ cùng Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải bị chia cắt giờ đã trở thành những khu di tích đặc biệt cấp quốc gia. 50 năm sau ngày giải phóng, “vùng đất lửa” đang vươn mình bứt phá, đổi thay từng ngày…

Bài 1: Chiến đấu bảo vệ Thành cổ

Chúng tôi có mặt tại “vùng đất lửa” vào những ngày tháng 4 lịch sử, đúng dịp Quảng Trị đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng (1972-2022) và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân viếng Thành cổ trong những ngày tháng 4 lịch sử
Cán bộ, hội viên cựu chiến binh và nhân dân viếng Thành cổ trong những ngày tháng 4 lịch sử

“Vùng đất lửa” một thời đạn bom khói lửa, mỗi khi nhắc tới lại nhớ về nỗi đau chia cắt cùng những khúc tráng ca mà điển hình là cuộc chiến bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm.

* Phá vỡ “con đê ngăn chặn”

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, sau Hiệp định Genève được ký kết tháng 7-1954, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần tỉnh Quảng Trị từ sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ - ngụy. TX.Quảng Trị (trong đó có Thành cổ là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội) được đế quốc biến thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh với nhiều nhà giam, đàn áp phong trào cách mạng của ta.

Mỹ - ngụy luôn coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” 2 miền Nam Bắc một cách vững chắc. Chỉ khi Chiến dịch Xuân Hè năm 1972 được mở, sau 2 đợt tấn công và nổi dậy mạnh mẽ (từ ngày 30-3 đến 1-5-1972), quân, dân Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tấn công quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của kẻ thù từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Khe Sanh đến Cửa Việt, một vùng đất rộng lớn của quê hương Quảng Trị. “Con đê ngăn chặn” mà kẻ thù xây dựng cũng bị quân giải phóng chọc thủng, lá cờ chiến thắng bay trên nóc Dinh tỉnh trưởng ngụy quyền, báo hiệu toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng ngày 1-5-1972.

TX.Quảng Trị trong 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, địch huy động từ 150-170 lần máy bay phản lực; 70-90 lần máy bay B52 ném bom hủy diệt. Thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu hơn 328 ngàn tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải hứng chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945.

Trong căn nhà nhỏ yên bình nằm ở thôn Ngô Xá - Thanh Lê, xã Triệu Trung (H.Triệu Phong), ông Hoàng Công Phóng, nguyên chiến sĩ giải phóng bảo vệ Thành cổ vẫn nhớ như in sự kiện cách nay nửa thế kỷ. Ông Phóng kể lại, để mất Quảng Trị và Thành cổ, địch lên kế hoạch phản kích tái chiếm lại TX.Quảng Trị trong tháng 7 và toàn tỉnh Quảng Trị vào tháng 9-1972. Chúng điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, sư đoàn mạnh nhất, có cả lực lượng tổng dự bị quốc gia. Sáng sớm 28-6-1972, từ Đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch chính thức mở cuộc phản kích mang mật danh “Lam Sơn 72”.

“Chúng kết hợp đường bộ (đường số 1 và 68), đổ bộ đường không (nam sông Nhùng, Cổ Lũng) và đường biển (Thuận Đầu) từ nhiều hướng tiến đánh các chốt của ta trên đường tới thị xã. Với tham vọng và nỗ lực của chúng, mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là Thành cổ, trở thành mục tiêu trọng yếu nhất, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch trong 81 ngày đêm đỏ lửa của mùa hè năm 1972” - ông Phóng nhớ lại.

Cũng trực tiếp tham gia bảo vệ Thành cổ trong những ngày địch tái chiếm Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Khư, nguyên chiến sĩ bảo vệ Thành cổ xúc động kể, suốt thời gian từ ngày 28-6 đến 27-7-1972, địch nhiều lần tấn công vào các trận địa của ta, nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Ngày 22-7-1972, địch đổ bộ xuống phía bắc sông Vĩnh Định, đã bị lực lượng vũ trang tỉnh cùng các đơn vị chủ lực đánh; làm cho địch thiệt hại lữ đoàn dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù (đã bị thương vong gần 5 ngàn tên) phải lui về sau củng cố.

Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9-1972, cuộc chiến bước vào giai đoạn giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Do hỏa lực địch mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần và cuộc chiến giằng co ác liệt trong lòng thị xã và Thành cổ. Thời tiết không thuận lợi, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta. “Chiến sĩ vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự, vừa chống trả địch, thương vong nhiều, sức khỏe giảm sút. Trong tình thế đó, ta được lệnh rút sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ ngày 16-9-1972. Gần 3 tháng chiến đấu dũng cảm, kiên cường, lực lượng ta đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng tái chiếm Thành cổ của Mỹ - ngụy...” - ông Khư xúc động kể.

Sau trận đánh này, nhà thơ Lê Bá Dương, nguyên chiến sĩ Thành cổ có 4 câu thơ nổi tiếng: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”…

* Vững thế trận lòng dân

Tham luận của Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang gửi đến hội thảo khoa học do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ đã khẳng định: “Thắng lợi cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vừa đánh sập “con đê ngăn chặn” 2 miền Nam Bắc của kẻ thù, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị đã cùng bộ đội chủ lực quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan hệ thống kìm kẹp của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Lao Bảo, Khe Sanh đến Cửa Việt. Đồng thời, còn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, thực sự là điểm tựa tinh thần, là đóng góp to lớn của quân dân Quảng Trị làm nên thắng lợi quan trọng này”.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, minh chứng cụ thể và sinh động nhất cho “thế trận lòng dân” vững chắc là quyết tâm, khí thế sẵn sàng vào chiến dịch, bất chấp hiểm nguy, gian khổ, hy sinh của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo ở vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm, cũng như ở vùng hậu phương lớn Vĩnh Linh. Điều này không chỉ phản ánh “diện rộng” mà còn là “độ sâu”, “độ chắc” của “thế trận lòng dân”, là nguồn sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1972.

Nói về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nhấn mạnh: “Chúng ta đã chịu đựng không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4 ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Trích bài viết của Tổng bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành cổ).

Ông HOÀNG CÔNG PHÓNG kể: “Quá trình ngâm mình trong nước lũ và điều kiện sống kham khổ trong những ngày hè đỏ lửa bảo vệ Thành cổ, tôi và đồng đội đều bị hắc lào. Chúng tôi phải cạo thuốc nổ TNT để rắc bột vào những vết hắc lào mà mỗi lần rắc như thế đau thấu tận tim gan… Nhưng bom đạn, sự kìm kẹp, gian khổ không làm chúng tôi nao núng, vẫn kiên quyết bám đất, bám làng với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Nguyệt Hà

Bài 2: Lễ thượng cờ nối nhịp bờ vui

 

 

 

Tin xem nhiều