Báo Đồng Nai điện tử
En

Lệ thuộc vào một thị trường

10:03, 09/03/2016

Tháng 6-2015, nông dân trồng chuối ở Thống Nhất, Trảng Bom "khóc ròng" vì giá chuối rớt thảm hại. Thời điểm đó, chuối tiêu bán tại vườn chỉ còn ở mức từ 1,5 - 2 ngàn đồng/kg, giảm cả chục ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2014

Tháng 6-2015, nông dân trồng chuối ở Thống Nhất, Trảng Bom “khóc ròng” vì giá chuối rớt thảm hại. Thời điểm đó, chuối tiêu bán tại vườn chỉ còn ở mức từ 1,5 - 2 ngàn đồng/kg, giảm cả chục ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2014. Trước đó, giá chuối khá cao do thị trường Trung Quốc “ăn hàng”, thấy mặt hàng này bán được với giá cao, nhiều người mạnh dạn đầu tư vốn lớn làm hệ thống tưới nước tự động, trồng chuối giống nuôi cấy mô... để rồi sau đó, nhiều vườn chuối tại huyện Trảng Bom đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá quá thấp nên lỗ nặng.

Đầu năm 2016, thị trường Trung Quốc lại hút hàng, chuối lại được giá, thương lái phía Bắc lùng sục tận vườn nông dân để mua chuối xuất đi Trung Quốc. Bà con nông dân lại hồ hởi vì lợi nhuận, lại tính chuyện mở rộng quy mô.

Niềm vui trước mắt dễ thấy, nhưng không thể không nhìn ra sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc của nông sản Việt Nam. Câu chuyện trái chuối năm 2014 được giá - năm 2015 rớt giá - năm 2016 lại được giá, phổ biến ở nhiều loại nông sản khác, không riêng gì chuối. Tại Đồng Nai, xoài, thanh long ruột đỏ, tiêu, điều, cao su… cũng phập phồng giá cả theo từng năm tùy theo “nhịp thở” của thị trường Trung Quốc. Trung Quốc “ăn” hàng: giá cao, Trung Quốc “dội” hàng: giá thấp. Những câu chuyện nông sản hay trái cây xuất khẩu đi Nhật, châu Âu, Hàn Quốc.. tuy cũng có nhưng vẫn rất lẻ tẻ, số lượng xuât khẩu không đáng là bao so với lượng hàng xuất đi Trung Quốc. Nguyên nhân thì đơn giản: thị trường Trung Quốc dễ tính, dễ chiều, khi cần thì trái lớn trái bé, dư lượng thuốc, ký sinh trùng… có hay không không thành vấn đề, trong khi các thị trường khó tính đòi hỏi từng chút một.

Về bài toán lâu dài, việc quá lệ thuộc vào một thị trường là điều Chính phủ phải có chiến lược xử lý. Không phải chỉ với Trung Quốc, mà dù là bất cứ thị trường nào, nếu quá phụ thuộc thì bao giờ thế yếu cũng về tay người “chiếu dưới”. Chưa kể, đi kèm với lệ thuộc kinh tế sẽ là những “lệ thuộc” khác lớn hơn, nguy hiểm hơn.

Và có lẽ, không có cách nào tốt hơn bằng cách nâng cao nội lực: sản xuất lớn, chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, để thay vì chỉ xuất đi thị trường dễ tính, phải có sách lược và tính toán lâu dài để tìm những bạn hàng khó tính hơn, song bền vững hơn.

VI LÂM

 

Tin xem nhiều